Xuất khẩu dự kiến đạt trên 404 tỷ USD
Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2024, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá đã có sự phục hồi mạnh mẽ, là điểm sáng trong kinh tế cả nước năm 2024. Các cuộc xung đột quân sự và bất ổn chính trị tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu, nhưng nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, kinh tế Việt Nam đã duy trì đà tăng trưởng tích cực.
Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ở mức cao với sự phục hồi tích cực của các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực. Dự kiến xuất khẩu cả năm 2024 ước đạt trên 404 tỷ USD, tăng khoảng 14% so với năm 2023.
Xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 14,7%; trong đó máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; gỗ và sản phẩm gỗ tăng trên 20%. Xuất khẩu dệt may, giày dép tăng trên 10%. Xuất khẩu thuỷ sản phục hồi mạnh, tăng trên 10%; rau quả tăng trên 20%.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, hầu hết các thị trường xuất khẩu đã phục hồi và tăng trưởng tốt, các thị trường đã kí kết FTA với Việt Nam đều đạt tăng trưởng cao. Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu với mức cao trên 24 tỷ USD, đóng góp tích cực vào tăng trưởng và ổn định vĩ mô.
Đáng chú ý, cả khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước đều ghi nhận tăng trưởng tốt về kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước đạt 105,5 tỷ USD, tăng 19,5%, cao hơn mức tăng trưởng của khu vực FDI (12,6%).
Cục Xuất nhập khẩu đánh giá, hoạt động xuất nhập khẩu năm 2025 vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định. Trong đó về tình hình thế giới, Cục Xuất nhập khẩu thông tin, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ chỉ thực hiện 2 lần giảm lãi suất trong năm 2025, sau khi đã hạ lãi suất tổng cộng 1 điểm phần trăm kể từ tháng 9. Khủng hoảng tại Trung Đông đã và đang làm cho vận tải hàng hóa trên thế giới và của Việt Nam bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, xu hướng bảo hộ thương mại xuất hiện nhiều hơn, nhiều nước có các biện pháp đưa đầu tư về trong nước, dựng nên các rào cản thương mại.
Các thị trường phát triển như EU chú trọng đến phát triển bền vững, hiện đã và đang đưa ra nhiều quy định mới như Cơ chế điều chỉnh carbon, Quy định chống phá rừng châu Âu,... có tác động đến một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta.
Đặc biệt, biến động chính sách thương mại của các nước lớn khi Hoa Kỳ bước vào nhiệm kỳ Tổng thống mới là yếu tố tác động mạnh và khó đoán định.
Mục tiêu thách thức năm 2025
Mặc dù bối cảnh thế giới có nhiều yếu tố biến động khó lường ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá, Bộ Công Thương vẫn đặt ra mục tiêu thách thức với tăng trưởng xuất khẩu năm 2025 đạt khoảng 12% so với năm 2024.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, đây là con số rất thách thức. Trung bình mỗi tháng xuất khẩu phải tăng 4 tỷ USD/tháng so với mức bình quân tháng năm 2024.
Để đạt được mục tiêu này, cần sự triển khai đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương và sự tham gia của cộng động doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Trong đó các giải pháp cần chú trọng gồm: gỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, các cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các Hiệp định; tăng cường các hoạt động cung cấp thông tin thị trường trên nền tảng số cho các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp.
Hỗ trợ xây dựng và triển khai các triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại tập trung, quy mô lớn, mang tính liên kết vùng cho sản phẩm, ngành hàng có thế mạnh của vùng tại các thị trường mục tiêu; tiếp tục thúc đẩy chuyển nhanh, mạnh sang thương mại chính ngạch.
Đồng thời, đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán mở thêm các loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch…
Bên cạnh đó, Cục Xuất nhập khẩu cũng đề xuất Bộ trưởng Bộ Công Thương kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện các giải pháp nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu: thúc đẩy EU sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam; xây dựng các chính sách, khuôn khổ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường thực phẩm halal; đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ một cách thực chất, qua đó nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu.
Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất cho vay thấp, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh; đồng thời không để tỷ giá tăng nhanh, gây khó khăn cho hoạt động nhập khẩu nguyên liệu, bán thành phẩm phục vụ sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp.

Nguồn: Haiquanonline