Trong những năm gần đây, các quốc gia phát triển liên tục đặt ra những những quy định chặt chẽ liên quan tới bảo vệ môi trường đối với hàng hóa nhập khẩu nhằm mục tiêu đạt được sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Nội dung về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững cũng được đưa vào cam kết tại các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. 
1. Cam kết bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong các Hiệp định FTA
Chương 20 (Chương Môi trường) của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Chương 13 (Chương Phát triển bền vững) của Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) là tiêu biểu cho chính sách ưu tiên bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững của các nước phát triển đối với các đối tác thương mại.
- Chương 20 về Môi trường của Hiệp định CPTPP yêu cầu các quốc gia thành viên thực hiện các nội dung đã cam kết về bảo môi trường, đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu. Đồng thời, đặt ra các giải pháp bảo vệ môi trường, cách để giải quyết những tranh chấp, khiếu nại đến hành vi vi phạm tới môi trường. Trong đó, các điều khoản trực tiếp về các vấn đề môi trường cụ thể bao gồm: (1). Hàng hóa và dịch vụ môi trường; (2). Các hiệp định môi trường đa phương; (3). Bảo vệ tầng ô-zôn; (4). Bảo vệ môi trường biển từ ô nhiễm do vận tải biển; (5). Thương mại và đa dạng sinh học; (6). Thương mại và bảo tồn (động thực vật hoang dã); (7). Các loài ngoại lai xâm lấn; (8). Chuyển đổi sang nền kinh tế các bon thấp và tự cường; (9). Ngành thủy sản đánh bắt cá trên biển; (10). Các cơ chế tự nguyện để thúc đẩy thực thi môi trường; (11). Hợp tác trách nhiệm xã hội.
Các cam kết về việc tham gia các Thỏa thuận quốc tế về môi trường CPTPP không buộc các nước phải gia nhập hay tham gia bắt buộc các Công ước mới về môi trường mà chỉ yêu cầu các nước thực thi hiệu quả cam kết trong các Công ước về môi trường mà mình là thành viên, trong đó đặc biệt nhấn mạnh nghĩa vụ trong 03 điều ước quốc tế về môi trường mà các nước CPTPP đã là thành viên, bao gồm Nghị định thư MONTREAL về các chất làm suy giảm tầng ô-zôn; Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm từ tàu biển (Công ước MARPOL) và Công ước quốc tế về buôn bán các loài động thực vật hoang dã đang bị đe dọa (Công ước CITES).
- Đối với Hiệp định EVFTA, các nội dung liên quan đến môi trường được quy định tại Chương 13 về Phát triển bền vững. Các cam kết và nghĩa vụ liên quan đến môi trường được thiết lập trong EVFTA nhằm tăng cường tính ràng buộc giữa chính sách về phát triển thương mại và bảo vệ môi trường, nhằm giảm thiếu tác động tiêu cực của các hoạt động thương mại, đầu tư đến môi trường.
Các nội dung được cam kết tại Chương 13 bao gồm: (1). Khuyến khích mức độ bảo hộ cao đối với các lĩnh vực môi trường; (2). Ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy thị trường các bon; (3) Bảo tồn đa dạng sinh học; (4) Quản lý tài nguyên rừng bền vững và thương mại lâm sản; (5) Quản lý và phát triển thương mại nguồn tài nguyên sinh vật biển và sản phẩm nuôi trồng thủy sản bền vững; (6). Cơ chế tự nguyện thực hiện bảo vệ môi trường.
Hiệp định EVFTA đề cập khá chi tiết và chuyên sâu về quản lý bền vững nguồn tài nguyên sinh vật biển và hệ sinh thái biển. Các cam kết thúc đẩy ngành nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm với môi trường, tham gia đấu tranh chống lại việc đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); trao đổi thông tin về các biện pháp quản lý đối với nguồn tài nguyên sinh vật biển và sản phẩm thủy sản có tác động đối với thương mại.
2. Các điều kiện nhập khẩu gắn với môi trường tại các thị trường nhập khẩu
- Ngày 13/12/2022, các quốc gia thành viên EU đã thông báo sẽ thực hiện Cơ chế điều chỉnh carbon qua biên giới (CBAM), là một phần thuộc Thỏa thuận Xanh châu Âu (European Green Deal - EGD) được EU khởi động từ năm 2019 nhằm giải quyết các thách thức liên quan đến khí hậu và môi trường.
Ngày 16/5/2023, Ủy ban Châu Âu (EC) ban hành quy định (EU) 2023/956 về Thiết lập CBAM, trước mắt áp dụng hàng hóa có nguy cơ “rò rỉ carbon” cao nhất: xi măng, sắt và thép, nhôm, phân bón, hydrogen và điện. Đây là những lĩnh vực chiếm tới 94% lượng khí thải công nghiệp của EU. Các nhà nhập khẩu sẽ phải báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa nhập khẩu, nếu lượng khí thải này vượt quá tiêu chuẩn của EU, họ sẽ phải mua "chứng chỉ khí thải" theo mức giá carbon hiện nay tại EU.
- Trong năm 2023, EU cũng ban hành thêm các văn bản thực thi Thỏa thuận xanh, điển hình là các quy định mới về việc thay đổi mức dư lượng tối đa (MRL) đối với một số chất có trong các sản phẩm nông sản, thực phẩm. Ngày 16/5/2023, EC đã chính thức thông qua Đạo luật về chống phá rừng và suy thoái rừng (EUDR). EUDR cấm nhập khẩu những mặt hàng nông sản có quy trình sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng.
