Trong 35 năm qua, quan hệ giữa Việt Nam và Brazil đang ngày càng phát triển tích cực trên tất cả các lĩnh vực và đi vào chiều sau, thực chất hơn; quan hệ chính trị ngày càng gắn bó, tin cậy; quan hệ kinh tế thương mại ngày càng gia tăng và đạt được nhiều thành quả tốt đẹp.
Hiện nay, Brazil là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại Mỹ Latinh và đứng thứ hai tại châu Mỹ, sau Hoa Kỳ. Ở chiều ngược lại, Việt Nam là đối tác hàng đầu của Brazil trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Hợp tác về kinh tế - thương mại đang trở thành nền tảng cho quan hệ lâu dài giữa hai nước. Trong những năm gần đây, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Brazil chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ, phản ánh mối quan hệ đối tác thương mại sâu rộng và đa dạng giữa hai quốc gia. Việt Nam và Brazil đang thúc đẩy đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) với khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur - gồm Brazil, Argentina, Uruguay, Paraguay) nhằm đưa FTA này thành động lực khai thác thị trường xuất khẩu khu vực Mỹ Latinh.
Về đầu tư, theo số liệu từ Bộ Kế hoạch Đầu tư, tính đến tháng 4/2024, Brazil có 7 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt 3,848 tỷ USD. Việt Nam cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư Brazil tiến hành đầu tư thành công, bền vững và lâu dài ở Việt Nam.
Brazil là quốc gia có nền kinh tế phát triển năng động, trong những năm qua, nước này không chỉ tập trung giải quyết vấn đề trong nước mà Chính phủ cũng rất tích cực đẩy mạnh hợp tác với nhiều quốc gia và tổ chức trong khu vực và quốc tế. Hiện nay, Brazil dẫn đầu thế giới về quá trình chuyển đổi năng lượng và các chính sách bảo vệ môi trường bền vững, đây chính là động lực để quốc gia Nam Mỹ tăng cường phát triển ngành sản xuất nông nghiệp. Những thay đổi rõ rệt và tích cực trong năm 2023 của Brazil đã giúp người dân lạc quan và kỳ vọng về sự phục hồi mạnh mẽ của đất nước trong thời gian tới. Trong năm 2024, Brazil chính thức tiếp quản vị trí Chủ tịch luân phiên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) từ Ấn Độ.

Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Brazil trong giai đoạn 2019 – 2023
ĐVT: Triệu USD

     Nguồn: Tổng cục Hải quan

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2023, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Brazil đạt 7,1 tỷ USD, tăng nhẹ 4,83% so với năm 2022; trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 2,4 tỷ USD, tăng 8,97% so với năm 2022; kim ngạch nhập khẩu đạt 4,7 tỷ USD, tăng 2,8%. Trong giai đoạn 2019 – 2023, kim ngạch thương mại song phương có xu hướng tăng trưởng đều đặn qua các năm, việc đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực kinh tế tiềm năng đã đóng góp không nhỏ vào sự hợp tác chung và tăng trưởng kinh tế của mỗi nước. Hai nước phấn đấu sớm đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 10 tỷ USD trong thời gian tới.
Theo Trading Economics, trong quý I/2024, tốc độ tăng trưởng GDP của Brazil tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2023, phục hồi sau mức giảm 0,1% trong quý IV/2023 và phù hợp với kỳ vọng của thị trường. Tỷ lệ lạm phát hàng năm ở Brazil tăng lên mức 3,93% trong tháng 5/2024, tăng từ mức 3,63% trong tháng trước đó và cao hơn kỳ vọng của thị trường là 3,89%, đánh dấu mức tăng giá tiêu dùng đầu tiên của Brazil kể từ hồi tháng 9/2023. Trong năm 2023, cùng với nỗ lực duy trì những thành tựu quan trọng như kiểm soát tốt thị trường, giảm mạnh tỷ lệ thất nghiệp hay tăng lương cho người lao động, Chính phủ Brazil đã không ngừng đẩy mạnh các cơ chế hợp tác đa phương trên nhiều lĩnh vực nhằm nâng cao vị thế quốc gia. Theo Bộ Thương mại Brazil, năm 2023 ghi nhận mức thặng dư thương mại cao kỷ lục của quốc gia này, thành tựu đạt được chủ yếu là nhờ chính sách giảm mạnh nhập khẩu và tăng cường xuất khẩu.

