Các nhà hoạch định chính sách của ECB đã thể hiện rõ ý định giảm chi phí đi vay sau khi chứng kiến lạm phát ở 20 quốc gia sử dụng đồng đồng euro giảm từ hơn 10% vào cuối năm 2022 xuống chỉ cao hơn chút ít so với mục tiêu 2% trong những tháng gần đây.
Sự suy giảm giá cả trên diện rộng được coi là quá đủ để ECB bắt đầu xóa bỏ chuỗi tăng lãi suất mạnh nhất trong lịch sử của mình, vốn là phản ứng trước việc giá cả tăng vọt sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Giờ đây, ECB sẽ cùng các ngân hàng trung ương của Canada, Thụy Điển và Thụy Sĩ cắt giảm lãi suất và đi trước Cục Dự trữ Liên bang Mỹ trong lộ trình này.
Trong kỳ họp tháng 4/2024, các nhà hoạch định chính sách đã hứa sẽ cắt giảm lãi suất trong kỳ họp tháng 6. Nếu đúng vậy, lãi suất suất tiền gửi của ECB sẽ giảm 25 điểm cơ bản xuống 3,75% từ mức kỷ lục 4% duy trì từ tháng 9 năm ngoái.
Tất cả 82 nhà kinh tế được Reuters thăm dò đều dự kiến ECB sẽ cắt giảm lãi suất tiền gửi xuống 3,75% vào thứ Năm (6/6) từ mức kỷ lục 4,0%, đây sẽ là lần cắt giảm đầu tiên kể từ năm 2019.
Nhưng không phải tất cả đều nghĩ rằng đó là một ý tưởng tốt.
Gabriele Foà, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Algebris Investments, cho biết việc cắt giảm "có thể sớm bị coi là một sai lầm về chính sách" và nhà kinh tế Greg Fuzesi của JPMorgan cho biết việc cắt giảm này "vội vàng một cách kỳ lạ".
Nhà phân tích Lorenzo Codogno của LC Macro Advisors cho biết: “Nếu dữ liệu kinh tế không hỗ trợ việc cắt giảm lãi suất vào tháng 3 thì hôm nay thậm chí còn ít hơn”. "Lạm phát không giảm như ECB mong đợi, các chỉ số liên quan nhiều hơn đến nhu cầu trong nước đã tăng lên, tăng trưởng tiền lương tăng lên, nhu cầu tổng thể và tăng trưởng GDP đã tăng cường."

Những gì tưởng chừng như là sự khởi đầu của một chu kỳ nới lỏng lớn chỉ cách đây vài tuần giờ đây dường như trở nên không chắc chắn trong bối cảnh có những dấu hiệu cho thấy cuộc chiến chống lạm phát có thể trở nên khó khăn hơn dự kiến ở khu vực đồng euro, như trường hợp ở Mỹ.
Lạm phát tháng 5/2024 ở Eurozone cao hơn dự kiến và vẫn còn nhiều khó khăn trong lĩnh vực dịch vụ - lĩnh vực quan trọng trong khu vực. Nền kinh tế của khối đang phục hồi nhanh hơn dự kiến và thị trường việc làm vẫn trong tình trạng thắt chặt, tạo ra sự không chắc chắn về việc ECB sẽ cắt giảm lãi suất bao nhiêu lần trong năm nay.
“Bản thân việc cắt giảm sẽ không phải là một thông tin đáng ngạc nhiên. Câu hỏi quan trọng hơn là: thông điệp xung quanh kỳ họp lần này là những gì sắp xảy ra?” Jens Eisenschmidt, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Âu của ngân hàng Morgan Stanley, người trước đây từng làm việc tại ECB, cho biết.
Lãi suất của ECB sẽ ra sao sau tháng 6?
Dự đoán Chủ tịch ECB Christine Lagarde và các đồng nghiệp của bà khó có thể cam kết giảm lãi suất hơn nữa tại cuộc họp tháng 7 hoặc xa hơn nữa. Thay vào đó, họ dự kiến sẽ nhấn mạnh rằng bất kỳ động thái nào tiếp theo sẽ phụ thuộc vào dữ liệu đến và chi phí đi vay cần phải duy trì ở mức đủ cao để hạn chế lạm phát.
Nhà kinh tế Fabio Balboni của HSBC cho biết: “Việc cắt giảm thêm vào tháng 9 và tháng 12 vẫn là vấn đề trọng tâm của chúng tôi”. “Nhưng nếu việc lạm phát trong lĩnh vực dịch vụ tăng trở lại trong thời gian gần đây tiếp tục duy trì bền vững, chúng tôi thấy ngày càng có nhiều khả năng ECB có thể phải thận trọng hơn trên đường hạ lãi suất xuống nữa.”
