• Đồng USD tăng giá tuần đầu tiên kể từ giữa tháng 3
• Trung Quốc miễn trừ thuế quan cho 1 số sản phẩm của Mỹ
• Các cuộc đàm phán của Mỹ với các đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc đang đạt được tiến triển
Đồng USD tăng giá tuần đầu tiên kể từ giữa tháng 3/2025 sau khi Trung Quốc cấp một số miễn trừ thuế quan cho hàng nhập khẩu của Mỹ, làm dấy lên hy vọng rằng cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể sắp lắng xuống.
Đồng tiền của Mỹ đã bị ảnh hưởng nặng nề trong tuần qua bởi những dấu hiệu trái chiều về sự tan băng trong mối quan hệ căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh. Vào thứ Ba, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề xuất hạ nhiệt cuộc xung đột thuế quan, nói rằng các cuộc đàm phán trực tiếp đã diễn ra. Đến thứ Sáu, một số doanh nghiệp đã được thông báo về những thay đổi cho biết Trung Quốc đã cấp một số miễn trừ ra khỏi mức thuế 125% đối với hàng nhập khẩu của Mỹ và đang yêu cầu các công ty xác định những hàng hóa có thể đủ điều kiện.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Time được công bố vào thứ Sáu, cho biết chính quyền của ông đang đàm phán với Trung Quốc để đạt được một thỏa thuận thuế quan và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gọi điện cho ông.
Đồng USD tăng so với rổ các tiền tệ chủ chốt, tăng khoảng 0,07% trong phiên thứ Sáu, và tính chung cả tuần cũng tăng lần đầu tiên kể từ giữa tháng 3/2025.
Đồng USD đã tăng 0,67% so với đồng yên trong phiên thứ Sáu, lên mức 143,555 JPY và tăng 0,09% so với đồng franc Thụy Sĩ, lên mức 0,827 franc.
Đồng euro giảm 0,11% xuống 1,1377 USD, trong khi đồng bảng Anh giảm 0,1% xuống 1,3325 USD, ngay cả sau khi số liệu cho thấy bán lẻ của Anh bất ngờ tăng mạnh mẽ.
Washington đã đạt được một số tiến triển trong các cuộc đàm phán thương mại ban đầu với các đồng minh châu Á là Hàn Quốc và Nhật Bản. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Katsunobu Kato cho biết sau khi gặp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent rằng không có cuộc đàm phán nào về mục tiêu tiền tệ.
Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản Kazuo Ueda hôm thứ Năm đã nhắc lại cam kết của ngân hàng trung ương về việc tăng lãi suất nếu lạm phát cơ bản tiến tới mục tiêu 2% như dự kiến. Nhưng ông nhắc lại rằng các nhà hoạch định chính sách cần xem xét kỹ lưỡng tác động từ thuế quan của Mỹ. Thị trường nhìn chung dự đoán BOJ sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp kéo dài hai ngày kết thúc vào ngày 1/5.
• Giá vàng giảm 1,2% trong tuần
• Giá bạc tăng tuần thứ 3 liên tiếp
Giá vàng giảm mạnh 2% trong phiên thứ Sáu, tính chung cả tuần cũng giảm do đồng USD tăng và dấu hiệu căng thẳng thương mại Mỹ - Trung giảm bớt, sau thông tin Bắc Kinh đã miễn thuế cho một số hàng hóa của Mỹ.
Vàng giao ngay kết thúc phiên thứ Sáu giảm 1,7% xuống 3.292,99 USD/ounce, sau khi giảm mạnh 2% trong đầu phiên giao dịch; tính chung cả tuần giág giảm 1,2%. Vàng giao sau giảm 1,5% xuống 3.298,4 USD/ounce.
Trung Quốc đang cân nhắc miễn một số hàng hóa nhập khẩu của Mỹ khỏi mức thuế 125% và yêu cầu các doanh nghiệp xác định những mặt hàng có thể đủ điều kiện. Trước đó, vào đầu tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề xuất hạ nhiệt cuộc chiến thuế quan ăn miếng trả miếng.
Đồng USD tăng và có tuần tăng đầu tiên kể từ tháng 3/2025, khiến vàng thỏi trở nên đắt hơn đối với khách hàng sử dụng các loại tiền tệ khác.
