Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2024 vừa được Tổng cục Thống kê công bố vào sáng 29/7, trong 7 tháng năm 2024, trước diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, kinh tế - xã hội Việt Nam tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên do quyết liệt thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng của Việt Nam duy trì xu hướng tích cực, tạo đà tăng trưởng cho các tháng, quý tiếp theo.
Theo đó, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2024 tăng 0,48% so với tháng trước. CPI 7 tháng so với tháng 12/2023 tăng 1,89% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,36%. Trong mức tăng 0,48% của CPI tháng 7/2024 so với tháng trước, có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng; riêng nhóm bưu chính, viễn thông ổn định giá.
Cụ thể, tăng cao nhất là nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,77% chủ yếu do giá bảo hiểm y tế tăng 28,45% khi mức lương cơ sở được điều chỉnh từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng. Đứng thứ hai là nhóm giao thông tăng 1,45%, làm cho CPI chung tăng 0,14%, chủ yếu do giá dầu diezen tăng 4,07%; giá xăng trong nước tăng 3,55% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng.
Đứng thứ 3 là nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,5% chủ yếu do các nguyên nhân như giá điện sinh hoạt tăng 1,39%; nước sinh hoạt tăng 0,22%. Giá dầu hỏa tăng 4,02% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng; giá thuê nhà tăng 0,2%; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,08%…
Theo Tổng cục Thống kê, bình quân 7 tháng năm 2024, CPI tăng 4,12% so với cùng kỳ năm trước.
Về lạm phát, lạm phát cơ bản tháng 7/2024 tăng 0,36% so với tháng trước, tăng 2,61% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 7 tháng năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,73% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,12%), chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế và xăng dầu là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.