Trong cuộc họp với một số cơ quan báo chí chiều nay (31/7), Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết sau khi công bố danh sách 600 doanh nghiệp nợ thuế, Bộ Tài chính đã nhận được 8 văn bản của doanh nghiệp kiến nghị xem lại việc nợ thuế.

Ngay khi nhận được kiến nghị của doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã yêu cầu Tổng cục Thuế kiểm tra đối chiếu để xem xét lại. Nếu lỗi sai là do cơ quan thuế thì cục trưởng hoặc chi cục trưởng phải tổ chức xin lỗi bằng văn bản.

“Trong số 8 doanh nghiệp phản ánh thì cơ quan thuế đã chính thức xin lỗi 6 đơn vị”, Thứ trưởng Tuấn cho biết.

“Nguyên dân sai là do chưa được đối soát kịp thời giữa các chứng từ. Các doanh nghiệp như Thế giới di động, Nguyễn Kim… sản xuất kinh doanh trên nhiều địa điểm trên toàn quốc, nên chứng từ chưa được cập nhật kịp thời. Vì thế, số nợ thuế xác định chưa chính xác”, ông Tuấn nói.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết thêm, 2 đơn vị còn lại là Công ty chứng khoán MB và VTC cũng đã được gỡ khỏi danh sách công khai nhưng không xin lỗi do không phải lỗi của cơ quan thuế.

Trả lời câu hỏi có hình thức kỷ luật ra sao với cán bộ thuế với những trường hợp sai sót trên, lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định, cơ quan chức năng sẽ đánh giá nguyên nhân, hậu quả. Theo ông, nếu các doanh nghiệp chứng minh được hậu quả vì vấn đề trên mà không ký được hợp đồng thì phía cơ quan chức năng sẽ xác định và có giải pháp.

Khẳng định việc công khai danh tính đối tượng nợ thuế là nhiệm vụ phải làm, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, thu ngân sách trong 7 tháng của ngành thuế đã đạt 61% kế hoạch. Thu nội địa trong thời gian đang có dấu hiệu vượt lên khiến lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, thu ngân sách sẽ vượt dự toán.

Điều này theo Thứ trưởng Tuấn cũng đồng nghĩa, việc công khai, đôn đốc thu nợ không phải vì áp lực ngân sách.

"Việc công khai cưỡng chế nợ thuế vì nợ đọng đã ở mức không thể chấp nhận được, khoảng 10%. Điều này ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, làm xấu đi tính tuân thủ pháp luật và làm người chấp hành tốt nghĩa vụ phải chịu thiệt thòi," lãnh đạo Bộ Tài chính nói.

Cũng theo ông, trong thời kỳ từ năm 2012 về trước, khi kinh tế khó khăn, Quốc hội và Chính phủ đã có giải pháp giãn, giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, tới những năm 2013, 2014 và 2015 khi kinh tế đã phục hồi, nhiều doanh nghiệp vẫn lấy cớ để chiếm dụng tiền thuế của ngân sách Nhà nước.

Con số nợ thuế vì thế theo Thứ trưởng Tuấn hiện đã ở ngưỡng khoảng 74.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 10% số thuế doanh nghiệp phải nộp trong năm. Điều này cũng giải thích cho việc công khai danh tính 600 doanh nghiệp nợ thuế lớn ở 63 tỉnh, thành phố của cơ quan chức năng mới đây. 

Phạm Hà Nam