Tiểu thương: kẻ mừng, người lo
Khảo sát tại chợ vải Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) chiều 15/8, PV Báo Giao thông nhận thấy hoạt động thương mại tại đây vẫn diễn ra bình thường. Hàng hóa vẫn được nhập về từ Trung Quốc và đổ bán buôn đi khắp tỉnh, thành nhưng việc đồng NDT mất giá làm các tiểu thương kẻ mừng, người lo.
Việc Trung Quốc liên tục phá giá đồng NDT tổng cộng 4,6% đã tác động lớn tới tỷ giá. Chưa bao giờ Ngân hàng Nhà nước lại lập tức điều chỉnh biên độ tỷ giá như vừa rồi. Tuy nhiên, điều mà doanh nghiệp quan tâm không phải là điều chỉnh bao nhiêu mà là mức trần tỷ giá. Động thái của Ngân hàng Nhà nước là đúng đắn song liều lượng là chưa đủ và có thể Ngân hàng Nhà nước cần một đợt điều chỉnh nữa, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết.
Anh Nguyễn Duy Tú, một tiểu thương buôn bán mặt hàng quần áo Trung Quốc cho biết, chợ vải Ninh Hiệp có tới gần 2 nghìn ki-ốt kinh doanh vải và quần áo may sẵn, trong đó có tới 80% được nhập về từ Trung Quốc.
“Mỗi tháng riêng quần bò tôi nhập khoảng 5.000 chiếc từ Trung Quốc, với giá trung bình khoảng 230 nghìn đồng/chiếc (khoảng 67 NDT). Bây giờ NDT giảm thì giá chỉ khoảng 65 tệ, trước mắt với lô hàng chuẩn bị nhập 3 nghìn chiếc sắp tới tôi giảm được khoảng 6 nghìn NDT (khoảng 20 triệu)”, anh Tú chia sẻ.
Tuy nhiên, với những tiểu thương đã trót nhập một lượng hàng với tỷ giá cũ như anh Hùng (chủ một gian hàng tại đây) lại tổn thất khá lớn. “Đầu tháng, tôi nhập gần 10 nghìn quần bò, hiện tại mới chỉ đổ buôn được gần một nửa, còn tới gần 6 nghìn chiếc đang chờ khách lấy. Đồng NDT trượt giá bắt buộc mình phải giảm giá cho khách. Như vậy, lô hàng này chắc chắn sẽ không có lãi”.
Dù vậy, ở khía cạnh thị trường, NDT giảm giá đang là động lực khiến các tiểu thương tăng cường nhập hàng Trung Quốc về bán. Hàng hóa Trung Quốc được dự báo sẽ tràn ngập thị trường.
Xuất khẩu bị tăng thuế, ép giá
Công ty Cổ phần (CTCP) Vinacam là đơn vị nhập khẩu một lượng lớn phân bón để bán trong nước. Theo ông Vũ Duy Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty, việc Trung Quốc phá giá đồng NDT tới nay vẫn chưa tác động trực tiếp tới doanh nghiệp này do nông nghiệp trong nước đang hết niên vụ. Đối với các lô hàng ký kết giao trong thời gian tới, ông Hải cho biết, phía đối tác Trung Quốc thông báo sẽ xem xét giảm giá theo mức điều chỉnh của NDT.
“Tuy nhiên, khi NDT phá giá thì Trung Quốc cũng tăng thuế đối với mặt hàng này lên 13%. Hiện, phía họ cũng đang lúng túng và tính toán cụ thể. Nhưng có thể là mức giá sẽ giảm nhẹ”. Theo tình hình này, giá bán phân bón trong nước khó có thể giảm hoặc nếu có giảm cũng không nhiều vì Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá nhưng Việt Nam cũng điều chỉnh nên các nhà phân phối phân bón đang cân nhắc để có mức giá bán ra thị trường một cách hợp lý.
Đại diện Hiệp hội dệt may, bà Đặng Phương Dung cũng cho biết, đối với các doanh nghiệp dệt may, động thái phá giá NDT chưa tác động trong ngắn hạn. Nhưng phía Hiệp hội cao su, Tổng thư ký Hiệp hội Võ Hoàng An cho biết, việc phá giá NDT đang tác động mạnh tới các doanh nghiệp trong ngành.
Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu chủ lực cao su thiên nhiên nguyên liệu của Việt Nam với lượng xuất khẩu từ 460 nghìn -500 nghìn tấn mỗi năm (chiếm 40% - 50% tổng lượng cao su xuất khẩu). Do đó, những đơn hàng xuất khẩu thanh toán bằng NDT sẽ giảm thu khi quy đổi ra VND. Còn với đơn hàng thanh toán bằng USD, các đối tác Trung Quốc đang có xu hướng ép giá để bù đắp chênh lệch tỷ giá.
Gia tăng phụ tùng, nguyên liệu Trung Quốc
Tác động trong ngành cao su còn thể hiện mạnh hơn ở chỗ, các sản phẩm cao su từ Trung Quốc sang Việt Nam như cao su tổng hợp, săm lốp xe, băng tải, sản phẩm cao su y tế, chỉ thun, ống cao su, tấm cao su… sẽ có giá rẻ hơn và cạnh tranh hơn so với sản phẩm sản xuất trong nước. Đây là các sản phẩm Việt Nam cần nên không thể không nhập do nguồn cung trong nước không đủ.
Tình trạng này cũng tương tự như ngành dệt may. Dệt may của Việt Nam mới chỉ chủ động được khoảng 50% nguyên phụ liệu trong nước, còn lại phải nhập khẩu. Trong đó, nguyên liệu nhập từ Trung Quốc chiếm 48%, phổ biến là các mặt hàng như: Sợi, xơ, thuốc nhuộm, hóa chất… Thậm chí, có doanh nghiệp còn nhập toàn bộ nguyên phụ liệu từ Trung Quốc. Vì vậy, bà Đặng Phương Dung cho rằng, việc phá giá NDT về lâu dài sẽ càng gia tăng nhập khẩu phụ tùng, nguyên liệu từ Trung Quốc.
“Theo đánh giá của tôi, khi Trung Quốc phá giá Nhân dân tệ, các doanh nghiệp nhập khẩu có nhiều cơ hội nhưng sẽ gây sức ép với sản xuất trong nước”, ông Vũ Duy Hải nói. Do dó, ông Hải nhận định, để hỗ trợ sản xuất trong nước và xuất khẩu, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ nới thêm tỷ giá trong thời gian ngắn nữa. Ông Hải cho rằng, đây cũng là điều các doanh nghiệp trong nước đang chờ đợi để có chiến lược và quyết định giá bán hàng thời gian tới.
Theo Cao Sơn - Huy Tuấn
Báo giao thông