12 quốc gia trong đó có Việt Nam đầu tuần này đã hoàn tất đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Việt Nam được đánh giá là hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định này.

Theo giới chuyên gia, nếu TPP được ký kết,GDP của Việt Nam có thể tăng 11% hay 36 tỷ USD trong vòng 10 năm tới, trong khi xuất khẩu tăng 28% khi các doanh nghiệp nước ngoài dịch chuyển cơ sở sản xuất tới Việt Nam.

Việt Nam quan trọng thế nào đối với TPP?


Việt Nam là đối tác quan trọng trong chiến lược xoay trục sang châu Á của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama. Quan hệ kinh tế chính trị giữa Việt Nam và các nước thù địch trước kia cũng đã ấm trở lại. Cả Mỹ và Việt Nam đều mong muốn một nền kinh tế thoát Trung.

Ngành nào được – mất do TPP?


Việc Mỹ và Nhật Bản xóa bỏ thuế quan đối với hàng dệt may của Việt Nam sẽ giúp thu hút các nguồn lực đầu tư vào ngành dệt may Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam có thể tăng 50% trong vòng 10 năm tới nhờ TPP, theo đánh giá của Eurasia Group.

Ngành thủy sản cũng được cho là sẽ hưởng lợi từ TPP nhờ được xóa bỏ thuế đánh vào tôm, mực ống và cá ngừ xuất khẩu hiện đang ở mức 6,4% đến 7,2%. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đối mặt với quy tắc nghiêm ngặt về xuất xứ do đó hạn chế lợi ích của TPP đối với ngành dệt may.

Ngược lại, các ngành bị ảnh hưởng tiêu cực là chăn nuôi. Việc xóa bỏ thuế quan đối với dược phẩm từ mức 2,5% hiện tại sẽ khiến doanh nghiệp trong nước phải đối mặt với sức ép cạnh tranh lớn hơn từ bên ngoài. Trong khi đó, quy định về bảo hộ dược phẩm theo TPP cũng sẽ làm hạn chế khả năng tiếp cận các sản phẩm mới của doanh nghiệp Việt.

Rủi ro nào với Việt Nam nếu TPP thất bại?

Mặc dù các bên đã hoàn tất đàm phán, nhưng TPP vẫn cần được nghị viện các nước thông qua. Nếu TPP thất bại sẽ cản trở tiến trình củng cố quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ và làm giảm ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực. Việt Nam đã đàm phán thành công các hiệp định thương mại tự do với EU và Hàn Quốc đầu năm nay và đang tích cực tìm kiếm đối tác kinh tế nhằm cân bằng quan hệ với Trung Quốc. Nếu TPP thất bại, kinh tế Việt Nam sẽ phụ thuộc hơn vào Trung Quốc.
Minh Phương
Theo Bloomberg