Các Ngân hàng khu vực đồng euro và Anh đã gặp khó khăn do lợi nhuận kém và nền kinh tế yếu sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, trong khi các ngân hàng Mỹ tăng trưởng mạnh về giá trị và chiếm lĩnh thị phần, đặc biệt là trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư khi các đối thủ Châu Âu rút lui.
Một số ngân hàng đã bắt đầu lấy lại vị thế đã mất trong năm nay. Tính đến thời điểm này, cổ phiếu Châu Âu đã vượt trội hơn so với các cổ phiếu khác của Mỹ và ngày càng có nhiều hy vọng rằng Mỹ sẽ áp dụng một số yếu tố của quy định Basel III, yêu cầu các Ngân hàng Mỹ phải nắm giữ nhiều vốn hơn, qua đó giúp tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng.
Chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống của Trump đã thay đổi cục diện. Cổ phiếu JPMorgan, Goldman Sachs và Morgan Stanley đều tăng mạnh, trong khi chỉ số STOXX Europe 600 Banks giảm hơn 1% trong tuần.
David Materazzi, Giám đốc điều hành của sàn giao dịch tự động Galileo FX có trụ sở tại Ý, cho biết: “Dự đoán rất đơn giản: việc nới lỏng quy định và cắt giảm thuế ở Mỹ trái ngược với sự giám sát chặt chẽ và lãi suất thấp của Châu Âu”.
"Nếu các ngân hàng Mỹ nhận được sự hỗ trợ chính sách như mong đợi, họ có thể tăng khối lượng cho vay và tối ưu hóa vốn theo cách mà các ngân hàng Châu Âu hiện không thể làm được", Materazzi cho biết.
Kể từ đầu năm 2010, cổ phiếu ngân hàng Châu Âu đã giảm 10%, trong khi cổ phiếu của ngân hàng Mỹ đã tăng gấp ba lần.
Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) ước tính rằng tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của các ngân hàng khu vực đồng euro dao động quanh mức 5%, trong khi tại Mỹ là 10%. Nguyên nhân được cho là do thu nhập phí cao hơn ở các ngân hàng Mỹ và các khoản nợ xấu cũ mà các ngân hàng Châu Âu vẫn đang phải đối mặt.
Lợi thế để vận động hành lang
Đã có những dấu hiệu cho thấy các chính trị gia Châu Âu đang chuẩn bị cho một bối cảnh mới dưới thời Trump.
Bộ trưởng Tài chính Thụy Sĩ Karin Keller-Sutter cho biết vào hôm thứ Năm ̣̣̣(07/11) rằng bà và người đồng cấp người Anh Rachel Reeves đã thảo luận về triển vọng của quy định ngân hàng Mỹ.
“Trước đây đã có thông tin rằng một làn song nới lỏng quy định sẽ diễn ra ở Mỹ," bà nói với Reuters, đồng thời nói thêm cả hai bên đều đồng ý rằng điều quan trọng là phải tìm được sự cân bằng giữa tính cạnh tranh và sự ổn định.
Một làn sóng nới lỏng quy định ở Mỹ sẽ giúp các ngân hàng Châu Âu có thêm sức ảnh hưởng để vận động nới lỏng các quy định ở Châu Âu, nơi các quy định hiện tại đã khắt khe hơn, một giám đốc ngân hàng nói với Reuters
Ngành ngân hàng Mỹ kỳ vọng rằng Trump sẽ đưa các nhà quản lý từ đảng Cộng hòa lên, giúp nới lỏng các quy định về vốn và việc phê duyệt sáp nhập, đồng thời làm giảm bớt đề xuất cuối cùng của Basel III về việc các ngân hàng lớn phải giữ nhiều vốn hơn.
Tuy nhiên, tốc độ của bất kỳ sự nới lỏng quy định nào sẽ phụ thuộc vào các nhà quản lý mới và các nhà hoạch định chính sách chủ chốt mà Trump vẫn chưa bổ nhiệm, khiến triển vọng trở nên rất không chắc chắn.
Michael Ashley Schulman, giám đốc đầu tư tại Running Point Capital Advisors, nghĩ rằng Trump có thể cũng sẽ gỡ bỏ một số phần của Đạo luật cải cách tài chính Dodd-Frank năm 2010, đạo luật này đã tăng cường quy định đối với các ngân hàng nhằm tránh một sự sụp đổ tài chính kiểu năm 2008.
"Ngoài ra, sự gia tăng dự đoán trong hoạt động M&A doanh nghiệp do Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) ít hạn chế hơn sẽ dẫn đến việc tăng phí ngân hàng đầu tư", ông nói với Reuters.
"Chúng ta cũng có thể kỳ vọng sẽ có sự gia tăng trong các thương vụ sáp nhập ngân hàng khu vực. So với đó, các ngân hàng Châu Âu với sự giám sát theo quy định nghiêm ngặt hơn sẽ phải cạnh tranh trong tình thế khó khăn hơn nhiều."
Hoạt động M&A trong ngành ngân hàng Châu Âu, vốn đã được chờ đợi từ lâu, đã bắt đầu trở lại trong năm nay với khả năng UniCredit tiếp quản Commerzbank và BBVA đề nghị mua Sabadell, nhưng không có thương vụ nào được đảm bảo vì chúng phải đối mặt với sự phản đối về chính trị
Filippo Maria Alloatti, Trưởng bộ phận Tín dụng Ngành Tài chính tại Federated Hermes, cho biết các ngân hàng Mỹ sẽ là những người hưởng lợi chính dưới thời Trump. Nhưng theo ông các ngân hàng quốc tế có hoạt động lớn tại Mỹ như Barclays, Deutsche Bank và UBS cũng sẽ thấy được ‘tác động tích cực’.

Nguồn: Vinanet/VITIC/Reuters