Diễn đàn này do Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức lần đầu tiên nhằm hiện thực hóa Quyết định số 501/QĐ-TTg ngày 15/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ, theo đó, khuyến kích giới trí thức tham gia hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội các chủ trương, chính sách, dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nói: “Quan điểm của tôi là Việt Nam cần có một sân bay quốc tế hiện đại. Chúng ta đang bước vào giai đoạn phát triển, hội nhập, có điều kiện bùng nổ kinh tế nền cần sân bay lớn.”
Theo ông Thiên, ở bình diện quốc tế trong tương lai gần sẽ có nhiều chuyển động, khi Thái Lan và Trung Quốc gần đạt được thỏa thuận mở kênh đào qua lãnh thổ Thái Lan. Bên cạnh đó, tuyến đường sắt nối Bà Rịa – Vũng Tàu với Myanmar theo sáng kiến của ADB cũng đang trong lộ trình thực hiện.
Trao đổi thêm với TBKTSG Online, ông Thiên nói, cần đặt sân bay Long Thành trong tầm nhìn hội nhập quốc tế, trong kết nối với hệ thống Cảng biển quốc tế Cái Mép – Thị Vải mới thấy sự cần thiết của một tổ hợp dịch vụ trung chuyển cho Việt Nam.
“Việt Nam có định trở thành (điểm) nút của hội nhập không? … Nếu Việt Nam muốn hội nhập đẳng cấp thì cần một sân bay trung chuyển quốc tế chứ không thể (chỉ) duy trì một nhà ga hàng không,” ông nói.
Tiến sĩ Lương Hoài Nam, Tổng giám đốc Hàng không Hải Âu, nói: Theo quy hoạch, tại Long Thành sẽ hình thành tụ điểm giao thông đa phương tiện lớn nhất Việt Nam gồm hàng không, đường bộ, cao tốc, cảng biển, sông...
“Khi tôi trình bày với đại biểu Quốc hội tháng 12 năm ngoái, tôi đã nhắc đến yếu tố này,” ông Nam nói với ý ủng hộ dự án Long Thành.
“Nếu không làm sân bay này, làm sao tận dụng hiệu quả được các đường cao tốc giao thông đã làm hiện tại?” ông Nam nói và so sánh với các đường giao thông đã trở nên quá tải quanh sân bay Tân Sơn Nhất.
Ông Nam khẳng định, sân bay Tân Sơn Nhất hiện cũng đã quá tải. Ông nói: “Dự án Sân bay Long Thành triển khai hơi chậm, giá như làm 10 năm trước thì tốt hơn nhiều.”
Tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, cho biết trong vai trò đại biểu Quốc hội, ông đã nghe rất nhiều ý kiến do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tập hợp.
“Chúng tôi (đại biểu Quốc hội) chỉ có trách nhiệm bấm nút thông qua chủ trương đầu tư… không ai bài bác dự án này,” ông Lịch khẳng định.
Ông Lịch nói thêm: “Tôi là người tham gia về quy hoạch vùng kinh tế miền Nam, chúng tôi luôn mơ rằng sẽ có một sân bay tầm cỡ như Long Thành, chứ không phải chỉ như Tân Sơn Nhất”. Tuy nhiên, ông Lịch cho biết ông cũng lo ngại vấn đề nợ công lớn, tham nhũng trong triển khai dự án.
Theo tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, một nghiên cứu của cơ quan này kết luận là dự án Long Thành sẽ khả thi về mặt kinh tế xã hội vì tác động lan tỏa lớn của nó.
Tuy nhiên, ông Thành cảnh báo, về mặt tài chính thì rất khó khăn với các nhà đầu tư tư nhân khi tỷ suất sinh lợi chỉ là 4%.
“Vì thế, nếu Nhà nước không bỏ đồng tiền nào vào, thì tư nhân khó đầu tư vì dự án không khả thi về mặt tài chính,” ông Thành nhận định.
Ông Thành thậm chí đi xa hơn khi gợi ý rằng, trong giai đoạn 2030-2036 cần nghiên cứu đóng cửa sân bay Tân Sơn Nhất để tập trung mở rộng Long Thành thì tính khả thi về kinh tế và tài chính sẽ cao hơn.
Trong khi đó, chuyên gia phản biện Nguyễn Thiện Tống vẫn giữ nguyên quan điểm khi ông khẳng định: “Chúng tôi đã kiến nghị Quốc hội khoan làm Long Thành và phải nghiên cứu kỹ hơn.”
“Báo cáo tiền khả thi không đạt yêu cầu. Tôi nói thật nếu đem báo cáo này cho sinh viên thì họ sẽ cười…”, ông nói.
Ngồi nghe từ đầu đến cuối buổi Diễn đàn, Bộ trưởng Giao thông-Vận tải Đinh La Thăng tỏ vẻ vui mừng khi nghe hàng loạt ý kiến của các đại biểu.
Ông nói: “Tuyệt đại đa số đại biểu ủng hộ Long Thành. Kể cả giáo sư Nguyễn Thiện Tống dù không ủng hộ, nhưng trong phân tích cũng nói là cần xây Long Thành khi Tân Sơn Nhất quá tải.”
Ông Thăng cam kết: “Tôi khẳng định, trong tất cả các văn bản chúng tôi đều nói không có chuyện đóng của sân bay Tân Sơn Nhất… Không hề có chuyện đóng cửa Sân bay Tân Sơn Nhất”.
Ông nói, về vốn sẽ có khoảng 60% là huy động từ vốn tư nhân, 40% còn lại là vốn ngân sách nhà nước và vốn ODA.
Thứ Năm tuần này, ông Thăng sẽ điều trần trước Quốc hội về dự án Sân bay Long Thành.