Chủ trì họp báo về kết quả của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2023, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định: “Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Sản lượng lúa đạt 43,4 triệu tấn, tăng 1,7% so với năm 2022, sản lượng thịt hơi các loại đạt 7,6 triệu tấn, tăng 3,5%; sản lượng thủy sản 9,3 triệu tấn, tăng 2,9%.
XUẤT SIÊU HƠN 12 TỶ USD
Báo cáo kết quả năm 2023, ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tuy không đạt được mục tiêu 54 tỷ USD, thực tế cả năm 2023 chỉ đạt 53,01 tỷ USD, nhưng xuất siêu đạt mức kỷ lục 12,07 tỷ USD, tăng 43,7% chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước.
Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2023 có 6 mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD: rau quả đạt 5,69 tỷ USD, tăng 69,2%; gạo 4,78 tỷ USD, tăng 38,4%; hạt điều 3,63 tỷ USD, tăng 17,6%; cà phê 4,18 tỷ USD, tăng 3,1%; tôm 3,38 tỷ USD, giảm 21,7%; gỗ và sản phẩm gỗ 13,37 tỷ USD, giảm 16,5%.
Nông nghiệp tăng trưởng cao nhất trong 10 năm - Ảnh 1
Về tình hình sản xuất nông nghiệp, diện tích lúa cả năm 2023 ước đạt 7,12 triệu ha (tính gộp cả 3 vụ), tăng 10,1 nghìn ha so với năm trước. Nhờ năng suất lúa bình quân tăng 1 tạ/ha so với năm 2022, nên tổng sản lượng lúa thu hoạch năm 2023 cao kỷ lục, đạt 43,5 triệu tấn, tăng 0,8 triệu tấn so với năm trước.
Diện tích gieo trồng một số cây hoa màu như ngô, khoai lang, lạc, đậu tương giảm so với năm trước do hiệu quả kinh tế không cao, nông dân thu hẹp sản xuất để tập trung vào trồng rau hoặc chuyển sang trồng cây ăn quả, cây làm thức ăn chăn nuôi, thực hiện kinh tế nông nghiệp tuần hoàn.
"Số lượng sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên tăng đều qua các tháng và đạt 11.000 sản phẩm vào cuối năm 2023 (tăng 2.189 sản phẩm so với năm 2022); trong đó có 37,9% là sản phẩm của hợp tác xã, 24% doanh nghiệp, 35,3% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác".
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Cụ thể, diện tích ngô đạt 885,4 nghìn ha, giảm 1,6 nghìn ha so với năm trước, sản lượng ước đạt 4,4 triệu tấn, giảm 0,1%; diện tích khoai lang đạt 80 nghìn ha, giảm 6,2 nghìn ha, sản lượng ước đạt 914 nghìn tấn, giảm 62,5 nghìn tấn; diện tích đậu tương đạt 30,1 nghìn ha, giảm 2,3 nghìn ha, sản lượng ước đạt 48,3 triệu tấn, giảm 3,8 nghìn tấn; diện tích lạc đạt 153 nghìn ha, giảm 6,4 nghìn ha, sản lượng ước đạt 401,6 nghìn tấn, giảm 6,4 nghìn tấn; diện tích rau các loại đạt 999 nghìn ha, tăng 11,1 nghìn ha, sản lượng ước đạt 19 triệu tấn, tăng 379,7 nghìn tấn.
"Số lượng sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên tăng đều qua các tháng và đạt 11.000 sản phẩm vào cuối năm 2023 (tăng 2.189 sản phẩm so với năm 2022); trong đó có 37,9% là sản phẩm của hợp tác xã, 24% doanh nghiệp, 35,3% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác".
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Năm 2023, diện tích trồng cây lâu năm đạt 3.760,3 nghìn ha, tăng 1,1% so với năm 2022, trong đó nhóm cây công nghiệp đạt 2.161,4 nghìn ha, giảm 0,9%; nhóm cây ăn quả đạt 1.267,3 nghìn ha, tăng 4,1%.
Trong nhóm cây công nghiệp, diện tích cao su đạt 908,9 nghìn ha, giảm 1,1% so với năm trước, sản lượng đạt 1.293,1 nghìn tấn, giảm 3,4%; cà phê diện tích đạt 715,8 nghìn ha, tăng 1%, sản lượng đạt 1.974,4 nghìn tấn, tăng 1%; chè diện tích đạt 122,6 nghìn ha, giảm 0,6%, sản lượng chè búp đạt 1.135,8 nghìn tấn, tăng 1,7%; điều diện tích đạt 301,1 nghìn ha, giảm 2,8%, sản lượng đạt 343,3 nghìn tấn, tăng 4,4%; hồ tiêu diện tích đạt 113 nghìn ha, giảm 5,5%, sản lượng đạt 252,2 nghìn tấn, giảm 7,3%.
Tổng sản lượng thủy sản thu hoạch năm 2023 ước đạt 9.312,3 nghìn tấn, tăng 2,2% so với năm 2022. Đối với ngành lâm nghiệp, diện tích rừng trồng mới tập trung trong năm 2023 ước đạt 298,2 nghìn ha, giảm 2,7% so với năm trước; sản lượng gỗ khai thác trong cả năm 2023 đạt 20,8 triệu m3, tăng 2,8%. Một điểm nhấn của ngành chăn nuôi năm vừa qua là đã nghiên cứu, sản xuất thành công và xuất khẩu vaccine thương mại phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Năm 2023 cả nước có khoảng 78% xã đạt chuẩn Nông thôn mới, trong đó có 256 xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu.
MỤC TIÊU TĂNG TRƯỞNG GDP NÔNG NGHIỆP 3-3,5% NĂM 2024
Chia sẻ kinh nghiệm để ngành vượt qua khó khăn, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết để đạt được những kết quả trên, trong điều kiện nền kinh tế cả nước trong năm 2023 gặp nhiều khó khăn, thách thức, có thể rút ra 6 bài học kinh nghiệm.
Một là, nhất quán chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy đến hành động sang kinh tế nông nghiệp; quán triệt phương châm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Quyết tâm phải lớn, nỗ lực phải cao, hành động phải quyết liệt, hiệu quả, khẩn trương.
Hai là, quyết liệt trong chỉ đạo, lãnh đạo, tổ chức thực hiện và tăng cường công tác phối hợp thông qua đẩy mạnh sử dụng công nghệ thông tin, công nghệ số. Lựa chọn những giải pháp đột phá để định hướng sản xuất, như mở cửa thị trường xuất khẩu đồng thời coi trọng thị trường trong nước, áp dụng quy trình sản xuất tốt, an toàn, chất lượng…