Vàng được coi là hàng rào chống lại những bất ổn về địa chính trị và kinh tế đã tăng lên mức cao kỷ lục 3.500,05 USD/ounce và tăng hơn 25% kể từ đầu năm đến nay, do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và nhu cầu của các ngân hàng trung ương tăng mạnh.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 1,6% xuống 33,03 USD/ounce, song tính chung cả tuần tuần tăng thứ 3 liên tiếp.
Giá bạch kim giảm 0,5% xuống 965,53 USD và palladium giảm 1,8% xuống 936,89 USD.
•. Giá dầu giảm trong tuần do lo ngại về thuế quan và nguồn cung tăng
Giá dầu tăng trong phiên thứ Sáu, song tính chung cả tuần giảm do dự báo cung sẽ vượt cầu và không chắc chắn về kết quả các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc.
Kết thúc phiên thứ Sáu, giá dầu thô Brent tăng 32 US cent lên 66,87 USD/thùng; tính chung cả tuần giá giảm 1,6%.
Dầu WTI phiên thứ Swaus tăng 23 US cent lên 63,02 USD/thùng; tuy nhiên, tính chung cả tuần giá giảm 2,6%.
"Các nhà giao dịch hiện cho rằng không có khả năng giá dầu thô sẽ tiếp tục tăng trong ngắn hạn do cuộc xung đột thương mại vẫn tiếp diễn giữa những nước tiêu thụ hàng đầu toàn cầu và suy đoán rằng OPEC+ có thể đẩy nhanh việc tăng sản lượng từ tháng 6", nhà phân tích Ole Hansen của Saxo Bank cho biết.
Giá dầu vào đầu tháng này đã giảm xuống mức thấp nhất 4 năm, sau khi thuế quan làm dấy lên mối lo ngại về nhu cầu toàn cầu và hoạt động bán tháo trên thị trường tài chính.
Trong khi nguyc ơ kinh tế yếu đi sẽ xói mòn nhu cầu và nguồn cung có thể tăng, một số thành viên của OPEC+ đã đề xuất nhóm tăng mạnh sản lượng dầu trong tháng 6, là tháng thứ 2 liên tiếp tăng. Việc chấm dứt xung đột tại Ukraine cũng có khả năng làm tăng nguồn cung dầu trên toàn cầu.
• Giá đồng giảm do bất ổn thuế quan và đồng USD tăng
• Quặng sắt ghi nhận tuần tăng giá nhờ nhu cầu của Trung Quốc phục hồi
Giá đồng giảm vào thứ Sáu do đồng USD tăng mạnh và sự không chắc chắn về nhu cầu làm lu mờ tâm lý lạc quan rằng Mỹ và Trung Quốc đang tìm cách hạ nhiệt xung đột thuế quan.
Giá đồng trên sàn London phiên này giảm nhẹ xuống 9.392 USD/tấn. Trước đó, vào đầu tuần, giá đạt 9.481,5 USD/tấn – cao nhất kể từ ngày 3/4/2025 và có tuần tăng.
Trên sàn Thượng Hải, giá đồng giảm 0,3% xuống 77.440 CNY (10.682,66 USD)/tấn. Tồn trữ đồng tại Thượng Hải trong tuần qua giảm 32% so với tuần trước đó.
Hợp đồng đồng kỳ hạn tương lai trên sàn Comex của Mỹ giảm 0,2% xuống còn 4,85 USD/lb, đưa mức chênh lệch giá của sàn Comex so với LME lên 1.289 USD/tấn.
Đồng USD tăng mạnh đã gây sức ép lên thị trường kim loại - vốn trước đó được thúc đẩy bởi các dấu hiệu căng thẳng về thuế quan đang giảm bớt, khiến các mặt hàng có giá bằng USD trở nên đắt hơn đối với người mua sử dụng các loại tiền tệ khác.
Về các kim loại khác, giá nhôm trên sàn LME giảm 0,5% xuống 2.436 USD/tấn, kẽm giảm 1,5% xuống 2.648,50 USD, chì giảm 0,7% xuống 1.945 USD, niken giảm 2% xuống 15.500 USD trong khi thiếc tăng 0,6% lên 31.940 USD.
Trên thị trường kim loại đen, giá quặng sắt trên sàn Đại Liên giảm trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung vẫn tiếp diễn, song tính chung cả tuần tăng nhờ nhu cầu cao trong ngắn hạn tại nước tiêu thụ hàng đầu thế giới tăng mạnh.
Phiên thứ Sáu, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2025 trên sàn Đại Liên giảm 1,87% xuống 709 CNY (97,3 USD)/tấn; tính chung cả tuần, giá tăng 0,35%. Quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2025 trên sàn Singapore giảm 0,85% xuống 98,6 USD/tấn, song có tuần tăng 1,08%.