Danh sách các chính sách xanh liên quan tới hàng nhập khẩu từ ngoại khối vào EU sẽ tiếp tục được bổ sung cùng với tiến trình triển khai Thỏa thuận Xanh EU đến năm 2050, đặc biệt là trong giai đoạn từ nay tới 2030.
- Bên cạnh Thỏa thuận Xanh châu Âu, một vấn đề mà các doanh nghiệp xuất khẩu sang EU, đặc biệt là xuất khẩu hàng nông sản cũng cần lưu tâm là Chính sách từ nông trại đến bàn ăn (Farm to Fork - F2F). Nội dung chính của F2F bao gồm 5 mục tiêu chính cần đạt được vào năm 2030, cụ thể là (i) Giảm 50% việc sử dụng thuốc trừ sâu hóa học (chemical pesticides); (ii) Giảm thất thoát chất dinh dưỡng ít nhất là 50%; (iii) Giảm việc sử dụng phân bón ít nhất là 20%; (iv) Giảm 50% doanh số thuốc kháng sinh bán cho các trang trại; (v) Có 25% tổng diện tích đất nông nghiệp được chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ. Để đảm bảo công bằng, châu Âu sẽ tiến đến yêu cầu các nước khác áp dụng tiêu chuẩn tương tự.
- Thực tế, không chỉ có EU đưa ra các quy định khắt khe hơn về môi trường, Hoa Kỳ cũng đã có đề xuất Đạo luật Cạnh tranh sạch với phạm vi bao phủ ngành đầy đủ hơn. Một số quốc gia khác cũng đang tham vấn, thảo luận nội bộ về khả năng thiết lập cơ chế CBAM.
3. Nhận định và khuyến nghị cho các doanh nghiệp Việt Nam
- Khó khăn, thách thức đi kèm với cơ hội, thuận lợi
Các tiêu chuẩn, quy định liên quan về môi trường đối với hàng hóa xuất khẩu đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Thời gian qua, thủy sản của Việt Nam bị Liên minh châu Âu áp “thẻ vàng IUU” nhằm cảnh cáo hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định và đến nay vẫn chưa được gỡ bỏ. Sau khi bị gắn thẻ vàng, gần như tất cả hàng Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu đều phải kiểm tra hải quan, gây phát sinh nhiều thời gian và chi phí, ảnh hưởng lớn đến kim ngạch và lượng xuất khẩu sang thị trường EU.
Tuy nhiên, thực hiện các cam kết về môi trường và phát triển bền vững có thể mang đến nhiều cơ hội cho Việt Nam.
Thứ nhất, cần khẳng định phát triển xuất nhập khẩu bền vững gắn với tăng trưởng xanh được định hướng là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 của Việt Nam; Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030. Là một quốc gia tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thực hiện chuyển đổi xanh sẽ duy trì được thị phần, xây dựng thương hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thứ hai, việc định hướng phát triển xuất nhập khẩu bền vững gắn với tăng trưởng xanh sẽ thúc đẩy thương mại đối các loại hàng hóa môi trường. Việt Nam có một số thế mạnh trong hoạt động sản xuất xuất khẩu mà ngành sản xuất hàng hóa môi trường có thể tận dụng để phát triển, trong đó có thể kể đến ngành công nghiệp sản xuất pin năng lượng mặt trời.
Thứ ba, các FTA sẽ mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực năng lượng bền vững, tạo điều kiện hợp tác với các quốc gia phát triển về công nghệ xanh bảo vệ môi trường, giảm phát thải; giúp Việt Nam nhận được các nguồn tài trợ từ các nước phát triển trong khối để thực hiện các hoạt động thương mại bền vững.
- Khuyến nghị cho doanh nghiệp
Để tận dụng hiệu quả và thực thi tốt các cam kết về môi trường và phát triển bền vững, một số khuyến nghị cho doanh nghiệp được đề xuất như sau:
Thứ nhất, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị sớm với các yêu cầu xanh. Các chính sách này đều có lộ trình thực hiện và nếu có sự đầu tư thời gian chuẩn bị thì việc đáp ứng vẫn tương đối khả thi. Bên cạnh đó, không phải tất cả các tiêu chuẩn về môi trường đều cần chi phí tốn kém để thực hiện, mà có thể chỉ cần yêu cầu thay đổi trong cách thức thực hiện (khai báo về phát thải, cung cấp thông tin về sản phẩm…).
Thứ hai, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực để tạo ra được sản phẩm xanh, qua đó tạo ra lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu. Đa phần doanh nghiệp Việt có quy mô nhỏ và vừa, việc chuyển đổi sẽ tốn ít chi phí và nhanh hơn so với các tập đoàn kinh tế lớn. Các doanh nghiệp mới thành lập có thể định hướng phát triển ngay từ thời điểm ban đầu.
Thứ ba, doanh nghiệp cần xác định thị trường mục tiêu để chủ động kế hoạch sản xuất, xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Thứ tư, lãnh đạo doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần quan tâm đến việc phát triển bền vững gắn với chuyển đổi xanh, nắm rõ thông tin và cải thiện các quy trình quản trị hiện có, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm đáp ứng các điều kiện, quy định của thị trường nhập khẩu./.

Nguồn: Nhật Minh tổng hợp