Các nhà đàm phán từ 12 quốc gia đang nỗ lực để thu hẹp dần bất đồng, tiến tới hoàn tất đàm phán khi vòng đàm phán sẽ kết thúc trong vài giờ tới. Các cuộc đàm phán diễn ra hoặc song phương hoặc đa phương ở cả cấp bộ trưởng và cấp đại diện bộ thương mại.

Việt Nam đề xuất nâng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại các định chế tài chính từ 15% lên 20%. Tỷ lệ này là 75% đối với các doanh nghiệp viễn thông, từ mức 65%. Trong ngành bán lẻ, Việt Nam sẽ cho phép nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các công ty kinh doanh bán lẻ với diện dịch sàn dưới 500m2, nhưng phải 5 năm sau khi TPP được ký kết.

Trong khi đó, theo thỏa thuận dự thảo, Malaysia sẽ nới lỏng quy định cho phép nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty kinh doanh chuỗi cửa hàng tiện lợi lên 30%. Hiện 7-Eleven Malaysia Holdings chiếm thị phần lớn nhất trong mảng kinh doanh cửa hàng tiện lợi ở Malaysia với 1.850 cửa hàng.


Ngoài ra, Malaysia cũng được cho là sẽ nới lỏng quy định trong lĩnh vực tài chính, cho phép các ngân hàng từ các nước TPP mở tối đa 16 chi nhánh tại Malaysia. Malaysia hiện khống chế các ngân hàng nước ngoài mở tối đa 8 chi nhánh. Các ngân hàng Canada, Nhật Bản, Singapore và Mỹ hiện hoạt động ở Malaysia sẽ hưởng lợi.

Kể từ năm 2009, dưới sự điều hành của chính phủ  Thủ tướng Najib Razak, Malaysia đã áp dụng các biện pháp tự do hóa lĩnh vực dịch vụ, cho phép tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.

Cả Malaysia và Việt Nam đều không nhất trí với các đề xuất khác trong TPP như cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia đấu thầu cấp dịch vụ cho chính phủ, đưa doanh nghiệp nhà nước vào khu vực tư nhân, thực hiện nghiêm ngặt điều khoản về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực dược phẩm.

Nguồn thạo tin cho biết, Bộ trưởng thương mại Malaysia Mustapa Mohamed sẽ khá bận rộn với chương trình nghị sự đàm phán. Ông Mustapa cam kết sẽ bảo vệ quyền lợi của Malaysia.

Việt Nam cũng đề nghị các đối tác đàm phán linh hoạt mở cửa một số lĩnh vực “nhạy cảm” như ngành dệt may.
Minh Phương
Theo Nikkei