Theo đề án chương trình và chính sách thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành giao thông vận tải đến năm 2020 mới được Bộ GTVT phê duyệt hồi cuối tháng 7, từ nay đến năm 2020 bộ này đưa ra 68 dự án thuộc 6 lĩnh vực của ngành giao thông gồm đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải, đường thủy nội địa, giao thông đô thị để mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia xây dựng.

Trong số này lĩnh vực đường bộ chiếm nhiều nhất với 26 dự án được mời gọi đầu tư. Bên cạnh việc mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn xây dựng các tuyến đường mới, Bộ GTVT cũng đưa ra danh mục các dự án đường cao tốc sẽ nhượng quyền khai thác.

Cụ thể, các dự án đường cao tốc đã hoàn thành và đang khai thác gồm Nội Bài – Lào Cai; Cầu Giẽ - Ninh Bình; TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, cùng với 2 tuyến đang được xây dựng gồm Bến Lức – Long Thành và Đà Nẵng – Quảng Ngãi.

Ở lĩnh vực đường sắt, Bộ GTVT đưa tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng dài 381 km vào danh mục nhượng quyền khai thác cho nhà đầu tư nước ngoài.

Đối với lĩnh vực hàng không sẽ nhượng quyền khai thác một số hạng mục hoặc toàn bộ hạ tầng sân bay gồm nhà ga T1 sân bay Nội Bài và sân bay Phú Quốc.

Ngoài ra, Bộ GTVT cũng mời các nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua cổ phần của các Tổng công ty đang tiến hành cổ phần hóa gồm Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR); Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV); Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines); Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC); Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CPIM)...

Trước đó, có một số nhà đầu tư nước ngoài đã quan tâm đến việc nhượng quyền khai thác một số dự án hạ tầng giao thông tịa Việt Nam. Trao đổi với TBKTSG Online, ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, có một số nhà đầu tư nước ngoài từ Mỹ, Nhật, Pháp,... đặc biệt là tập đoàn Vinci (Pháp), đã đặt vấn đề nhượng quyền khai thác 3 dự án đường cao tốc tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, có một số nhà đầu tư trong nước như tập đoàn Bitexco, tập đoàn Sovico cũng đang quan tâm đến việc nhượng quyền khai thác các dự án đường cao tốc.

Ở lĩnh vực hàng không, việc nhượng quyền khai thác nhà ga T1 sân bay Nội Bài, hiện đã có 2 nhà đầu tư trong nước muốn được mua quyền khai thác nhà ga này là hãng hàng không Vietnam Airlines và VietJet Air.

Riêng sân bay Phú Quốc, cũng có hai nhà đầu tư quan tâm là Tập đoàn T&T và Công ty TNHH xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP).

Một nguồn tin từ Bộ GTVT cho biết, việc nhượng quyền sân bay Phú Quốc cũng nhận được sự quan tâm của một số nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, lúc đầu Bộ GTVT chỉ muốn thí điểm nhượng quyền khai thác cho nhà đầu tư trong nước. Song theo đề án mới được phê duyệt hồi cuối tháng 7 thì việc nhượng quyền khai thác sân bay Phú Quốc vẫn được đưa vào danh mục mời gọi đầu tư nước ngoài.

Theo Lê Anh
TBKTSG

Nguồn: TBKTSG