Theo Cục Xuất nhập khẩu, ước tính, trong tháng 6/2024, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 1,25 tỷ USD, giảm 1,1% so với tháng 5/2024, nhưng tăng 13,6% so với tháng 6/2023; trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 840 triệu USD, tăng 0,6% so với tháng 5/2024, nhưng tăng 10,4% so với tháng 6/2023. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 7,4 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 5,03 tỷ USD, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Nhu cầu tăng tại nhiều thị trường xuất khẩu lớn là yếu tố chính thúc đẩy hoạt động xuất khẩu các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ tăng trưởng tích cực trong 5 tháng đầu năm 2024.
Trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu, đồ nội thất bằng gỗ luôn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực với trị giá xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao.
Trong 5 tháng đầu năm 2024, trị giá xuất khẩu mặt hàng này đạt 3,8 tỷ USD, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm 2023. Hầu hết các mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ xuất khẩu đều tăng trưởng tích cực trong 5 tháng đầu năm 2024: Dẫn đầu là mặt hàng ghế khung gỗ đạt 1,3 tỷ USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm 2023; tiếp theo là mặt hàng đồ nội thất phòng khách và phòng ăn đạt 1 tỷ USD, tăng 24,9%...
Ngoài mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ, trong 5 tháng đầu năm 2024 còn một số mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu cũng tăng trưởng tích cực như: dăm gỗ đạt 1,1 tỷ USD tăng 35,1% so với cùng kỳ năm 2023; gỗ, ván và ván sàn đạt 814,7 triệu USD, tăng 24,7%; gỗ viên nén đạt 281,7 triệu USD, tăng 10,1%...
Đồ gỗ và các sản phẩm mỹ nghệ là 1 trong những mặt hàng xuất khẩu có tỷ trọng kim ngạch lớn của Việt Nam sang Anh. Dẫn số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), theo Cục Xuất nhập khẩu, trong tháng 3/2024, nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Anh đạt 367 triệu USD, tăng 6,9% so với tháng 3/2023. Tính chung 3 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Anh đạt 1,03 tỷ USD, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Về mặt hàng, 3 tháng đầu năm 2024, Anh tăng nhập khẩu ghế khung gỗ, đồ nội phòng ngủ, đồ nội thất nhà bếp và đồ nội thất văn phòng, nhưng giảm nhập khẩu đồ nội thất phòng khách và phòng ăn, đồ nội thất nhà bếp. Các mặt hàng nhập khẩu chính của Anh là đồ nội thất phòng khách và phòng ăn, ghế khung gỗ và đồ nội thất phòng ngủ, 3 mặt hàng này chiếm 88,9% tổng trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Anh trong 3 tháng đầu năm 2024. Đây cũng đều là mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh, tuy nhiên tỷ trọng nhập khẩu của Anh từ Việt Nam vẫn còn thấp, vì vậy cơ hội để mở rộng thị phần tại Anh là rất khả quan.
Trong khi đó, doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam có nhiều cơ hội tại thị trường Anh nhờ ưu đãi thuế quan theo các Hiệp định UKVFTA, CPTPP; cơ chế áp dụng Fast track Digital UKCA thay cho CE đối với sản phẩm công nghiệp. Cụ thể, khi Hiệp định UKVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng gỗ sẽ có thuế suất 0% trong vòng 5 năm.
Thị trường Anh khá lớn (khoảng 68 triệu dân), nhu cầu đa dạng với cộng đồng người gốc Á hơn 5,5 triệu người cũng là điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam, trong đó có đồ nội thất bằng gỗ gia tăng xuất khẩu vào thị trường này.
Với nhiều cơ hội của mặt hàng gỗ là vậy, song để thâm nhập, mở rộng thị trường tại Anh và tận dụng hiệu quả những lợi ích mà Hiệp định UKVFTA mang lại, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần phải nắm bắt các quy định về tiêu chuẩn mới của thị trường và xu thế tiêu dùng để cải tiến công nghệ, chất lượng mẫu mã sản phẩm phù hợp; đầu tư và sử dụng các phương tiện, công cụ marketing số hiện đại để tăng cường quảng bá sản phẩm; tích cực tham gia các hội chợ triển lãm quốc tế tại Anh. Đặc biệt, cần chuẩn bị lộ trình chuyển đổi sản xuất đáp ứng các yêu cầu mới của Anh về giảm phát thải, chống mất rừng và suy thoái rừng.
Cùng với đó, doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam cần lưu ý khi tìm kiếm khách hàng có thể đăng ký gian hàng trên những nền tảng chuyên ngành như Wayfair, amazon hay www.partners.thepopular.co.uk miễn phí.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương