Ngày 29-7, đại tá Lê Văn Hồng, Trưởng Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an tỉnh Quảng Nam, cho biết đã vào cuộc điều tra việc Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu (Công ty Bồng Miêu, thuộc Tập đoàn Besra) xuất hóa đơn bán hơn 107,4 tỉ đồng cho Công ty TNHH MTV Vàng bạc Nghĩa Tín (Công ty Nghĩa Tín, đóng tại TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam).

Xuất “khống” hóa đơn

Nói thêm về việc này, ông Ngô Bốn, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Nam, cho biết cuối năm 2014, khi đang nợ thuế hàng chục tỉ đồng, biết được tin sắp bị Cục Thuế tỉnh Quảng Nam cưỡng chế thuế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, Công ty Bồng Miêu đã xuất hóa đơn bán vàng cho Công ty Nghĩa Tín với giá thanh toán trên hóa đơn hơn 107,4 tỉ đồng nhưng thực tế không có vàng kèm theo.

Tháng 12-2014, khi cơ quan quản lý thuế phát hiện thì Công ty Bồng Miêu đã bán vàng cho Công ty Nghĩa Tín được khoảng 60-70 tỉ đồng. Do việc xuất hóa đơn trái pháp luật, Cục Thuế đã giao toàn bộ hồ sơ cho công an điều tra.

Trước đó, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết từ ngày 17-6, Công ty Bồng Miêu đã thông báo tạm dừng sản xuất. Khoảng thời gian trước đó, công ty vẫn hoạt động, xuất bán vàng và tiếp tục phát sinh nợ thuế.

Cụ thể, từ đầu tháng 1 đến cuối tháng 5-2015, công ty kê khai sản lượng vàng khai thác là 70,659 kg, thuế tài nguyên phải nộp hơn 876 triệu đồng. Riêng thuế GTGT phát sinh từ tháng 10 đến tháng 12-2014, công ty bán vàng trong nước, tự xác định thuộc đối tượng không chịu thuế và đã kê khai không đúng để giảm nghĩa vụ thuế đối với nhà nước. Do vậy, ngày 11-2-2015, Cục Thuế tỉnh Quảng Nam ấn định thuế GTGT với số tiền hơn 12,04 tỉ đồng.

Theo thống kê, từ tháng 1 đến tháng 5-2015, số thuế phát sinh của Công ty Bồng Miêu hơn 17,83 tỉ đồng (chưa tính tiền phạt chậm nộp) nhưng công ty chỉ nộp hơn 5,27 tỉ đồng.

Mua lại nhà máy vàng

Đối với Công ty TNHH Vàng Phước Sơn (cũng thuộc Tập đoàn Besra, đóng tại tỉnh Quảng Nam), ông Ngô Bốn cho biết theo quy định, đến tháng 5-2015 là hết hạn cưỡng chế hóa đơn, lẽ ra phải áp dụng biện pháp kê biên tài sản.

Tuy nhiên, qua thu thập thông tin về tài sản của công ty, Cục Thuế nhận thấy việc thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản phức tạp, khó thực hiện vì toàn bộ tài sản công ty đã thế chấp tại các ngân hàng thương mại. Do đó, ngày 22-6, Cục Thuế có báo cáo gửi Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xin ý kiến chỉ đạo xử lý về hình thức cưỡng chế thuế tiếp theo.

“Tài sản hiện tại của Nhà máy Vàng Phước Sơn đã khấu hao còn hơn 30 triệu USD. Tuy nhiên, toàn bộ giấy tờ, tài sản đều đang được 2 ngân hàng nắm giữ mặc dù ngân hàng chỉ cho vay hơn 5 triệu USD” - ông Bốn nói.

Theo ông Bốn, Ngân hàng TMCP Việt Á (một chủ nợ của Công ty Phước Sơn) đang muốn mua lại Nhà máy Vàng Phước Sơn.Ngân hàng này cũng có rất nhiều nhà đầu tư chiến lược. Mới đây, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, phương án trả nợ thuế cũng được các nhà đầu tư thảo luận, như: kiến nghị phân kỳ trả nợ, không tính tiền phạt chậm nộp thuế và tiền chậm nộp trong mấy năm nợ thuế… Tuy nhiên, việc này không thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh Quảng Nam nên tỉnh đã có báo cáo xin ý kiến các bộ, ngành.

“Tỉnh Quảng Nam mong các cơ quan thẩm quyền cho ý kiến để Ngân hàng TMCP Việt Á sớm vào đầu tư, tái cơ cấu. Khi làm việc, lãnh đạo UBND tỉnh rất tin tưởng vì nhà đầu tư có uy tín” - ông Bốn nói.

Ông Nguyễn Ngọc Truyền, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn UBND tỉnh Quảng Nam, cũng cho biết tái cơ cấu 2 công ty vàng là giải pháp tối ưu để có thể giải quyết số nợ thuế gần 400 tỉ đồng. “Việc tái cơ cấu phải đúng quy định của pháp luật, mang lại lợi ích kinh tế - xã hội và phải trả nợ ngân sách” - ông Truyền nhấn mạnh.

Chưa xử lý 60 tấn hóa chất

Theo ông Nguyễn Thanh Quang, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam, kết quả kiểm nghiệm của cơ quan chức năng cho thấy toàn bộ 60 tấn hóa chất do 2 công ty vàng của Tập đoàn Besra nhập từ Trung Quốc 4 năm trước không có các thành phần nguy hại vô cơ mà chủ yếu là khoáng vật thông thường. Ngày 12-6, đơn vị đã xây dựng phương án xử lý gửi các công ty và yêu cầu tiêu hủy nhưng đến nay, 2 công ty vẫn chưa xử lý.

Trước đó, Báo Người Lao Động đã đưa tin vào tháng 11-2011, 2 công ty vàng nhập 60 tấn cyanua từ Trung Quốc, sau khi sử dụng mới biết là cyanua giả nhưng không tiêu hủy mà để ở nhà máy. Tỉnh Quảng Nam yêu cầu lấy mẫu gửi xét nghiệm để tiêu hủy nhưng 2 công ty không thực hiện. Tháng 5-2015, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam phải bỏ tiền lấy mẫu gửi xét nghiệm và cho ra kết quả như trên.


 
Theo Trần Thường
Người lao động

Nguồn: Người lao động