Chỉ số Quản lý Thu mua (PMI) sản xuất của Đức, do HCOB thực hiện và S&P Global tổng hợp, giữ nguyên ở mức 43,0, không thay đổi so với tháng 10/2024.
Chỉ số này thấp hơn một chút so với ước tính sơ bộ là 43,2 và vẫn thấp hơn nhiều so với mốc 50 – ngưỡng phân định giữa tăng trưởng và suy thoái.
Trong khi tốc độ giảm sản lượng và đơn hàng mới đã chậm lại – với tốc độ giảm chậm nhất trong sáu tháng – thì việc làm, giá đầu ra và doanh số xuất khẩu lại giảm nhanh hơn.
Ông Cyrus de la Rubia, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Thương mại Hamburg, cho biết: "Tình hình của ngành công nghiệp Đức đang rất ảm đạm. Người dân ngày càng cảm nhận rõ áp lực khi có báo cáo gần như hàng ngày về việc các công ty trong ngành sản xuất lên kế hoạch cắt giảm nhân sự trên diện rộng."
Ngành này đã cắt giảm việc làm trong 17 tháng liên tiếp, với tốc độ cắt giảm nhân sự gần chạm mức kỷ lục trong 49 tháng được ghi nhận vào tháng 9/2024. Gần 29% doanh nghiệp báo cáo đã giảm lao động, phản ánh những nỗ lực không ngừng trong việc điều chỉnh nhân sự phù hợp với khối lượng công việc ngày càng giảm.
Bất chấp những thách thức này, niềm tin kinh doanh đã tăng nhẹ và chuyển biến tích cực lần đầu tiên trong ba tháng qua, dù vẫn ở mức thấp so với tiêu chuẩn.
"Điều này có thể xuất phát từ sự sụp đổ của liên minh cầm quyền và hy vọng rằng chính phủ mới sẽ mang lại một sự thay đổi kinh tế thực sự. Điều đó có thể bao gồm giảm giá năng lượng và cải cách quy định về giới hạn nợ," ông de la Rubia nói.
Đức dự kiến tổ chức bầu cử sớm vào tháng 02/2025 sau khi liên minh cầm quyền tan rã vào tháng trước do tranh cãi về vấn đề chi tiêu.
"Tổng quan, có vẻ như suy thoái trong ngành sản xuất sẽ kéo dài sang năm mới," ông kết luận.

Nguồn: Vinanet/VITIC/Reuters