Hai bên đã nỗ lực thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động triển khai quan hệ Ðối tác chiến lược giai đoạn 2019 – 2023, đẩy mạnh hợp tác đi vào chiều sâu với nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, giao thông, kết nối địa phương, giao lưu nhân dân; hợp tác quốc phòng và an ninh giữa hai nước cũng được tăng cường. Trong hợp tác đa phương, Việt Nam và Indonesia đã duy trì phối hợp lập trường tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là tại ASEAN, Liên hợp quốc, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).
Trong những năm qua, hợp tác kinh tế thương mại là điểm sáng trong quan hệ giữa hai quốc gia. Hiện nay, trong khối ASEAN, Indonesia duy trì vị trí là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam, còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tư của Indonesia; trên thế giới Việt Nam nằm trong nhóm 10 thị trường có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất sang Indonesia. Hai bên đang phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương sớm đạt 15 tỷ USD và cao hơn ở mức 18 tỷ USD trước năm 2028. Về đầu tư, tính đến tháng 02/2024, Indonesia có 115 dự án đầu tư với tổng số vốn 654,8 triệu USD, đứng thứ 29/143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam và đứng thứ 5 trong khu vực ASEAN. Nhiều tập đoàn lớn của Indonesia đang kinh doanh và đầu tư thành công tại Việt Nam như Ciputra, Traveloka, Gojek …

Nhóm 10 thị trường có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất của Indonesia trong năm 2023
ĐVT: phần trăm

Nguồn: Trademap

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2023, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Indonesia đạt 13,8 tỷ USD, giảm nhẹ 2,53% so với năm 2022; trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 5,07 tỷ USD, tăng 11,94% so với năm 2022; kim ngạch nhập khẩu đạt 8,7 tỷ USD, giảm 9,34%.
Việt Nam và Indonesia đã ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác nghề cá, bản ghi nhớ hợp tác về công nghệ thông tin và viễn thông; Việt Nam mong muốn Indonesia tạo thuận lợi cho nông sản và các sản phẩm Halal của Việt Nam tiếp cận với thị trường này, đồng thời quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh, đầu tư tại Indonesia. Phần lớn người dân Indonesia theo đạo Hồi (chiếm đến 86,1%), vì vậy đây là một thị trường rất tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh khai thác.

Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Indonesia trong giai đoạn 2019 – 2023
ĐVT: Triệu USD

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Theo Trading Economics, trong quý IV/2023, tốc độ tăng trưởng GDP của Indonesia đạt 5,04%, tăng nhẹ so với quý III/2023 và phù hợp với mức dự báo của thị trường. Tỷ lệ lạm phát hàng năm ở Indonesia đã tăng lên 2,75% vào tháng 02/2024 từ mức 2,57% của tháng trước, cao hơn mức kỳ vọng là 2,6%; đây cũng là tỷ lệ lạm phát cao nhất kể từ tháng 11/2023, với giá thực phẩm tăng mạnh nhất trong vòng ba tháng qua. Năm 2023 là một năm khó khăn đối với nền kinh tế toàn cầu, theo đó Indonesia cũng chịu nhiều ảnh hưởng khi hoạt động giao thương giảm xuống rõ rệt. Tuy nhiên, quốc gia này vẫn duy trì sự lạc quan về tương lai khi nhu cầu từ thị trường nội địa đã và đang giúp Indonesia giữ vững nhịp tăng trưởng kinh tế. Tại hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Ấn Độ, bộ trưởng Bộ Tài chính Indonesia cho biết quốc gia này đã thành công trong việc kiểm soát thâm hụt ngân sách sau đại dịch COVID-19.

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Indonesia trong giai đoạn 2013 – 2023
(ĐVT: Triệu USD)

