Các kế hoạch kinh tế của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, bao gồm việc áp thuế ít nhất 10% lên tất cả hàng hóa nhập khẩu, đã gây chấn động các thị trường tài chính, làm dấy lên lo ngại về những tác động tiêu cực đối với khu vực đồng euro.
Ông Philip Lane, chuyên gia kinh tế trưởng của ECB, cho biết ECB có thể tiếp tục nới lỏng chính sách trong năm 2025, nhưng cần tìm sự cân bằng để không gây suy thoái kinh tế hoặc trì hoãn quá trình kiểm soát lạm phát - vốn đang có xu hướng tăng.
Hai nền kinh tế lớn nhất khu vực là Đức và Pháp đang đối mặt với bất ổn chính trị, trong khi các hoạt động kinh tế vẫn trì trệ. Nền kinh tế Đức giảm 0,2% trong năm 2024, theo Văn phòng Thống kê Liên bang. Nền kinh tế khu vực đồng euro kết thúc năm 2024 trong tình trạng yếu kém, theo khảo sát PMI.
“Với tình hình chính trị tại Pháp và Đức, có nguy cơ cao là chúng ta sẽ chứng kiến sự đình trệ ở Châu Âu, điều này chắc chắn sẽ kìm hãm đầu tư, tiêu dùng và cũng khiến Châu Âu trở nên yếu thế hơn trong việc ứng phó với Donald Trump,” Carsten Brzeski, trưởng bộ phận vĩ mô toàn cầu tại ING, nhận định.
ECB đã bắt đầu chiến dịch nới lỏng chính sách vào tháng 6/2024, thực hiện bốn lần cắt giảm lãi suất trong năm 2024 và dự kiến sẽ tiếp tục trong năm 2025.
Tất cả 77 nhà kinh tế tham gia khảo sát từ ngày 10-15/1 dự báo lãi suất tiền gửi sẽ giảm thêm 25 điểm cơ bản vào ngày 30/1, xuống còn 2,75%. Khoảng 60% (46/77 người) dự kiến sẽ có thêm ba lần giảm nữa trước giữa 2025, gồm một lần vào tháng 3 và hai lần trong quý II, đưa lãi suất xuống 2,00%.
Phần còn lại (31 người) đưa ra các dự đoán dao động từ 1,75% đến 2,50% vào cuối quý II. Lãi suất sẽ giữ ở mức 2,00% ít nhất đến giữa năm 2026, theo trung bình khảo sát. Tuy nhiên, 30 trong số 76 nhà kinh tế cho rằng lãi suất sẽ giảm xuống dưới 2,00% vào cuối năm 2025, trong khi 13 người dự đoán mức cao hơn.
Thị trường đang tính đến việc cắt giảm tổng cộng 90 điểm cơ bản trong năm 2025, trái ngược với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), nơi chỉ dự kiến giảm 25 điểm cơ bản vào cuối năm do lo ngại ề sự gia tăng trở lại của lạm phát.
Ông Chris Scicluna, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu tại Daiwa Capital Markets Europe, nhận xét: "Mối đe dọa thuế quan từ Mỹ đang ảnh hưởng đến các quyết định đầu tư tại khu vực đồng euro, góp phần làm giảm triển vọng tăng trưởng vốn đã yếu."
Ông Scicluna, một trong những nhà dự báo hàng đầu cho khu vực đồng euro năm 2024, nói thêm: "ECB có thể cắt giảm lãi suất hơn 100 điểm cơ bản nếu triển vọng kinh tế tiếp tục xấu đi đáng kể."
Tăng trưởng của khu vực đồng euro dự kiến đạt 1,0% trong năm 2025 và 1,2% năm 2026. Trong khi đó, lạm phát tại khu vực đã tăng lên 2,4% vào tháng 12/2024, nhưng dự kiến sẽ giảm xuống mức mục tiêu 2,0% của ECB vào quý II/2025 và duy trì ở mức đó ít nhất đến quý II/2026. Khi được hỏi liệu lạm phát có khả năng cao hơn hay thấp hơn dự báo, đa số (20/34 người) cho rằng cao hơn, trong khi số còn lại nhận định thấp hơn.
Đức, nền kinh tế lớn nhất khu vực, được dự báo tăng trưởng 0,4% trong năm 2025 và đạt 1,0% vào năm 2026 – giảm đáng kể so với các dự đoán hồi tháng 10/2024. Pháp cũng được dự đoán tăng trưởng chậm lại, từ 1,1% của năm 2024 xuống còn 0,8% trong năm 2025 và đạt 1,1% vào năm 2026.