Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố về nợ công Việt Nam tính đến cuối năm 2014 là 2,35 triệu tỷ đồng (khoảng 110 tỷ USD). Con số của WB cao hơn bất kỳ số liệu nào được nêu ra trước đó.

Trả lời về vấn đề này, tại cuộc họp báo Chính phủ chiều nay (31/7/2015), Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, số liệu nợ công mà WB công bố cũng chính là số liệu do Bộ Tài chính cung cấp.

Bộ trưởng nhấn mạnh, con số nợ công (bao gồm nợ của Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương) tới cuối năm 2014 là 2,346 triệu tỷ đồng vẫn trong giới hạn theo quy định của Nghị quyết Quốc hội.

Bộ trưởng Nên cũng cho biết, Chính phủ luôn quan tâm chỉ đạo tập trung thực hiện tốt các giải pháp tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia và ổn định kinh tế vĩ mô. Mới đây Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị về việc này.

Xét về tỷ lệ tương đối so với GDP năm 2014 là 186,2 tỷ USD, thì nợ công theo tính toán của WB tương đương 59%, thấp hơn giới hạn là 65% GDP.
Còn nếu tính toán trên dân số cuối năm 2014 của Việt Nam là 90,7 triệu người, bình quân mỗi người dân "gánh" gần 1.213 USD (26 triệu đồng) nợ công.

Chuyên gia Sebastian Eckardt của WB nhận định, Việt Nam vay nợ cao chủ yếu do nhu cầu tài trợ ngân sách lớn. Số liệu cho thấy, bội chi đã tăng từ mức 4,9% GDP năm 2008 lên 5,3% GDP năm 2014. Tính tới 20/7, ngân sách tiếp tục thâm hụt khoảng 114 nghìn tỷ đồng (5,3 tỷ USD).

Chuyên gia của WB cũng cho rằng, nợ công tăng lên và chi phí thanh toán nợ có thể tạo thêm gánh nặng lên ngân sách. Nghĩa vụ thanh toán nợ công đã tăng từ 22% năm 2010 lên gần 26% tổng thu ngân sách năm 2014. Chi trả lãi vay hiện chiếm gần 7,2% chi ngân sách, lấn át các khoản chi tiêu khác.


Thái Hà