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Indonesia là một trong những thị trường lớn của khu vực ASEAN với hơn 270 triệu người tiêu dùng, trong đó tầng lớp trung lưu có quy mô ngày càng tăng, là thị trường có nhiều dư địa cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam khai thác. Các mặt hàng mà Việt Nam xuất khẩu sang Indonesia có thể kể đến như gạo, cà phê, cao su, thủy sản, hàng dệt may, giày dép, điện thoại di động và linh kiện, sắt thép, vật liệu xậy dựng, sản phẩm nhựa …
Indonesia được đánh giá là thị trường xuất khẩu tiềm năng của hàng hóa Việt Nam bởi nhiều yếu tố như: dân số đông, quy mô lớn thứ tư thế giới, tiêu dùng hộ gia đình chiếm hơn 50% GDP; So với các thị trường nổi tiếng khó tính với nhiều quy định nghiêm ngặt như Hoa Kỳ, EU, Australia … Indonesia được đánh giá là dễ chịu hơn, có nhiều nét văn hóa Á Đông tương đồng với Việt Nam, khoảng cách địa lý gần giúp giảm chi phí vận chuyển, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa; Ngoài ra, Indonesia và Việt Nam đều thuộc khối ASEAN nên được hưởng các thuế quan ưu đãi nội khối.
Tuy nhiên, vẫn có một số trở ngại trong việc tiếp cận thị trường Indonesia khi đây là một thị trường có tính bảo hộ cao với nhiều hàng rào phi thuế quan, thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (để tự chủ về lương thực, thực phẩm, giảm nhu cầu nhập khẩu nông lâm sản từ nước khác). Ngoài ra, để có thể tiếp cận với ngành công nghiệp Halal của quốc gia này, nhà xuất khẩu buộc phải đáp ứng được quy định về chứng nhận Halal, một loại giấy thông hành của sản phẩm cho người tiêu dùng Hồi giáo. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động xin giấy chứng nhận Halal, chứng nhận tiêu chuẩn quốc gia SNI để việc mở rộng thị phần đạt kết quả cao, tạo cơ hội cạnh tranh hiệu quả tại thị trường này.

Nhóm các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất sang thị trường Indonesia trong tháng 02/2024 và tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2023
          (ĐVT: Nghìn USD)

     Nguồn: Tổng cục Hải quan

Trong tháng 02/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Indonesia đạt 482,2 triệu USD, tăng 19,41% so với cùng kỳ năm 2023; tính riêng hai tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này ghi nhận mức tăng so với 2 tháng đầu năm 2023 là 39,05%, đạt 1,06 tỷ USD. Trong đó, ba mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch cao nhất là Gạo (chiếm tỷ trọng 13,43 %); Chất dẻo nguyên liệu (chiếm tỷ trọng 8,88%) và Phương tiện vận tải và phụ tùng (chiếm tỷ trọng 8,00%).

 

Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng của Việt Nam sang Indonesia trong tháng 02/2024

  (ĐVT: Nghìn USD/phần trăm)

 Nguồn: Tổng cục Hải quan

 

Trong tháng 02/2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Indonesia đạt 552,3 triệu USD, giảm 13,11% so với cùng kỳ năm 2023; tính riêng trong hai tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này ghi nhận mức tăng nhẹ là 4,53% so với 2 tháng đầu năm 2023, đạt 1,26 tỷ USD. Trong đó, ba mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch cao nhất là Than các loại (chiếm tỷ trọng 23,85%); Sắt thép các loại (chiếm tỷ trọng 13,10%) và Kim loại thường khác (chiếm tỷ trọng 9,33%). Hiện nay, Indonesia là quốc gia xuất khẩu sắt thép lớn thứ hai của Việt Nam trong khối ASEAN, đứng sau Malaysia.

Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng của Việt Nam từ Indonesia trong tháng 02/2024
(ĐVT: Nghìn USD/phần trăm)

