Đồng bạc xanh đã tăng trở lại trên 145 yên đổi 1 USD và gần đây giao dịch ở mức 145,12 yên đổi 1 USD, đảo ngược phần nào đà giảm mạnh so với đồng tiền Nhật Bản vào cuối tuần trước, khi người ta đặt cược rằng chính sách lãi suất cực thấp của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản có thể sắp kết thúc.
Đồng bảng Anh giảm 0,02% xuống 1,2545 USD và giao dịch gần mức thấp nhất trong hai tuần của ngày thứ Sáu (08/12) là 1,2504 USD.
Dữ liệu hôm thứ Sáu (08/11) cho thấy tăng trưởng việc làm của Mỹ tăng nhanh trong tháng 11 trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,7%, nhấn mạnh khả năng phục hồi của thị trường lao động ở nền kinh tế lớn nhất thế giới và thách thức kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất của Fed vào đầu năm tới.
Joseph Capurso, người đứng đầu bộ phận kinh tế quốc tế và bền vững tại Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia (CBA), cho biết: “Tiền lương vẫn tăng quá nóng và tỷ lệ thất nghiệp giảm - đó thực sự là một bất ngờ lớn.”
Những số liệu này khiến các nhà giao dịch đẩy lùi kỳ vọng về việc Fed có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất sớm, với nhiều người hiện nghiêng về khả năng Fed cắt giảm lãi suất từ tháng 05/2024 thay vì tháng 03/2024.
Đồng euro tăng 0,06% lên 1,0767 USD nhưng đứng không quá xa mức thấp nhất trong hơn ba tuần của thứ Sáu (08/11) là 1,07235 USD. Trong khi đó, chỉ số USD ổn định ở mức 103,95. Chỉ số này đã tăng hơn 0,7% trong tuần trước, đảo ngược xu hướng giảm ba tuần.
Trọng tâm thị trường hiện chuyển sang cuộc họp chính sách của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) vào cuối tuần này và dữ liệu lạm phát của Mỹ trước đó, trong đó kỳ vọng giá tiêu dùng sẽ tiếp tục giảm.
Capurso của CBA cho biết: “Yếu tố ảnh hưởng lớn đến đồng USD trong tuần này sẽ là cuộc họp của FOMC, đặc biệt là những bình luận của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại cuộc họp báo của ông ấy”.
"Nếu ông ấy vẫn giữ quan điểm diều hâu, tôi nghĩ thị trường có thể sẽ chỉ phản ứng nhẹ và đồng USD vẫn ổn định. Nhưng nếu ông ấy thay đổi quan điểm sang ôn hòa, thì tôi nghĩ đồng USD và lợi suất trái phiếu sẽ giảm."
Tại châu Á, dữ liệu cuối tuần qua cho thấy giá tiêu dùng của Trung Quốc giảm với tốc độ nhanh nhất trong ba năm trong tháng 11 trong khi giá bán tại nhà máy tiếp tục giảm sâu hơn, cho thấy áp lực giảm phát ngày càng gia tăng do nhu cầu trong nước yếu gây nghi ngờ về sự phục hồi kinh tế của đất nước.
Đồng nhân dân tệ trong giao dịch ở nước ngoài suy yếu xuống gần mức thấp nhất trong ba tuần và cuối cùng đứng ở mức 7,1842 nhân dân tệ đổi 1 USD.
Alvin Tan, người đứng đầu bộ phận chiến lược FX Châu Á tại RBC Capital Markets cho biết: “Điều quan trọng cần lưu ý là yếu tố thúc đẩy chính đối với lạm phát chung của Trung Quốc vẫn là giá lương thực. Tuy nhiên, việc nền kinh tế thiếu sự phục hồi mạnh mẽ cho thấy lạm phát yếu sẽ tiếp tục tồn tại và thực sự cần thêm hỗ trợ chính sách”.
Những con số mới nhất bổ sung vào dữ liệu thương mại hỗn hợp gần đây và kết quả các cuộc khảo sát lĩnh vực sản xuất tiếp tục kêu gọi chính phủ Trung Quốc cần tăng cường hỗ trợ chính sách hơn nữa để thúc đẩy tăng trưởng.
Đồng AUD, thường được sử dụng làm đại diện thanh khoản cho đồng nhân dân tệ, ít thay đổi ở mức 0,6577 USD. Trong khi đó, đồng NZD gần đây tăng 0,11% ở mức 0,6128 USD.