Lạm phát khu vực đồng Euro đã tăng nhiều hơn dự đoán trong tháng 5, đặc biệt là giá cả trong lĩnh vực dịch vụ (tăng trở lại 4,1% từ 3,7%, theo ước tính sơ bộ), điều mà một số nhà hoạch định chính sách cho là đặc biệt phù hợp vì chúng phản ánh nhu cầu trong nước. Kết quả đó có thể phản ánh mức tăng lương lớn hơn dự kiến trong quý đầu tiên của năm, điều này đã thúc đẩy thu nhập khả dụng của người tiêu dùng bị ảnh hưởng sau nhiều năm tăng lương dưới mức lạm phát.
Các thị trường hiện dự đoán ECB sẽ cắt giảm lãi suất dưới 60 điểm cơ bản trong năm nay, nghĩa là có 2 lần hạ lãi suất, và ít hơn 50% cơ hội sẽ có lần cắt giảm thứ 3, giảm so với con số 3 lần dự đoán vào tháng 4/2024, khi ECB họp gần đây nhất, và ít nhất 5 lần dự đoán hồi tháng 1/2024.
Nhiều nhà phân tích vẫn mong đợi có 3 đợt cắt giảm - vào tháng 6, tháng 9 và tháng 12 - tất cả các cuộc họp mà ECB sẽ đưa ra dự báo mới về kinh tế.
Những người có quan điểm cứng rắn thì cố gắng loại bỏ khả năng ECB sẽ có động thái vào tháng Bảy. Trong khi đó, những người khác, như Thống đốc ngân hàng trung ương Pháp Francois Villeroy de Galhau, lại không muốn từ bỏ hy vọng.
Vì vậy, đừng mong đợi sẽ nhận được nhiều thông tin hướng dẫn từ Chủ tịch ECB Christine Lagarde vào thứ Năm. Các nhà phân tích cho rằng bà sẽ lặp lại câu thần chú của ngân hàng rằng quyết định của ECB sẽ "phụ thuộc vào dữ liệu".
Nhà kinh tế trưởng khu vực châu Âu của BNP Paribas, Paul Hollingsworth, cho biết: “Tôi nghĩ họ sẽ ít đưa ra rất ít thông tin định hướng về những gì diễn ra tiếp theo”, và trong kỳ họp sau đó sẽ còn ít thông tin định hướng hơn nữa.
Tác động từ tiền lương tăng đối với lạm phát
Trước khi cắt giảm lãi suất, các nhà hoạch định chính sách muốn thấy thêm bằng chứng về việc tăng trưởng tiền lương đang chậm lại, nhưng dữ liệu vào tháng 5 cho thấy tốc độ tăng tiền lương đã tăng trở lại 4,69% trong quý đầu tiên. Nhưng bức tranh tiền lương trong khu vực không đồng đều, trong đó rất cao ở Đức, nơi tốc độ tăng lương vẫn đang bắt kịp với lạm phát.
Thị trường cho rằng ECB đang ra tín hiệu rằng họ không quan tâm đến vấn đề này. Có thông tin từ các nhà hoạch định chính sách nhấn mạnh rằng các chỉ số tiền lương khác cho thấy áp lực đang giảm bớt. Ngay cả ông Joachim Nagel, một nhân vật của Đức đi đầu về quan điểm chính sách tiền tệ cứng rắn, cũng bác bỏ dữ liệu này.
Tuy nhiên, lạm phát trong lĩnh vực dịch vụ, phản ánh nhu cầu trong nước, đã phục hồi vào tháng 5, trong khi tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục cũng có thể gây ra sự không chắc chắn về mức lương sẽ hạ nhiệt.
Nhà kinh tế Eisenschmidt của Morgan Stanley cho biết dữ liệu tiền lương “cho bạn nhiều lý do hơn để giảm dần kỳ vọng về chu kỳ cắt giảm lãi suất, đơn giản vì bạn phải đợi đến khi có thêm xác nhận rằng (lạm phát) thực sự đạt được mức 2%”.
Nền kinh tế khu vực đồng euro đang mạnh lên
Nền kinh tế của khối tăng trưởng 0,3% trong quý đầu tiên, vượt kỳ vọng 0,2%. Dữ liệu hoạt động kinh doanh cũng cho thấy quá trình phục hồi đang được duy trì.
Các nhà kinh tế cho rằng những con số này là tin tốt cho ECB. Sự gia tăng hoạt động có thể giúp cải thiện mức tăng trưởng năng suất – đã rơi vào tình trạng yếu kém kéo dài. Tuy nhiên, số liệu tăng trưởng không đủ cao để gây lo ngại về nhu cầu sẽ châm ngòi cho lạm phát.
Reinhard Cluse, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Âu của ngân hàng UBS, cho biết: “Dữ liệu kinh tế mới nhất rất đáng khích lệ. Nó xóa bỏ lập luận thẳng thắn nhất của những người theo phe cần hạ nhanh lãi suất cho rằng nền kinh tế đang gặp khó khăn và chúng ta phải cắt giảm nhanh chóng”.Tăng trưởng GDP và chỉ số PMI tổng hợp của Eurozone.

Nguồn: VINANET/VITIC/Reuters