Theo Financial Times, việc tiếp cận dễ dàng hơn với thị trường Mỹ có thể thu hút thêm nhiều nhà sản xuất quốc tế đến Việt Nam, trong khi thỏa thuận tự do thương mại này sẽ tiếp tục thúc đẩy quá trình cải cách kinh tế hiện nay.
Với dân số 90 triệu người, Việt Nam đang nổi lên như một nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á khi thu hút ngày càng nhiều các nhà sản xuất quốc tế, từ các tập đoàn điện tử như Samsung đến những nhãn hàng thời trang như Nike hay Uniqlo.
Sự phát triển của ngành công nghiệp sản xuất đã giúp nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,5% trong 9 tháng đầu năm, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2010. Trong cùng kỳ, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng đã tăng 8% lên 9,7 tỷ USD.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế và các nhà sản xuất, việc ký kết hiệp định TPP và thỏa thuận tự do thương mại với Liên minh Châu Âu (EU) sẽ khiến ngành xuất khẩu Việt Nam tăng trưởng bùng nổ hơn nữa và cũng sẽ thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài hơn.
Tuy nhiên, hiệp định TPP không hoàn toàn chỉ mang yếu tố tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam.
Hiệp định này bao gồm 12 quốc gia thành viên, như Mỹ, Nhật Bản và Australia, trong đó yêu cầu các nước phải mở cửa mạnh hơn nữa cho các đối thủ cạnh tranh từ nước ngoài, nâng cao tiêu chuẩn lao động và điều kiện môi trường. Những yêu cầu này sẽ khiến Việt Nam gặp khó khăn khi thực hiện cũng như ẩn chứa một số rủi ro.
Mặc dù vậy, chuyên gia kinh tế Johanna Chua của Citigroup cho rằng Việt Nam đã có những bước tiến rất lớn trong ngành may mặc và giày dép nên những hiệp định tự do thương mại sẽ càng làm gia tăng lợi thế cạnh tranh của Việt Nam khi các nhà máy tìm thị trường mới thay thế Trung Quốc. Điều này sẽ góp phần làm gia tăng việc làm cũng như chuyển giao công nghệ tại Việt Nam.
Theo Công Trí
TTXVN