Sự suy giảm trong lĩnh vực sản xuất của khu vực đồng Euro đã trở nên trầm trọng hơn vào tháng 12/2024, với rất ít dấu hiệu phục hồi trong thời gian tới, khi ba nền kinh tế lớn nhất khu vực – Đức, Pháp và Ý – tiếp tục chìm trong suy thoái công nghiệp.
Tại Châu Âu, chỉ số Quản lý thu mua (PMI) khu vực đồng Euro do HCOB thực hiện và S&P Global tổng hợp, giảm xuống 45,1 trong tháng 12/2024, thấp hơn ước tính ban đầu và duy trì dưới mức 50 – ngưỡng phân định tăng trưởng và suy thoái – từ giữa năm 2022.
Ông Claus Vistesen, chuyên gia kinh tế trưởng của Pantheon về khu vực đồng euro, lưu ý rằng: "Sản lượng tại khu vực đồng euro vẫn chịu áp lực vào cuối năm 2024, do sự sụt giảm liên tục của các đơn hàng mới trong cả thị trường trong nước và xuất khẩu".
Hoạt động sản xuất tại Đức tiếp tục giảm sâu hơn trong tháng 12/2024, với sự sụt giảm mạnh hơn ở sản lượng và đơn hàng mới, trong khi hoạt động tại Pháp giảm ở tốc độ nhanh nhất trong hơn bốn năm qua.
Tại Mỹ, hoạt động sản xuất đã giảm trong tháng thứ sáu liên tiếp, khép lại một năm với sản lượng nhà máy dưới mức trung bình. Tổng thống đắc cử Trump đã cam kết áp dụng thuế quan trên diện rộng, đặc biệt nhắm vào ba đối tác thương mại lớn là Mexico, Canada và Trung Quốc.
Chỉ số PMI sản xuất của Mỹ do S&P Global tổng hợp giảm xuống 49,4 trong tháng 12/2024 từ mức 49,7 trong tháng 11/2024. Tuy nhiên, con số này vẫn cao hơn so với mức 'dự báo nhanh' là 48,3.
Ông Chris Williamson, chuyên gia kinh tế trưởng tại S&P Global Market Intelligence, cho biết: "Các nhà máy ở Mỹ đã trải qua một giai đoạn khó khăn vào cuối năm 2024 và giảm kỳ vọng tăng trưởng trong năm tới. Họ đang báo cáo về một môi trường kinh doanh với doanh số bán hàng và số lượng đơn đặt hàng thấp, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất khẩu".
Tại Anh, quốc gia nằm ngoài EU, hoạt động sản xuất giảm với tốc độ nhanh nhất trong 11 tháng và các công ty cắt giảm nhân sự do thuế cao và nhu cầu yếu từ thị trường nước ngoài.
Tại Châu Á, chỉ số PMI sản xuất trong tháng 12/2024 cho thấy hoạt động sản xuất ở Trung Quốc và Hàn Quốc đang chậm lại, mặc dù có một số dấu hiệu phục hồi ở Đài Loan và khu vực Đông Nam Á.
Chỉ số PMI Caixin/S&P Global của Trung Quốc giảm xuống 50,5 trong tháng 12/2024 từ mức 51,5 của tháng 11/2024, thấp hơn dự báo của các nhà phân tích và cho thấy tăng trưởng chỉ ở mức khiêm tốn.
Ông Gabriel Ng, trợ lý kinh tế tại Capital Economics, cho biết chính sách hỗ trợ tăng cường của Bắc Kinh vào cuối năm 2024 đã thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn, điều này có thể được phản ánh trong các chỉ số khác của quý IV/2024.
"Sự cải thiện này sẽ tiếp tục duy trì trong đầu năm 2025 nhưng có thể chỉ kéo dài vài quý, đặc biệt khi ông Trump có khả năng sớm thực hiện các biện pháp thuế quan của mình, cùng với tình trạng mất cân đối cơ cấu vẫn đang đè nặng lên nền kinh tế", ông Ng nhận định.
Tại các khu vực khác ở Châu Á, chỉ số PMI của Hàn Quốc cho thấy hoạt động sản xuất giảm mạnh hơn trong tháng 12/2024, trái ngược với các số liệu xuất khẩu khả quan được công bố ngày 31/12. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cũng nhấn mạnh cần linh hoạt hơn trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ năm nay do bất ổn kinh tế và chính trị gia tăng.
Chỉ số PMI của Nhật Bản cho thấy hoạt động sản xuất giảm trong tháng 12/2024 nhưng với tốc độ chậm hơn. Malaysia và Việt Nam cũng ghi nhận sự suy giảm trong hoạt động sản xuất. Trong khi đó, Ấn Độ có mức tăng trưởng sản xuất yếu nhất năm 2024, dù vẫn vượt trội hơn các quốc gia khác trong khu vực với sự mở rộng liên tục suốt ba năm rưỡi qua.