Một số kệ thịt tại siêu thị có thể trống vào cuối tuần vì hầu hết các công ty cung cấp chỉ còn hàng trong vài ngày nữa do thiếu nguồn CO2, kéo theo giá thịt heo, thịt gà tăng cao.
Đại diện của Hiệp hội các nhà chế biến thịt của Anh (BMPA) cho biết thiếu CO2 sẽ đặc biệt ảnh hưởng đến thịt heo và thịt gà vì CO2 sử dụng nhiều trong quá trình chế biến. Cụ thể, CO2 dùng để làm choáng váng vật nuôi trước khi giết mổ và trong quá trình đóng gói.
Nguyên nhân của việc thiếu CO2 là do 2 nhà máy sản xuất phân bón ở miền bắc Anh, Cheshire và Teesside, dừng hoạt động tuần trước vì giá khí đốt tăng cao. Các nhà máy phân bón đóng vai trò rất lớn trong quá trình tạo ra CO2 trong khi Cheshire và Teesside chiếm 60% nguồn cung CO2 của nước Anh.
"Nếu không có CO2, các nhà máy không thể xử lý, chế biến được gia súc, gia cầm. Không có cách khác để điều chỉnh sản xuất", đại diện BMPA nói.
Các quan chức ngành thực phẩm cũng cảnh báo các nhà máy chế biến thịt có thể phải ngừng sản xuất từ 1 đến 5 ngày nếu thiếu CO2 tiếp diễn. Người phát ngôn của Hội đồng Gia cầm Anh cho biết nông dân có thể phải tiêu hủy hàng triệu con nếu các lò giết mổ ngừng hoạt động do hậu quả của cuộc khủng hoảng.
CO2 không chỉ được sử dụng để gây choáng động vật, khí này còn được sử dụng trong mảng đóng gói chân không thực phẩm để kéo dài thời hạn sử dụng, cũng như dùng để tạo ga cho bia và nước ngọt.
Ian Wright, Giám đốc Liên đoàn Thực phẩm và Đồ uống (FDF), nhận định thiếu CO2 sẽ gây ra “hậu quả nghiêm trọng đối với chuỗi cung ứng thực phẩm và đồ uống của Anh".
Khủng hoảng CO2 vào năm 2018 gây ra tình trạng thiếu bia trong khi World Cup diễn ra. Hãng bánh khổng lồ Warburtons cũng phải tạm dừng một phần nhỏ sản xuất trong cuộc khủng hoảng này. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, thiếu CO2 hiện tại còn nghiêm trọng hơn nhiều.
Việc thiếu CO2 diễn ra tại thời điểm ngành công nghiệp thực phẩm vốn đang phải đối mặt với tình trạng không đủ lao động, tài xế xe tải để vận hành vì đại dịch Covid-19.

Nguồn: ndh.vn