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Trong những năm qua, công tác kết nối, xúc tiến thương mại vào thị trường Indonesia luôn được các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp chú trọng:
Trong năm 2023, Việt Nam và Indonesia đã tổ chức nhiều sự kiện nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư và kết nối cộng đồng doanh nghiệp hai nước. Được Bộ Công thương, Ðại sứ quán Việt Nam tại Indonesia, Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia tại Jakarta tổ chức, Hội thảo Giao thương doanh nghiệp Việt Nam - Indonesia đã thu hút sự tham gia của giới đầu tư và kinh doanh hai nước. Trong khuôn khổ hội thảo, nhiều cuộc tiếp xúc, làm việc bên lề đã diễn ra giữa các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và xuất, nhập khẩu những mặt hàng quan trọng như như gạo, hạt điều, nước giải khát, nội thất … Ngoài ra, hai bên cũng tích cực tổ chức nhiều hoạt động phong phú, sôi nổi, nhằm kỷ niệm những dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam – Indonesia như Lễ kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Ðối tác chiến lược, lễ kỷ niệm 68 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao …
Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 55 (AEM-55), Bộ trưởng Bộ Thương mại Indonesia Zulkifli Hasan đã đề xuất về việc sớm nối lại cơ chế hợp tác, trao đổi thông tin, diễn đàn thường niên giữa Bộ Thương mại Indonesia và Bộ Công thương Việt Nam (vốn đã bị gián đoạn trong 2 năm gần đây do ảnh hưởng của dịch COVID-19), đây là hoạt động cần thiết để hai bên có thể kịp thời chia sẻ, cập nhật tình hình hợp tác và tháo gỡ vướng mắc phát sinh, tồn đọng trong quan hệ hợp tác thương mại. Phía Indonesia mong muốn học hỏi kinh nghiệm từ các doanh nghiệp lớn của Việt Nam trong lĩnh vực ngư nghiệp, cụ thể là nuôi trồng, sản xuất và xuất khẩu thủy sản; kêu gọi doanh nghiệp Việt Nam quan tâm, đầu tư, hợp tác với doanh nghiệp Indonesia phát triển ngành công nghiệp ôtô điện. Để quan hệ hợp tác thương mại giữa hai nước tiếp tục phát triển, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề xuất Indonesia tạo điều kiện cho Việt Nam nhập khẩu ổn định than và dầu cọ thô để đảm bảo an ninh năng lượng và sự ổn định cho ngành sản xuất trong nước; xem xét ngừng ban hành, áp dụng biện pháp bảo hộ, rào cản thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; đồng thời đề nghị phía Indonesia vận động doanh nghiệp thủy sản của Indonesia tham dự hoạt động hội chợ, xúc tiến thương mại, diễn đàn doanh nghiệp tổ chức tại Việt Nam để kết nối cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Đầu năm 2024, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước Việt Nam của Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Joko Widodo đã đồng chủ trì Đối thoại doanh nghiệp cấp cao Việt Nam – Indonesia, với sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp hàng đầu của hai nước. Tại Hội nghị, hai bên đã thống nhất tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào thị trường của nhau; mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mới như trí tuệ nhân tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, năng lượng tái tạo, đầu tư phát triển hệ sinh thái xe điện và pin xe điện; mở rộng các chương trình hợp tác trong khuôn khổ Quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JTEP); tăng cường hợp tác trong lĩnh vực Halal; tăng cường hợp tác an ninh lương thực, nghiên cứu thúc đẩy ký kết Hiệp định thương mại gạo… Indonesia mong muốn tập đoàn VinFast mở rộng đầu tư vào lĩnh vực xe điện; Vietjet Air mở thêm các đường bay tới các điểm du lịch của Indonesia; Sovico Group đầu tư các dự án du lịch, bất động sản; FPT Software đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, đồng thời hy vọng sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư Việt Nam đầu tư vào Indonesia trong các lĩnh vực như ngân hàng, tài chính, giáo dục, khoa học công nghệ, chế tạo.
Doanh nghiệp nội địa Việt Nam có nhiều cơ hội để thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm chất lượng tốt mang thương hiệu Việt sang Indonesia. Nhiều cách thức hiệu quả đã được Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp triển khai nhằm tiếp cận thị trường, có thể kể đến như tích cực tham dự các hội chợ, triển lãm quốc tế uy tín với quy mô lớn được tổ chức thường niên tại Indonesia, theo đó rất nhiều thương vụ giá trị lớn, hợp đồng giao dịch, thỏa thuận mua hàng giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác, nhà nhập khẩu Indonesia đã được kí kết ngay tại các hội chợ; nhằm đồng hành cùng doanh nghiệp, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia đã tổ chức gian hàng cho doanh nghiệp nội địa tại một số hội chợ lớn tổ chức tại Indonesia, đồng thời thường xuyên tổ chức toạ đàm kết nối giao thương online đến các nhà nhập khẩu lớn của Indonesia. Hiện nay khi đầu tư, xuất khẩu vào thị trường Indonesia, doanh nghiệp Việt Nam đang hướng đến việc ưu tiên chọn lựa các sản phẩm mang tính cạnh tranh và nỗ lực đạt được chứng nhận Halal do Indonesia cấp.

Nguồn: Vinanet/VITIC