Trung Quốc từng góp phần thúc đẩy nhu cầu trên thị trường sữa thế giới, nhưng lượng dự trữ sữa bột khổng lồ của nước này đã khiến giá sữa sụt giảm mạnh và đẩy New Zealand - quốc gia xuất khẩu sữa hàng đầu thế giới - lâm vào tình thế khó khăn.

Sữa là một trong những ngành “xương sống” của nền kinh tế New Zealand, với giá trị xuất khẩu của ngành sữa bơ chiếm khoảng 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này. Tuy nhiên, trước tình hình các sản phẩm sữa trượt giá, thu nhập của nông dân New Zealand đã giảm 7 tỷ NZD (4,74 tỷ USD) trong vòng hai năm qua.

Tình trạng này không những "làm khó" cho người nông dân, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế và hệ thống ngân hàng liên quan.

Các ngân hàng cho nông dân vay khoảng 38 tỷ NZD (25,13 tỷ USD), chiếm 10% vốn vay ở New Zealand.

Ngân hàng Dự trữ New Zealand (Ngân hàng trung ương) ước tính nhịp độ tăng trưởng của nước này trong tài khóa kết thúc vào tháng 3/2016 chỉ đạt khoảng 2,3%, chậm hơn nhiều so với mức tăng trưởng 3,6% trong năm trước đó.

Năm 2013, khối lượng sữa bột nhập khẩu của Trung Quốc từ New Zealand đạt mức cao kỷ lục, 622.000 tấn. "Mờ mắt" trước triển vọng này, nhiều quốc gia, trong đó có New Zealand đã đưa ra chính sách hỗ trợ nông dân đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất, xuất khẩu mặt hàng này.

Tuy vậy, kể từ đầu năm 2014, giá bơ sữa đã mất gần 60%, chủ yếu do nhu cầu từ Trung Quốc yếu đi sau khi nước này bắt đầu dự trữ sữa bột.

Nhà xuất khẩu các sản phẩm sữa lớn nhất thế giới, Fonterra Cooperative Ltd của New Zealand, đánh giá khá bi quan về triển vọng của thị trường và mới đây thông báo ước tính cổ tức trả cho 10.500 cổ đông (trong đó 90% là nông dân) của công ty sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong vòng chín năm qua.

Trước tình trạng khoảng 85% nông trại gặp thua lỗ, nhiều nông dân phải lựa chọn giữa việc vay thêm vốn để duy trì hoạt động hoặc rao bán trang trại để tránh nguy cơ phá sản.

Theo Viện bất động sản New Zealand, số lượng nông trại bị rao bán trong tháng Hai năm nay đã tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Việc giá đất đang đi xuống cũng là một áp lực không nhỏ đối với những nông dân và doanh nghiệp đang cân nhắc phương án này.

Giám đốc điều hành của công ty quản lý đầu tư Mahon China Investment Management, ông David Mahon ước tính lượng sữa bột dự trữ của Trung Quốc hiện vào khoảng 300.000 tấn. Năm nay sẽ lại là một năm đầy thách thức, đặc biệt là đối với nông dân Australia.

Mặc dù sữa bột có thể được lưu kho với số lượng lớn, song hạn sử dụng dài nhất thường vào khoảng ba năm, vì vậy theo một số chuyên gia, có khả năng nhu cầu sữa của Trung Quốc sẽ “tái hiện” vào năm 2017.

Bên cạnh đó, tỷ lệ sinh ở nước này dự kiến sẽ tăng lên sau khi Chính phủ Trung Quốc chấm dứt chính sách một con, mở ra triển vọng tăng nhập khẩu sữa bột và góp phần vơi bớt nguồn cung đang dôi dư trên thị trường toàn cầu.

Nguồn: Vietnamplus.vn