Các chỉ số gần đây cho thấy các biện pháp hỗ trợ của Bắc Kinh kể từ tháng 06/2023 đang giúp thúc đẩy quá trình phục hồi tạm thời, mặc dù cuộc khủng hoảng tài sản kéo dài và nhu cầu toàn cầu yếu vẫn tiếp tục cản trở các nhà hoạch định chính sách bước vào năm 2024.
Dữ liệu hải quan hôm thứ Ba (07/11) cho thấy xuất khẩu tháng 10/2023 giảm 6,4% so với một năm trước đó, nhanh hơn mức giảm 6,2% trong tháng 09/2023 và cao hơn mức giảm 3,3% dự kiến trong cuộc thăm dò của Reuters. Trong khi đó, nhập khẩu tăng 3,0%, sau khi giảm 6,2% trong tháng 09/2023 và đảo chiều so với mức giảm dự kiến là 4,8%. Nhập khẩu chấm dứt 11 tháng giảm liên tiếp.
Chu Hảo, chuyên gia kinh tế tại Guotai Junan International, cho biết: “Những con số này trái ngược với kỳ vọng của thị trường. Dữ liệu xuất khẩu giảm có thể ảnh hưởng đến niềm tin của thị trường vì chúng tôi đã kỳ vọng chuỗi cung ứng xuất khẩu sẽ phục hồi”.
“Sự cải thiện đáng kể trong nhập khẩu có thể đến từ nhu cầu trong nước ngày càng tăng, đặc biệt là nhu cầu bổ sung hàng tồn kho.”
Chỉ số thuê tàu hàng khô Baltic Dry - thước đo thương mại toàn cầu hàng đầu, đã chạm mức thấp nhất kể từ tháng 12/2020 vào tháng 10, do tình trạng tắc nghẽn ở các cảng Bắc Mỹ và Châu Âu.
Tuy nhiên, một số dấu hiệu cho thấy thương mại đang ổn định hơn với xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc đã giảm với tốc độ chậm nhất trong 13 tháng vào tháng 10/2023.
Trung Quốc đạt thặng dư thương mại 56,53 tỷ USD trong tháng 10/2023, thấp hơn so với mức thặng dư 82,00 tỷ USD dự kiến và 77,71 tỷ USD trong tháng 09/2023.
Các chuyên gia phân tích cho rằng còn quá sớm để biết liệu những chính sách hỗ trợ gần đây có đủ để thúc đẩy nhu cầu trong nước hay không, khi mà khủng hoảng lĩnh vực tài sản, tình trạng thất nghiệp gia tăng và niềm tin kinh doanh và hộ gia đình yếu kém đang đe dọa sự phục hồi bền vững.
Dữ liệu công bố vào tuần trước cho thấy hoạt động sản xuất của Trung Quốc bất ngờ giảm sút trong tháng 10/2023, gây áp lực thêm lên nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách nhằm khôi phục tăng trưởng kinh tế.

 

Nguồn: Vinanet/VITIC/Reuters