Liên minh Châu Âu (EU) hiện đang xây dựng một gói biện pháp nhằm hỗ trợ các ngành công nghiệp đang suy yếu, dự kiến công bố vào đầu năm 2025. Điều này diễn ra trong bối cảnh các ngành sản xuất lớn như ô tô và thép cảnh báo về nguy cơ đóng cửa nhà máy và mất hàng nghìn việc làm.
Ông Leonhard Birnbaum, Chủ tịch Eurelectric kiêm CEO tập đoàn E.ON, cho biết các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng ở Châu Âu đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, bao gồm thị trường phân mảnh hơn so với Trung Quốc và khó tiếp cận tín dụng. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng để nhanh chóng giảm bớt áp lực, các nhà hoạch định chính sách nên loại bỏ các chi phí không liên quan trực tiếp đến cơ cấu ngành công nghiệp khỏi giá năng lượng.
“Chúng tôi hiểu rằng các quốc gia luôn cần thêm nguồn thu, nhưng nếu thực sự muốn thúc đẩy điện khí hóa thì không thể áp thuế quá mức đối với điện so với khí đốt,” ông Birnbaum nói trong một cuộc phỏng vấn.
“Nếu chúng ta nghiêm túc về khả năng cạnh tranh chi phí, về điện khí hóa, và về việc giảm phát thải carbon, thì chúng ta cần hành động,” ông cho biết.
Các ngành công nghiệp tại EU hiện phải trả giá điện cao hơn 2-3 lần so với Mỹ. Theo phân tích của tổ chức tư vấn Bruegel, thuế chiếm trung bình 23% giá điện bán lẻ mà các doanh nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng tại Châu Âu phải trả vào năm 2023.
Tuy nhiên, phần lớn các loại thuế này do chính phủ từng quốc gia áp đặt, nằm ngoài tầm kiểm soát của EU. Các cuộc đàm phán giữa các quốc gia thành viên EU về đề xuất điều chỉnh quy định thuế ưu tiên cho các nguồn năng lượng sạch đã bị trì hoãn từ năm 2021.
EU dự kiến công bố kế hoạch về giá năng lượng hợp lý vào đầu năm 2025. Nhưng với những thay đổi về thuế đang bị đình trệ và cuộc cải cách thị trường điện gần đây của EU vẫn đang được các chính phủ quốc gia triển khai, nhiều nhà ngoại giao tỏ ra hoài nghi về khả năng Brussels có thể đưa ra thêm giải pháp hiệu quả.
Một quan chức cấp cao từ một quốc gia EU cho rằng việc cắt giảm thuế sẽ chỉ mang lại lợi ích "hạn chế," và cần có các biện pháp rộng hơn để giúp ngành công nghiệp Châu Âu cạnh tranh với Trung Quốc. Ví dụ, EU có thể áp dụng các quy định yêu cầu các dự án mua sắm công phải ưu tiên sản phẩm sản xuất tại địa phương và thân thiện với môi trường hơn.
“Chúng ta có các công cụ chính sách thương mại, các công cụ chính sách cạnh tranh... Chúng ta cần nhìn vào bối cảnh toàn diện hơn,” quan chức này nhấn mạnh.
Trong khi đó, giá điện bán buôn tại Châu Âu trong tháng 11/2024 đã tăng lên mức cao nhất trong hơn một năm, dù vẫn thấp hơn nhiều so với đỉnh điểm năm 2022, khi cuộc xung đột giữ Nga – Ukraine diễn ra và cắt giảm nguồn cung khí đốt EU.

Nguồn: Vinanet/VITIC/Reuters