Công ty môi giới Hexun Futures cho biết, nhu cầu tiêu thụ quặng sắt trong ngắn hạn tăng mạnh do người tiêu dùng thép muốn bổ sung nguồn cung trước kỳ nghỉ lễ Quốc tế Lao động.
Sản lượng kim loại nóng, một chỉ báo quan trọng về nhu cầu quặng sắt, từ đầu tháng 4 đến nay đã tăng 42.300 tấn so với tháng trước lên 2,4435 triệu tấn cho đến nay, tăng 156.300 tấn so với cùng kỳ năm ngoái, công ty môi giới Everbright Futures cho biết. Theo Everbright, lượng quặng sắt tồn kho tại cảng tăng khoảng 1,56% so với tháng trước lên 147,81 triệu tấn.
• Giá đậu tương giảm trong khi ngô và lúa mì tăng
• Giá đường tăng
• Giá cà phê arabica cao nhất 7 tuần
• Giá cao su tại Nhật Bản giảm trong tuần
Giá đậu tương trên sàn Chicago giảm sau nhiều phiên tăng liên tiếp, khi nhiều thương nhân đứng ngoài thị trường và thông tin cho rằng Trung Quốc phủ nhận tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi 2 nước đàm phán thuế quan.
Trên sàn Chicago, giá đậu tương kỳ hạn tháng 7/2025 giảm 2-3/4 US cent xuống 10,59-1/4 USD/bushel, sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 5/2/2025 trong đầu phiên giao dịch. Giá lúa mì kỳ hạn tháng 7/2025 tăng 1/2 US cent lên 5,45 USD/bushel và giá ngô giao cùng kỳ hạn tăng 1-1/2 US cent lên 4,85-1/2 USD/bushel.
Giá đường thô trên sàn ICE tăng 0,26 US cent tương đương 1,5% lên 18,18 US cent/lb; đường trắng trên sàn London tăng 9,5 USD tương đương 1,9% lên 514 USD/tấn.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE tăng lên mức cao nhất 7 tuần, được thúc đẩy bởi các dấu hiệu nhu cầu được cải thiện hơn so với dự kiến.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE tăng 1,05 US cent tương đương 0,3% lên 3,9985 USD/lb – cao nhất 7 tuần; cà phê robusta trên sàn London giảm 12 USD tương đương 0,2% xuống 5.415 USD/tấn.
Thị trường cà phê được hỗ trợ bởi triển vọng sản lượng arabica giảm ở Brazil trong năm nay, trong khi nhu cầu dường như vẫn duy trì mặc dù giá bán lẻ tăng. Nestle cho biết vào thứ Năm rằng việc tăng giá đối với các loại cà phê và ca cao đã được thực hiện với "sự gián đoạn hạn chế đối với khách hàng". Commerzbank cho biết "Việc tăng giá đối với cà phê và ca cao dường như vẫn chưa có tác động đáng kể nào đến nhu cầu".
Giá cao su tại Nhật Bản giảm trong phiên thứ Sáu, tính chung cả tuần giảm tuần thứ 6 liên tiếp do nguồn cung dự kiến tăng.
Giá cao su kỳ hạn tháng 10/2025 trên sàn Osaka (OSE) giảm 0,7 JPY tương đương 0,24% xuống 289,3 JPY (2,02 USD)/kg; tính chung cả tuần giá giảm 0,55%.
Trong khi đó, giá cao su kỳ hạn tháng 9/2025 trên sàn Thượng Hải tăng 120 CNY tương đương 0,82% lên 14.720 CNY (2.020,48 USD)/tấn. Giá cao su kỳ hạn tháng 5/2025 trên sàn Singapore giảm 0,7% xuống 168,1 US cent/kg.
Giá cao su butadiene kỳ hạn tháng 5/2025 trên sàn Thượng Hải tăng 175 CNY tương đương 1,57% lên 11.335 CNY (1.555,85 USD)/tấn.
Trang thông tin tài chính Trung Quốc Tonghuashun Information cho biết hoạt động thu hoạch tại các khu vực sản xuất trong nước đang tăng tốc, dẫn đến sự lạc quan của thị trường về tăng trưởng nguồn cung. Các vụ mùa cao su thường có mùa sản xuất thấp điểm từ tháng 2 đến tháng 5, sau đó là thời kỳ thu hoạch cao điểm kéo dài đến tháng 9.