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Brazil trong giai đoạn 2013 – 2023

       Nguồn: Tổng cục Hải quan

Kể từ sau khi nâng cấp quan hệ lên tầm Đối tác toàn diện, tình hình xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Brazil có nhiều khởi sắc, chủ yếu ghi nhận đà tăng qua các năm. Năm 2023 là năm có kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong giai đoạn 2019 – 2023, với trị giá 2,4 tỷ USD, tăng đáng kể 8,97% so với năm 2022; trong khi đó năm 2020 là năm ghi nhận kim ngạch xuất khẩu thấp nhất, với trị giá 1,8 tỷ USD, giảm 14,95% so với năm 2019, chủ yếu là do sự bùng phát của đại dịch Covid - 19.
Việt Nam và Brazil đã và đang nỗ lực thúc đẩy hoạt động hiệu quả của Ủy ban hỗn hợp cấp bộ về lĩnh vực nông nghiệp và lĩnh vực khoa học, công nghệ và Tham vấn Chính trị của Bộ Ngoại giao, đồng thời mở rộng đối thoại, hợp tác giữa các bộ, ngành và doanh nghiệp, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy hợp tác về thương mại, đầu tư, nông nghiệp cũng như giao lưu, hợp tác nhân dân giữa các tổ chức hữu nghị và các địa phương.

Nhóm các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất sang thị trường Brazil trong 5 tháng đầu năm 2024 và tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2023

   Nguồn: Tổng cục Hải quan

Trong tháng 5/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Brazil đạt 236,2 triệu USD, tăng 4,84% so với tháng trước đó nhưng giảm 2,41% so với tháng cùng kỳ năm 2023; tính riêng năm tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này ghi nhận mức tăng nhẹ so với 5 tháng đầu năm 2023 là 1,48%, đạt 1,14 tỷ USD. Trong đó, ba mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch cao nhất là Điện thoại các loại và linh kiện (chiếm tỷ trọng 25,54%); Phương tiện vận tải và phụ tùng (chiếm tỷ trọng 13,51%) và Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (chiếm tỷ trọng 11,86%).
Brazil là một trong những thị trường nhập khẩu mặt hàng máy móc, linh kiện, dệt may, giày dép … quan trọng của Việt Nam tại khu vực Nam Mỹ. Đây là thị trường không khó tính, tương đối mở và thị hiếu người dân rất đa dạng, nhu cầu lớn, đây chính là cơ hội tốt cho hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.
Đối với mặt hàng thủy sản, Việt Nam tiếp tục là nguồn cung cá thịt trắng lớn nhất, trong đó chủ yếu là cá tra cho Brazil. Đầu năm 2024, Brazil chính thức ngừng nhập khẩu các sản phẩm cá rô phi từ Việt Nam kể từ ngày 14/02 cho đến khi có kết luận rà soát rủi ro bệnh do virus TiLV (theo Quyết định số 270 ngày 9/2/2024 của Cơ quan kiểm dịch động thực vật, Bộ Nông nghiệp và Chăn nuôi Brazil MAPA). Quyết định này đang gây ra nhiều thách thức và rào cản cho các sản phẩm cá rô phi xuất khẩu của Việt Nam và tiến tới có thể là sản phẩm thuỷ sản khác tại thị trường Brazil. Do đó, doanh nghiệp cần cẩn trọng hơn về việc lựa chọn con giống cũng như kiểm soát dịch bệnh đối với không chỉ cá rô phi mà còn với cá thịt trắng, trong đó có cá tra.

Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng của Việt Nam sang Brazil trong tháng 5/2024 và 5 tháng đầu năm 2024
   (ĐVT: Nghìn USD/phần trăm)

 Nguồn: Tổng cục Hải quan

Trong tháng 5/2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Brazil đạt 470,6 triệu USD, tăng rất mạnh 105,09% so với tháng cùng kỳ năm 2023; tính riêng trong năm tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này ghi nhận mức tăng là 39,09% so với năm tháng đầu năm 2023, đạt 2,4 tỷ USD. Trong đó, ba mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch cao nhất là Bông các loại (chiếm tỷ trọng 18,80%); Ngô (chiếm tỷ trọng 16,20%) và Quặng và khoáng sản khác (chiếm tỷ trọng 15,21%).
Hiện nay, Việt Nam và Brazil đang đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn coi trọng hợp tác với Brazil bởi hai nước có nhiều tiềm năng bổ sung cho nhau, hợp tác cùng phát triển. Trong khi đó, nhu cầu hợp tác của doanh nghiệp hai nước là rất lớn, với mong muốn trao đổi nhiều sản phẩm giá tốt, chất lượng cao. Việt Nam có nhiều sản phẩm xuất khẩu tiềm năng sang Brazil như gạo, trái cây, ngược lại, doanh nghiệp Brazil lại quan tâm đến việc xuất khẩu các loại thịt sang Việt Nam như thịt bò... Ngoài ra, một số nhà máy sản xuất tại Việt Nam đã và đang liên hệ, tìm kiếm nguồn cung cà phê từ doanh nghiệp Brazil, đây là những dư địa mà hai bên có thể đẩy mạnh hợp tác với nhau.
Tuy nhiên, mối quan hệ thương mại giữa hai nước vẫn đối mặt với nhiều thách thức, trong đó khoảng cách địa lý xa xôi gây ra những khó khăn trong vận chuyển hàng hóa và tăng chi phí giao dịch thương mại. Sự khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa cũng gây cản trở trong giao tiếp và hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước. Ngoài ra, doanh nghiệp từ cả hai quốc gia đều chưa có đầy đủ thông tin về thị trường của nhau.

Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng của Việt Nam từ Brazil trong tháng 5/2024 và 5 tháng đầu năm 2024
(ĐVT: Nghìn USD/phần trăm)

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Trong những năm qua, công tác kết nối, xúc tiến thương mại vào thị trường Brazil luôn được các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp chú trọng:
Tháng 9/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có chuyến thăm chính thức Cộng hòa Liên bang Brazil. Tại cuộc hội đàm với Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, hai bên đã nhất trí đẩy mạnh quan hệ, hợp tác trên tất cả các lĩnh vực. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Brazil – Việt Nam Márcio Honaiser và các nghị sĩ thành viên. Thủ tướng đề nghị các nghị sĩ và Hạ viện, Thượng viện Brazil ủng hộ, thúc đẩy tiến trình đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại giữa Việt Nam – Brazil, giữa Việt Nam với Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), giữa Brazil với Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) và giữa MERCOSUR với ASEAN; cũng như Hiệp định bảo hộ đầu tư, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần… nhằm mở rộng quan hệ kinh tế, đầu tư, thương mại giữa các bên. Cùng với đó, hai bên cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, du lịch, thể thao…; tạo điều kiện và ủng hộ công dân Việt Nam tới làm ăn, sinh sống, học tập tại Brazil.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva có cuộc gặp gỡ, trao đổi với báo chí - Ảnh: VGP/Nhật Bắc - Báo Điện tử Chính phủ
Tháng 3/2024, trong chuyến thăm Việt Nam của Thứ trưởng, Bộ Nông nghiệp và Chăn nuôi Brazil, Ông Roberto Serroni Perosa và đoàn doanh nghiệp Brazil từ ngày 21-22/3, Đại sứ quán Brazil tại Việt Nam đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Chăn nuôi Brazil; Bộ Phát triển, Công nghiệp, Thương mại và Dịch vụ Brazil; Cơ quan xúc tiến thương mại Brazil tổ chức “Hội thảo Thương mại Việt Nam – Brazil”. Hội thảo là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam gặp gỡ các doanh nghiệp Brazil trong các lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm, đồ uống, hoa quả, nước hoa quả; Chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi; Máy móc thiết bị, phân bón, công nghệ sinh học; Da giầy; Thời trang; Nội thất và Vật liệu xây dựng; Giáo dục, Chăm sóc sức khỏe và thiết bị y tế v…v. qua đó tìm kiếm khả năng mở rộng hợp tác kinh doanh với các công ty Brazil.
Để ổn định và bền vững trong xuất khẩu sang thị trường Brazil, Thương vụ Việt Nam tại Brazil khuyến nghị, các doanh nghiệp, hiệp hội cần đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm và cạnh tranh về giá.
Doanh nghiệp cần tăng cường hiện diện trực tiếp tại thị trường này. Phối hợp với Bộ Công Thương tham gia các chương trình xúc tiến trực tiếp, các chiến dịch quảng bá, giới thiệu sản phẩm cũng như tăng cường tham gia các hội chợ, triển lãm, hội nghị xúc tiến và hội nghị doanh nghiệp,… tại Brazil và các nước kiêm nhiệm, nhất là Peru, Bolivia. Kết nối trực tiếp, giới thiệu hàng hóa thực với khách hàng.
Kết hợp quảng bá các sản phẩm hàng hóa, đất nước con người Việt trên các kênh truyền thông ở nước sở tại, các trung tâm thương mại, các nơi tổ chức các sự kiện kinh tế, văn hóa, thương mại, đầu tư tại các bang, các thành phố lớn.
Hợp tác, kết nối với các hiệp hội, Liên đoàn các bang và các thành phố để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, hàng hóa hai bên.
Bên cạnh đó, cần cải thiện vấn đề logistics, giảm chi phí vận chuyển, hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, cạnh tranh thắng với các đối thủ xuất khẩu của Việt Nam.
Bộ Công Thương cần đề nghị Chính phủ đẩy mạnh phát triển logistics, nâng cao năng lực logistics Việt Nam, giúp doanh nghiệp thuận lợi trong xuất khẩu. Vì những hạn chế của logistics ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả và thời gian giao nhận hàng, làm giảm sức cạnh tranh với các đối thủ xuất khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippine, Singapore.
Đề xuất Chính phủ có chủ trương mở đường bay kết nối với Sao Paulo, Brazil nhằm tạo thuận lợi cho thúc đẩy thương mại, vì đây là cửa ngõ giao dịch lớn nhất của khu vực Nam Mỹ.
Việt Nam và Brazil cần tiếp tục tăng cường hợp tác hơn nữa bởi tiềm năng của hai nước còn rất lớn. Hai quốc gia đều có dân số đông, là hai thị trường tiêu thụ lớn các mặt hàng nông lâm thủy sản. Việc đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng sẽ đóng góp lớn vào tăng trưởng kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước trong thời gian tới.

Xem chi tiết tại đây

Nguồn: VITIC tổng hợp