Chia sẻ với tờ New York Times của Mỹ mới đây, ông Willie Fung – Giám đốc của một doanh nghiệp đồ lót hàng đầu thế giới, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất dệt may Hồng Kông tiết lộ, công ty của ông đang có kế hoạch mở rộng sản xuất sau khi Mỹ và 11 quốc gia thành viên kết thúc đàm phán TPP vào mùa hè này.
Cụ thể, ông Fung cho biết, ông dự định sẽ sang Việt Nam để tìm kiếm một địa điểm đặt nhà máy mới cho công ty mình. Công ty của ông hiện đã có nhà máy tại Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia và Myanmar. Tuy nhiên, các nước này đều không tham gia đàm phán TPP.
“Điều này khiến chúng tôi lo ngại rằng các quốc gia này sẽ mất lợi thế cạnh tranh so với Việt Nam khi mà hàng rào thuế quan giữa Mỹ và Việt Nam gần như được dỡ bỏ hoàn toàn” – ông Fung nói.
Theo ông Fung, các cuộc đàm phán TPP đã đi đến hồi kết và việc doanh nghiệp cần làm là xem “TPP sẽ mang lại những cơ hội gì”?
Sau một “cuộc chiến” căng thẳng, cuối cùng Thượng viện Mỹ đã thông qua quyền đàm phán nhanh (TPA) Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cho Tổng thống Obama trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ. Với TPA, Quốc hội Mỹ có thể thông qua hoặc bác bỏ các thỏa thuận nhưng không thể thay đổi chúng.
Mặc dù nội dung chi tiết của các cuộc đàm phán không được tiết lộ, song những thông tin được công bố cho thấy, khi đàm phán kết thúc nó sẽ tác động lớn đến rất nhiều ngành công nghiệp.
Các ngân hàng lớn ở các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật Bản sẽ được đối xử công bằng như ngân hàng địa phương tại các quốc gia kém phát triển hơn như Peru, Malaysia, hay Việt Nam.
Nhật Bản sẽ mở cửa rộng hơn cho hàng nông sản từ Mỹ. Các nhà sản xuất dược phẩm sẽ có thêm các công cụ bảo vệ sáng chế của họ và tránh khỏi cạnh tranh với nhiều loại thuốc giá rẻ khác trên thị trường. Linh kiện, phụ tùng ô tô sẽ được di chuyển tự do hơn trong khu vực Thái Bình Dương với mức thuế suất thấp hơn...
Theo ông Peter Petri – Chuyên gia thương mại quốc tế tại Đại học Brandeis nhận định, mặc dù TPP có 12 nước thành viên, nhưng “dường như TPP là câu chuyện về Nhật Bản và câu chuyện về Việt Nam”. Trong khi Nhật Bản vẫn nỗ lực bảo vệ ngành nông nghiệp trong nước; thì Việt Nam hướng đến xuất khẩu, quyền sở hữu trí tuệ và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.
Ngành công nghiệp dệt may là một ví dụ cụ thể cho cuộc dịch chuyển khi TPP có hiệu lực.
Khi hiệp định kết thúc đàm phán, sẽ có cuộc dịch chuyển mạnh mẽ của các nhà sản xuất đồ lót từ Trung Quốc và các nước láng giềng Đông Nam Á sang Việt Nam để có thể hưởng lợi khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Bởi theo quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”, các doanh nghiệp dệt may muốn đủ điều kiện xuất khẩu hàng sang Mỹ sẽ phải đáp ứng yêu cầu có sợi sản xuất tại một nước thành viên TPP.
Việt Nam có chi phí lao động rẻ, tuy nhiên Việt Nam lại chưa tự sản xuất được nguyên liệu dệt may như vải, sợi. Trong khi đó, Hoa Kỳ lại yêu cầu rất nghiêm ngặt về quy tắc xuất xứ của vải, sợi.
Chi phí vận chuyển từ Mỹ sang châu Á thấp, do dòng chảy thương mại qua Thái Bình Dương hiện nay khá đa dạng. Để tránh vận chuyển các container rỗng ngược trở lại Châu Á, các công ty vận tải lấy chi phí thấp cho hàng hóa từ Mỹ xuất khẩu sang Châu Á.
Các công ty nước ngoài đã có thể xây nhà máy sản xuất tại Việt Nam, mặc dù có thể mất nhiều năm. Việt Nam hiện chưa đào tạo được nguồn lao động có kỹ năng cần thiết để vận hành các máy móc công nghệ cao.
“Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất sợi dệt của châu Á vẫn chủ yếu là doanh nghiệp Trung Quốc, Đài Loan. Khi chi phí vận chuyển thấp và các rào cản thương mại được nới lỏng đồng nghĩa với việc ngành công nghiệp vải sợi của Mỹ sẽ phải chịu cạnh tranh gay gắt hơn tại Việt Nam” – ông Fung cho biết.
Theo Hồng Lam
CafeF/Trí Thức Trẻ