Các hộ gia đình ở châu Âu đang tiết kiệm với tỷ lệ cao hơn so với thời kỳ trước đại dịch Covid-19, đặt ra một thách thức đối với tăng trưởng kinh tế khu vực. Trái lại, người tiêu dùng Mỹ vẫn chi tiêu khá thoải mái, giúp duy trì nhịp tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trong thời gian đại dịch, tỷ lệ tiết kiệm tăng vọt ở cả hai bờ Đại Tây Dương do người tiêu dùng buộc phải ở nhà và không có cơ hội để chi tiêu cho các dịch vụ. Nhưng trong khi người Mỹ đã chi tiêu thoải mái kể từ khi các biện pháp chống dịch được gỡ bỏ, người châu Âu dường như vẫn “thắt lưng buộc bụng” để chống lại cảm giác bất an mà họ có sau khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra.
NGƯỜI CHÂU ÂU TIẾT KIỆM, NGƯỜI MỸ THOẢI MÁI MUA SẮM
Theo dữ liệu do cơ quan thống kê Eurostat công bố hôm thứ Sáu vừa rồi, tỷ lệ tiết kiệm của các hộ gia đình ở khu vực đồng tiền chung châu Âu eurozone đã tăng lên mức cao nhất 3 năm là 15,7% trong trong quý 2 năm nay, cao hơn nhiều so với mức bình quân trước đại dịch là 12,3%.
Mặc dù việc so sánh tỷ lệ tiết kiệm ở châu Âu và Mỹ có thể khập khiễng, xu hướng tiết kiệm ở Mỹ có sự khác biệt rõ rệt so với ở châu Âu - và hoạt động chi tiêu mạnh mẽ đã giúp thúc đẩy sự phục hồi kinh tế Mỹ sau đại dịch. Tỷ lệ tiết kiệm cá nhân của người Mỹ trong quý 2 là 5,2%, thấp hơn mức trung bình 6,1% trong giai đoạn 2010-2019.
“Tỷ lệ tiết kiệm thấp hơn của Mỹ đã giúp thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng, vốn là động lực chính cho tăng trưởng của Mỹ và là lý do chính khiến nền kinh tế Mỹ tăng trưởng nhanh hơn nền kinh tế châu Âu. Người tiêu dùng Mỹ đang nắm quyền điều khiển chuyến tàu kinh tế toàn cầu”, ông Mark Zandi - nhà kinh tế trưởng của Moody's Analytics - nhận định với tờ báo Financial Times.
Theo dự báo mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đang trên đà đạt mức tăng trưởng 2,6% ở Mỹ trong năm nay - nhờ chi tiêu hộ gia đình diễn ra mạnh mẽ - so với mức dự báo tăng chỉ 0,7% ở khu vực đồng euro và 1,1% ở Anh.
Theo dữ liệu được Bộ Lao động Mỹ công bố hôm thứ Sáu vừa rồi, nền kinh tế đã tạo thêm được 254.000 việc làm mới trong tháng 9, một con số vượt xa dự báo. Đây là một chỉ báo về sự vững vàng của nền kinh tế Mỹ và cả hoạt động tiêu dùng, vì công ăn việc làm tốt sẽ tạo ra thu nhập tốt và tâm lý lạc quan, giúp người tiêu dùng thoải mái hơn khi chi tiêu.
Ngoài ra, ông Zandi cho rằng thị trường chứng khoán sôi động và giá bất động sản cao đã giúp tài sản của các hộ gia đình Mỹ tăng lên. Trái lại ở châu Âu, nơi người dân đầu tư chứng khoán ít hơn, tác động từ giá cổ phiếu tăng đối với tiêu dùng cũng hạn chế hơn.
LÝ DO KHIẾN NGƯỜI CHÂU ÂU THẮT CHẶT CHI TIÊU
Cũng theo ông Zandi, người châu Âu có nhiều khoản vay thế chấp nhà kỳ hạn ngắn hơn so với người Mỹ, khiến họ phải tiết kiệm nhiều hơn để đề phòng tình huống lãi suất tăng. Trong khi đó, nhiều người Mỹ vay thế chấp nhà đã chốt được những khoản vay kỳ hạn 15-30 năm với lãi suất cố định ở mức thấp.
Ông Nathan Sheets, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng Citi, nhận định: “Các hộ gia đình Mỹ đang ở vào một vị thế mà họ vẫn có thể cảm thấy thoải mái khi duy trì mức tiết kiệm tương đối thấp. Người tiêu dùng châu Âu rất thận trọng, còn người tiêu dùng Mỹ thoải mái hơn nhiều khi chi tiêu”.
Người tiêu dùng ở Anh cũng đang thận trọng. Theo dữ liệu chính thức được công bố trong tuần này, tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình ở Anh đã tăng lên mức cao nhất trong 3 năm là 10% trong quý 2 năm nay, cao hơn nhiều so với mức trung bình 7,5% trong giai đoạn 2010-2019.
Nhà kinh tế Simon MacAdam của công ty tư vấn Capital Economics, cho biết phần giá trị tài sản tăng thêm của các hộ gia đình châu Âu trong thời gian phong tỏa vì Covid đến hiện tại đã không còn. Ông lưu ý rằng các hộ gia đình châu Âu đang đầu tư nhiều hơn vào bất động sản so với trước đại dịch, và điều này cũng đẩy tỷ lệ tiết kiệm ở eurozone lên cao. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng tiền lương được đẩy nhanh vẫn chưa mang lại hiệu ứng thúc đẩy niềm tin và chi tiêu tại khu vực này.
Sự leo thang xung đột ở Trung Đông cũng có thể góp phần tạo ra tâm lý thận trọng ở châu Âu, khu vực vốn phụ thuộc nhiều hơn Mỹ vào nguồn cung cấp năng lượng từ Trung Đông. Tăng trưởng kinh tế yếu kém cũng làm suy giảm tâm lý của người tiêu dùng khu vực: quý 2 năm nay, GDP của Đức - nền kinh tế lớn nhất eurozone - suy giảm.
Bà Samy Chaar, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng Lombard Odier, cho biết: “Người châu Âu tiết kiệm nhiều hơn vì họ vẫn chưa có được cảm giác yên tâm về tương lai, khi chiến tranh tiếp diễn và kinh tế Đức đang trong tình trạng ảm đạm. Có rất nhiều thứ đã thay đổi và không hề theo chiều hướng tốt”.
Giới chuyên gia kinh tế lưu ý thêm rằng số liệu tiết kiệm là rất khó ước tính, vì tiết kiệm là sự phần chênh lệch giữa hai con số không chắc chắn gồm thu nhập và tiêu dùng. Tuy vậy, OECD dự báo tỷ lệ tiết kiệm của các hộ gia đình ở Đức và eurozone sẽ tiếp tục cao hơn mức trung bình trước đại dịch và cao hơn so với mức ở Mỹ cho đến ít nhất năm 2025. Tổ chức này cũng dự báo tỷ lệ tiết kiệm ở Anh vào năm 2025 sẽ cao hơn so với trước đại dịch.

Nguồn: vneconomy.vn