Theo các thông tin và phân tích của các chuyên gia trong và ngoài nước và tình hình hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp phân phối - bán lẻ, đặc biệt là các thành viên của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, chúng ta có thể thấy sự bùng phát và diễn biến bất ngờ của đại dịch Covid-19 đã có nhiều tác động đến nền kinh tế nói chung và tác động đến ngành công nghiệp dịch vụ bán lẻ, đến thị trường phân phối - bán lẻ nói riêng, trước hết là những thay đổi trong việc mua sắm, tiêu dùng của người tiêu dùng Việt cũng như những yêu cầu mới của thị trường.
Thị trường bán lẻ biến động, thay đổi trong tiêu thụ các mặt hàng để phòng chống dịch. Một số mặt hàng “nóng” trong sử dụng cũng như xu hướng mua dự trữ tại các đô thị:
Nhóm ngành hàng thực phẩm tiện lợi và gia vị: Đồ đông lạnh, đồ hộp, mì gói các loại và dầu ăn; các sản phẩm bổ sung dưỡng chất và giúp nâng cao hệ miễn dịch, đặc biệt dành cho nhóm người già và trẻ em như sữa bột và sữa chua uống. Đặc biệt, thực phẩm lành mạnh như: trái cây, nước ép trái cây, rau củ giúp tăng khả năng miễn dịch có chiều hướng tăng mạnh.
Người tiêu dùng cũng có xu hướng dự trữ các loại thực phẩm ăn liền tại nhà như: mì và các sản phẩm ăn liền, xúc xích, đồ ăn nhẹ, nước đóng chai và thực phẩm đóng hộp …, đặc biệt là ở những khu vực có trường hợp nhiễm bệnh hay cách ly.
Theo khảo sát của Nielsen Việt Nam, với hành vi lưu trữ thức ăn tại nhà, NTD đang gia tăng việc tiêu thụ các ngành hàng như sợi ăn liền (tăng 67%), thực phẩm đông lạnh (tăng 40%) và xúc xích tiệt trùng (tăng 19%). Bên cạnh đó, ngành chăm sóc vệ sinh cá nhân, bao gồm nước súc miệng (tăng 78%), chăm sóc cơ thể (tăng 45%) và khăn giấy (tăng 35%)…
Chất tẩy rửa gia dụng và vệ sinh cá nhân nhằm giữ gìn vệ sinh và diệt khuẩn: Nước rửa tay, nước rửa tay khô diệt khuẩn, xà phòng, giấy vệ sinh, khăn giấy ướt; kem dưỡng da tay… và các sản phẩm vệ sinh nhà cửa.
Các sản phẩm y tế phòng chống dịch như khẩu trang, nước súc miệng, nước diệt khuẩn, khử trùng, các loại thuốc bổ và vitamin…
Trong khi đó, các mặt hàng như các loại đồ uống không cồn và có cồn giảm; bia và các loại đồ uống ghi nhận các mức tiêu thụ giảm sâu. Mặt khác, NTD có sự e dè với những ngành hàng như thịt tươi, rau tươi và hải sản trong suốt thời kỳ dịch bệnh này.

Nguồn: Thương trường