Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) giữ lãi suất ổn định ở mức 4,10%, cho biết họ muốn có thêm thời gian để đánh giá tác động của các lần tăng lãi suất trước đây, nhưng cảnh báo có thể cần thắt chặt hơn nữa để kiềm chế lạm phát.

Trên khắp các thị trường tiền tệ, các nhà đầu tư vẫn theo dõi sự can thiệp của chính quyền Nhật Bản để ngăn chặn tổn thất của đồng Yên.

Đồng Yên đạt 144,64 Yên đổi 1 USD trong giờ Châu Á, nhưng vẫn ở gần mức thấp nhất trong 8 tháng của tuần trước là 145,07 Yên đổi 1 USD, khiến Bộ trưởng Tài chính Shunichi Suzuki phải cảnh báo về việc bán đồng Yên quá mức.

Thứ Ba (04/07) nhà ngoại giao tài chính hàng đầu của Nhật Bản Masato Kanda cho biết các quan chức đã liên hệ chặt chẽ với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và các cơ quan có thẩm quyền khác ở nước ngoài gần như hàng ngày về tiền tệ và thị trường tài chính.

Charu Chanana, chiến lược gia thị trường tại Saxo Markets, cho biết: “Điều này đang gửi tín hiệu rằng một sự can thiệp phối hợp có thể sắp xảy ra khi đồng Yên tiếp tục dao động trên mức 144 Yên đổi 1 USD”.

"Một sự can thiệp phối hợp thường có tác động lâu dài hơn đối với đồng Yên so với sự can thiệp đơn phương."

Nhật Bản mua đồng Yên đầu tiên vào tháng 9/2022 kể từ năm 1998 nhằm tăng giá đồng nội tệ. Quyết định này được đưa ra sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cam kết duy trì chính sách vô cùng lỏng lẻo, khiến đồng Yên xuống mức thấp nhất là 145 Yên đổi 1 USD. Đến tháng 10/2022, nước này lại hành động tương tự, sau khi đồng Yên giảm xuống mức thấp nhất trong 32 năm là 151,94 Yên đổi 1 USD.

Đồng Đô la Úc giảm 0,3% xuống còn 0,6654 USD sau quyết định của RBA, đảo ngược mức tăng vào sáng sớm.

Sean Callow, chiến lược gia tiền tệ cấp cao tại Westpac, cho biết: “Sự kiên định của RBA có tác động không đáng kể lên đồng USD Úc, đã được định giá khoảng 60% và không có sự thay đổi lớn nào trong tuyên bố".

Các thị trường đã nghiêng về một kết quả ổn định do lạm phát đã giảm hơn một chút so với dự kiến vào tháng 5, trong khi các nhà kinh tế chia rẽ về kết quả này, với 16 trong số 31 người được Reuters thăm dò mong đợi một đợt tăng giá và phần còn lại dự báo ngân hàng sẽ đứng yên.

Kể từ khi bất ngờ tạm dừng vào tháng 4 sau đó tăng vọt vào tháng 5 và tháng 6, các nhà kinh tế hầu như đã bị chia rẽ trong những tháng gần đây về động thái tiếp theo của RBA.

Chỉ số USD tăng 0,097% lên 103,05 sau khi dữ liệu cho thấy hoạt động sản xuất của Mỹ tiếp tục sụt giảm trong tháng 6/2023.

"Chúng tôi cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ đối mặt với suy thoái bắt đầu từ quý 3 năm 2023", Kristina Clifton, chiến lược gia tiền tệ cấp cao tại Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia, nói thêm rằng đây có thể là một ngày yên ắng đối với thị trường tiền tệ khi không công bố dữ liệu lớn và không có ngân hàng trung ương phát biểu. Thị trường Mỹ đóng cửa nghỉ lễ Quốc Khánh 4/7.

Trọng tâm của nhà đầu tư trong tuần này sẽ là dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp cùng với báo cáo việc làm để có thêm manh mối về thị trường lao động ở Mỹ. Biên bản cuộc họp tháng 6/2023 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cũng sẽ được công bố vào thứ Tư (05/07).

Các thị trường đang định giá gần 87% cơ hội tăng 25 điểm cơ bản trong cuộc họp tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang vào cuối tháng, công cụ CME FedWatch cho thấy.

Đồng Euro giảm 0,13% xuống còn 1,0897 USD, trong khi đồng bảng Anh đạt mức 1,2685 USD, giảm 0,05% trong ngày. Đồng Đô la New Zealand giảm 0,15% xuống còn 0,614 USD.

Nguồn: Reuters