Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là nhóm hàng có kim ngạch lớn nhất với  kết quả ước đạt là 42,5 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm trước (theo kế hoạch, ngày 10/1/2019, Tổng cục Hải quan công bố thông tin sơ bộ về hoạt động XNK năm 2018).

Các thị trường cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam (cập nhật của Tổng cục Hải quan theo thị trường là các quốc gia và vùng lãnh thổ hết tháng 11/2018) là Hàn Quốc với kim ngạch 15,91 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 41,2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước.

Các vị trí tiếp theo là Trung Quốc với 7,07 tỷ USD, tăng 10%; Nhật Bản với 3,76 tỷ USD, tăng 34,2%...

Nhóm hàng nhập khẩu có kim ngạch lớn thứ 2 là máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng với  kết quả ước đạt 33,72 tỷ USD. Đây là một trong hai nhóm hàng trong top 4 mặt hàng nhập khẩu “chục tỷ USD” bị sụt giảm kim ngạch so với năm 2017, cùng với điện thoại và linh kiện.

Cụ thể, kết quả nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng năm 2018 ước giảm 0,5% so với năm 2017.

Trị giá nhập khẩu của nhóm hàng này lớn nhất từ thị trường Trung Quốc đạt 10,92 tỷ USD, tăng 9,5%; từ Hàn Quốc đạt 5,6 tỷ USD, giảm 30,5% và từ Nhật Bản đạt 4,05 tỷ USD, tăng nhẹ 4%...

Điện thoại các loại và linh kiện có kim ngạch lớn thứ ba với kết quả ước đạt 16,01 tỷ USD, giảm 2,6% so với năm trước.

Hàn Quốc và Trung Quốc vẫn là 2 thị trường chính cung cấp điện thoại các loại và linh kiện cho Việt Nam với trị giá chiếm 93,2%. Trong đó, Trung Quốc là 7,82 tỷ USD, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc là 5,61 tỷ USD, tăng nhẹ 0,4%.

Mặt hàng vải với kim ngạch ước đạt 12,91 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm 2017 là nhóm hàng nhập khẩu “chục tỷ USD” thứ 4 của năm ngoái.

Các thị trường nhập khẩu chủ yếu là: Trung Quốc đạt 6,506 tỷ USD, tăng 19,6%; Hàn Quốc đạt 1,97 tỷ USD, tăng 6,5%; thị trường Đài Loan đạt 1,492 tỷ USD, tăng nhẹ 2,7%…

Nguồn: Baohaiquan.vn