Chiều nay 9/10, Bộ Công Thương tổ chức buổi gặp mặt cung cấp thông tin kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh chủ trì buổi gặp mặt.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho hay, hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng luôn đi kèm với các rủi ro và thách thức. Tuy nhiên, rủi ro và thách thức hoàn toàn có thể kiểm soát được.

Đánh giá về thách thức, Thứ trưởng Khánh cho hay, có năm thách thức lớn Việt Nam phải đối mặt. Cụ thể:

Về thương mại hàng hóa, với một số chủng loại nông sản mà Hoa Kỳ và một số nước khác trong TPP (Australia, NewZealand, Chi Lê) có thế mạnh, sức ép cạnh tranh là khá lớn khi thuế được đưa về 0%, trong đó nổi bật là thịt lợn, thịt gà. Một số nông sản khác cũng sẽ gặp khó khăn như sữa, đậu tương, ngô và nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc. 

Đối với mặt hàng giấy, thép, ô tô, theo thứ trưởng Khánh, sức ép cạnh tranh sẽ không lớn vì sản phẩm của Việt Nam hướng đến phân khúc thị trường trung bình. Trong khi đó, sản phẩm của các nước TPP thường hướng đến phân khúc thị trường cao cấp.

Việc hạ thuế về 0% chủ yếu sẽ gây giảm thu thuế nhập khẩu là chính, không gây ra sức ép cạnh tranh, bao gồm: bánh kẹo, chất tẩy rửa, đồ trang sức, sản phẩm kim loại (chủ yếu là đồ bếp), điều hòa không khí, đồ nội thất, xe mô-tô phân khối lớn, rượu, thuốc lá.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, để vượt qua thách thức này, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp - chăn nuôi, Việt Nam phải hết sức nỗ lực, biến thách thức thành cơ hội đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế. 

Đối với các sản phẩm khác, giải pháp chủ yếu là kéo dãn lộ trình giảm thuế để có thời gian tái cơ cấu sản xuất trong nước, thúc đẩy đầu tư quy mô lớn và áp dụng công nghệ cao để nâng dần sức cạnh tranh. Theo hướng đó, lộ trình cần được sử dụng một cách chủ động, hiệu quả, tránh tình trạng ỷ lại vào lộ trình dẫn đến chậm đổi mới và từ đó là bị động, lúng túng.

Về thương mại dịch vụ và đầu tư, mở cửa thị trường dịch vụ - đầu tư sẽ không ảnh hưởng tới quyền chủ động của Nhà nước trong quản lý. Mở cửa theo TPP chỉ làm tăng cạnh tranh thương mại, không ảnh hưởng tới quyền quản lý của Nhà nước nhằm đáp ứng các mục tiêu công cộng, chính đáng.

Về hoàn thiện khung khổ pháp luật, thể chế, để thực thi cam kết trong TPP, sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi một số quy định pháp luật về thương mại, đầu tư, đấu thầu, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường … Tuy nhiên, với sự chuẩn bị nghiêm túc và nỗ lực cao độ, Việt Nam có thể thực hiện thành công khối lượng công việc này, nhất là khi ta được quyền thực hiện theo lộ trình.     

Thách thức về xã hội, cạnh tranh tăng lên khi tham gia TPP có thể làm cho một số doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn, khả năng thất nghiệp trong một bộ phận lao động sẽ xảy ra. 

"Do phần lớn các nền kinh tế trong TPP không cạnh tranh trực tiếp với ta, nên ngoại trừ một số ít sản phẩm nông nghiệp, dự kiến tác động này là có tính cục bộ, quy mô không đáng kể và chỉ mang tính ngắn hạn", Thứ trưởng Khánh nhấn mạnh.

Thách thức về thu ngân sách, khi xóa bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình, thu từ thuế nhập khẩu có thể giảm nhưng bù lại, số thu từ các sắc thuế khác sẽ tăng lên do sản xuất, kinh doanh phát triển, không những đủ để bù đắp số thu mất đi từ thuế nhập khẩu mà còn bổ sung thêm cho ngân sách nhà nước. 

Thực tiễn cho thấy việc giảm thuế nhập khẩu theo cam kết WTO và theo 8 FTA đã có hiệu lực không ảnh hưởng tiêu cực tới thu ngân sách. Tổng thu từ hàng nhập khẩu vẫn tăng đều hàng năm kể từ năm 2006.   


Với thuế xuất khẩu, do Việt Nam giữ lại thuế xuất khẩu đối với một số mặt hàng quan trọng nhất như dầu thô, than đá, một số loại khoáng sản kim loại nên dự kiến tác động đến thu ngân sách sẽ không đáng kể.

Thứ trưởng Khánh cũng cho hay, sau khi kết thúc đàm phán, Việt Nam sẽ cùng các nước TPP thực hiện các bước: Rà soát pháp lý để bảo đảm lời văn và các biểu cam kết thể hiện đúng kết quả đàm phán; Dịch thuật và công bố rộng rãi nội dung Hiệp định; Dành thời gian thỏa đáng để các đại biểu Quốc hội, người dân và các doanh nghiệp nghiên cứu nội dung Hiệp định; Ký kết Hiệp định. Cuối cùng, thực hiện quy trình thông qua Hiệp định theo đúng quy định của pháp luật từng nước. 

Thời gian mất từ 18 tháng tới 2 năm.

Huyền Thương - Kiều Linh