Việc Việt Nam tăng cường hợp tác với Bồ Đào Nha không chỉ là hướng tới thị trường của đất nước này mà còn là cả thị trường châu Âu và châu Phi. Kể từ sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1975, hợp tác giữa Việt Nam và Bồ Đào Nha đã có nhiều bước phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực như chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại …
Trong những năm qua, Bồ Đào Nha luôn coi trọng quan hệ song phương đối với Việt Nam, Việt Nam giữ vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Bồ Đào Nha, đặc biệt là các hợp tác trong lĩnh vực kinh tế. Thông qua hợp tác với Việt Nam, Bồ Đào Nha có thể mở rộng quan hệ với các nước châu Á khác. Trong khi đó, Việt Nam luôn đánh giá cao quan hệ hợp tác với Bồ Đào Nha, xem đây là một thị trường quan trọng trong khối EU và có nhiều tiềm năng phát triển mạnh.
Hai bên đã tăng cường hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực thương mại, khai thác tối đa ưu đãi từ các cơ hội của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) để cải thiện kim ngạch thương mại song phương, phấn đấu đạt mốc 1 tỷ USD/năm trong thời gian tới. Tuy nhiên, hợp tác đầu tư giữa hai nước vẫn còn ở mức rất khiêm tốn so với tiềm năng, theo số liệu thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 3/2024, Bồ Đào Nha mới chỉ có 2 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đạt 89 nghìn USD, xếp thứ 125/141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam có một dự án đầu tư vào Bồ Đào Nha với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 856 nghìn USD, thuộc lĩnh vực bán buôn, bán lẻ.
Nhóm 10 thị trường có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất của Bồ Đào Nha trong năm 2023
ĐVT: phần trăm
Nguồn: Trademap
Bồ Đào Nha chủ yếu nhập khẩu hàng hóa từ các nước thành viên thuộc khu vực EU như Tây Ban Nha, Đức, Pháp, Hà Lan … với các mặt hàng chính như sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm hóa chất, phương tiện và tài liệu vận tải khác, dụng cụ quang học và dụng cụ đo độ chính xác, phụ kiện máy tính và các bộ phận, chất bán dẫn và các thiết bị liên quan, các sản phẩm dầu mỏ, kim loại cơ bản,các sản phẩm thực phẩm, vật liệu dệt.
Các ngành kinh tế trọng điểm của Bồ Đào Nha là nông lâm nghiệp, công nghiệp, rượu, nghề cá và du lịch. Nhìn chung, ngành nông nghiệp của Bồ Đào Nha là một trong những nền nông nghiệp kém hiệu quả nhất khu vực châu Âu; ngành công nghiệp có điều kiện phát triển nhưng còn phụ thuộc rất lớn vào năng lượng và nguyên liệu nhập khẩu; riêng ngành rượu của nước này đứng hàng thứ sáu trên thế giới, nổi tiếng với các loại rượu vang như pooctô hay vinho verde.
Một số mặt hàng nhập khẩu chính của Bồ Đào Nha trong năm 2023
(ĐVT: Nghìn USD/%)
Nguồn: Trademap
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong giai đoạn 2019 – 2023, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Bồ Đào Nha có xu hướng tăng; riêng năm 2022, kim ngạch ghi nhận mức giảm đáng kể so với năm 2021 do những ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh và tình hình kinh tế toàn cầu nhiều biến động. Trong năm 2023, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Bồ Đào Nha dần hồi phục, đạt 669 triệu USD, tăng nhẹ 7,34% so với năm 2022; trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 548,4 triệu USD, tăng 4,5% so với năm 2022; kim ngạch nhập khẩu đạt 120,5 triệu USD, tăng mạnh 22,47%.
Tháng 4/2023, Bồ Đào Nha đã phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA). Phía Việt Nam mong muốn Bồ Đào Nha giúp thúc đẩy các nước EU còn lại sớm phê chuẩn hiệp định này, đồng thời đề nghị Bồ Đào Nha ủng hộ và thúc đẩy Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ “thẻ vàng IUU” đối với thủy sản Việt Nam.
Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Bồ Đào Nha trong giai đoạn 2019 – 2023
ĐVT: Triệu USD
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Theo Trading Economics, trong quý IV/2023, tốc độ tăng trưởng GDP của Bồ Đào Nha đạt 0,8%, phục hồi sau mức giảm 0,2% trong quý III và phù hợp với dự báo thị trường. Đây cũng là tốc độ tăng trưởng cao nhất kể từ quý I/2023. Sự gia tăng này chủ yếu là do nhu cầu chi tiêu trong nước tăng, bên cạnh đó xuất khẩu và nhập khẩu cũng có sự cải thiện đáng kể so với quý trước đó. Lạm phát tiêu dùng của Bồ Đào Nha đã tăng lên mức 2,3% vào tháng 3/2024, từ mức 2,1% trong tháng 2 và phù hợp với dự báo của thị trường. Nhìn chung, năm 2023 là năm nền kinh tế - chính trị Bồ Đào Nha có nhiều biến động, bất ổn chính trị kéo dài đã dẫn đến trì hoãn hoặc tạm ngưng các quyết sách vực dậy nền kinh tế đang suy yếu của đất nước, điển hình như việc tư nhân hóa Hãng Hàng không quốc gia TAP Airlines đang bị trì hoãn. Dự báo, trong năm 2024, Dự luật Ngân sách được thông qua hứa hẹn sẽ giảm thuế thu nhập cho tầng lớp trung lưu, tăng phúc lợi xã hội cho người nghèo và tăng đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho Bồ Đào Nha.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Bồ Đào Nha trong giai đoạn 2013 – 2023
(ĐVT: Triệu USD)
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Hàng thủy sản nằm trong nhóm các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất sang thị trường Bồ Đào Nha trong những năm qua. Tại châu Âu, Bồ Đào Nha là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn thứ 6 trong khối EU. Theo thống kê từ Hiệp hội Thủy sản Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ sang Bồ Đào Nha đạt hơn 220 nghìn USD, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023, đây là sự khởi sắc lớn của sản phẩm cá ngừ Việt Nam tại thị trường này. Các sản phẩm cá ngừ Việt Nam đang được hưởng ưu đãi về thuế quan từ hiệp định EVFTA, vì vậy các doanh nghiệp xuất khẩu cần tận dụng tối đa những ưu đãi để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Doanh nghiệp khi xuất khẩu hàng hóa vào Bồ Đào Nha cần lưu ý các vấn đề liên quan đến chứng từ nhập khẩu sau: Hóa đơn thương mại; Hóa đơn chiếu lệ; Vận đơn đường biển và đường hàng không; Giấy chứng nhận xuất xứ; Phiếu đóng gói; Một số mặt hàng cần có chứng từ đặc biệt khi nhập khẩu vào Bồ Đào Nha, ví dụ như các sản phẩm thực phẩm, thực vật như hoa tươi cắt cành, thực vật có rễ, rơm ... cần có giấy chứng nhận kiểm dịch động thực vật bằng tiếng Bồ Đào Nha.
Tỷ trọng các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất sang thị trường Bồ Đào Nha trong tháng 3/2024
(ĐVT: Nghìn USD)
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Trong tháng 3/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Bồ Đào Nha đạt 49,3 triệu USD, tăng đáng kể 25,99% so với tháng cùng kỳ năm 2023; tính riêng ba tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này ghi nhận mức tăng so với 3 tháng đầu năm 2023 là 12,63%, đạt 134,3 triệu USD. Trong đó, ba mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch cao nhất là Điện thoại các loại và linh kiện (chiếm tỷ trọng 26,33%); Cà phê (chiếm tỷ trọng 13,07%) và Chất dẻo nguyên liệu (chiếm tỷ trọng 7,26%).
Về nhập khẩu, trong tháng 3/2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Bồ Đào Nha đạt 18,7 triệu USD, tăng rất mạnh 87,34% so với tháng 3/2023; tính riêng ba tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ thị trường này ghi nhận mức tăng so với 3 tháng đầu năm 2023 là 73,65%, đạt 36,8 triệu USD.
Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng của Việt Nam sang Bồ Đào Nha trong tháng 3/2024
(ĐVT: Nghìn USD/phần trăm)
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Trong những năm qua, công tác kết nối, xúc tiến thương mại vào thị trường Bồ Đào Nha luôn được các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp chú trọng:
Ngày 18/01/2023, trong buổi tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Bồ Đào Nha đến thăm Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề nghị hai nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế, đóng góp tích cực vào giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu. Về hợp tác kinh tế, Thủ tướng đề nghị Bồ Đào Nha tạo thuận lợi cho các mặt hàng nông sản Việt Nam tiếp cận thị trường Bồ Đào Nha; mong muốn hai bên tiếp tục hợp tác chặt chẽ, tận dụng các cơ hội to lớn từ Hiệp định EVFTA nhằm tăng cường trao đổi thương mại giữa hai nước. Về phía Bồ Đào Nha, Bộ trưởng Ngoại giao nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng mà quốc gia này có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như: Kinh tế biển, hàng hải, năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số; tiếp tục triển khai các nội dung của Hiệp định hợp tác về du lịch Việt Nam - Bồ Đào Nha, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm về phát triển du lịch, tăng cường giao lưu thể thao hai nước. Bộ trưởng cũng khẳng định sẽ mở cửa thị trường cho hàng nông sản Việt Nam; chia sẻ thông tin về quá trình phê chuẩn Hiệp định EVIPA của Bồ Đào Nha, cho biết sẽ có tiếng nói với EC về vấn đề thẻ vàng IUU.
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Bồ Đào Nha ngày 13/11/2023, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết trao đổi hợp tác đầu tư giữa hai bên còn khiêm tốn, chưa khai phá hết tiềm năng vốn có. Hai bên cùng chung quan điểm cần thúc đẩy hợp tác, đầu tư phối hợp chặt chẽ, khai thác tối đa các cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) để cải thiện kim ngạch thương mại, phấn đấu đạt 1 tỷ USD trong những năm tới. Về phía Bồ Đào Nha, Quốc vụ khanh Francisco André khẳng định trong thời gian qua, hai nước đã duy trì trao đổi đoàn các cấp, gặp gỡ, tiếp xúc tại các diễn đàn đa phương và đạt được những kết quả tích cực; đồng thời cho biết, Bồ Đào Nha cũng nhận thức cao về những nỗ lực của Việt Nam trong cải thiện khuôn khổ pháp lý về chống khai thác IUU, hy vọng EU sẽ xem xét những nỗ lực này để có những đánh giá tích cực sớm gỡ thẻ vàng cho Việt Nam thời gian tới.