Sáng 21/3, yen giảm xuống 119,3 JPY/USD, sát mức thấp nhất 6 năm chạm tới hôm thứ Sáu (18/3). Tuần qua, yen đã giảm 1,6% so với USD.
Các nhà phân tích của CBA cho rằng tốc độ giảm giá của đồng yen trong tuần này sẽ chậm lại, song yen sẽ chưa dừng giảm trong những tháng tới do khoảng cách lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ ngày càng nới rộng.
Steven Englander, người phụ trách mảng chiến lược ngoại hối toàn cầu của Standard Chartered và cũng là một nhà theo dõi thị trường tiền tệ lâu năm, cho rằng đồng yên sẽ tạm dừng giảm giá. Nhưng ông cũng lưu ý rằng bất kỳ thời gian tạm dừng giảm giá nào của đồng yen cũng sẽ diễn ra nhanh chóng, vì các động lực chính tạo nên giá trị của đồng tiền - chênh lệch lãi suất, sức hấp dẫn trú ẩn an toàn và tăng trưởng kinh tế cơ bản - đang chống lại đồng yên.
"Động lực lạm phát của Nhật Bản rất khác so với diễn biến của các nền kinh tế lớn khác mà chúng tôi theo dõi. Do đó, thời điểm Ngân hàng Trung ương Nhật Bản rút khỏi chính sách tiền tệ cực kỳ nới lỏng theo quan điểm của chúng tôi sẽ còn rất lâu nữa mới tới".
Ngược lại, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tuần qua đã tăng lãi suất cơ bản lên 25 điểm - lần tăng đầu tiên kể từ đại dịch.
Các nhà giao dịch hiện đang tập trung theo dõi tốc độ và quy mô các đợt tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn, nhất là Fed, trong bối cảnh các nhà hoạch định chính đang sách cố gắng kiềm chế lạm phát tăng vọt.
Đồng yên sáng 21/3 cũng giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm so với đô la Australia – đồng tiền được hưởng lợi bởi giá hàng hóa tăng.
Đồng yen đã mất 2,5% giá trị so với đồng đô la trong vòng chưa đầy ba tuần, giữa bối cảnh căng thẳng địa chính trị. Các chuyên gia đánh giá việc đồng yen giảm giá rộng rãi so với hầu hết các tiền tệ khác trong giai đoạn hiện nay hiếm khi xảy ra và thực sự khác với những lần trước.
Trong những lần khủng hoảng trước đây, các thị trường tài chính hoảng loạn, nhà đầu tư ồ ạt tìm đến “nơi trú ẩn an toàn” là đồng yen Nhật. Tuy nhiên, kể từ khi xảy ra xung đột Nga – Ukraine, thị trường toàn cầu trở nên hỗn loạn – theo lý thuyết thì nhu cầu mua yen sẽ tăng mạnh, nhưng đồng yen đã liên tiếp sụt giảm so với USD.
Các yếu tố thường hậu thuẫn yen tăng giá trong những thời điểm thị trường toàn cầu biến động - lãi suất và giá hàng hóa giảm trong bối cảnh thặng Nhật Bản có thặng dư tài khoản vãng lai đáng kể - không diễn ra vào lúc này, thậm chí những yếu tố đó đang hoạt động ngược lại: lãi suất toàn cầu tăng lên, dẫn đầu bởi kỳ vọng ở ngân hàng trung ương Mỹ (Fed); giá năng lượng và hàng hóa tăng vọt; và thặng dư tài khoản vãng lai của Nhật Bản rất ít và đang giảm nhanh.
Các nhà phân tích tiền tệ của HSBC cho biết họ đã không lường trước được tình huống này và đã đánh giá thấp bản chất của cú sốc thị trường sau vụ Nga thực hiện chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24 tháng 2. Thay vì "tâm lý lo sợ rủi ro điển hình" thúc đẩy các loại tiền tệ như đồng yên tăng thì "tiền tệ của hầu hết các nhà xuất khẩu hàng hóa đã hoạt động tốt trái ngược với các loại tiền tệ của các nhà nhập khẩu rong hàng hóa". Nhật Bản là một nền kinh tế lớn phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu năng lượng.
Hầu hết nhu cầu năng lượng chính của Nhật Bản được đáp ứng bằng dầu thô, hơn 90% trong số đó đến từ Trung Đông. Nhật Bản cũng là một trong những nhà nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 1/4 tổng năng lượng của nước này. Trong khi đó, giá dầu Brent đã tăng mạnh lên 140 USD/thùng vào đầu tháng này, từ mức khoảng 90 USD trước khi xảy ra xung đột Nga – Ukraine. Mặc dù sau đó đã giảm trở lại khoảng 100 USD/thùng, song vẫn đang biến động rất mạnh. Giá LNG giao ngay tại Châu Á đã tăng gần 20 lần so với mức trước đại dịch. Nhật Bản cũng là nước nhập khẩu LNG hàng đầu thế giới. Đó là lý do khiến chi phí nhập khẩu của Nhật Bản tăng mạnh, dẫn tới thặng dư tài khoản vãng lai của Nhật Bản cao kéo dài trong suốt nhiều thập kỷ qua - do đồng yên tăng giá – có thể sắp chuyển thành thâm hụt.
Alan Ruskin, chiến lược gia về kinh tế vĩ mô của Deutsche Bank, đã theo dõi thị trường ngoại hối toàn cầu trong suốt 40 năm. Ông cho biết cuộc khủng hoảng của đồng yen hiện nay rất bất thường.
Theo ông Ruskin, hầu hết các cú sốc tài chính lớn trong thời gian đó - Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất vào năm 1990, sự vỡ nợ và gần như sụp đổ của quỹ đầu cơ LTCM của Nga vào năm 1998, cuộc Đại khủng hoảng tài chính 2007-09, đại dịch COVID-19 vào năm 2020 - đã kích hoạt các đợt đồng yen tăng giá mạnh mẽ, khi nhà đầu tư tìm tới những nơi trú ẩn an toàn. Đó là bởi các nhà đầu tư trong nước đột ngột chuyển một số khoản nắm giữ ở nước ngoài mà họ đã tích lũy trong thời gian thị trường ổn định về nước, nhờ Nhật Bản có thặng dư tài khoản vãng lai khổng lồ. Việc Nhật Bản là một trong những nhà đầu tư lớn nhất thế giới là một động lực mạnh mẽ tạo nên vị thế đó.
Trong quá khứ, đồng yen tăng mạnh mẽ nhất là vào tháng 10 năm 1998, sau khi Nga khiến cả thế giới choáng váng vào tháng 8 năm đó với sự kiện vỡ nợ trong nước - đã dẫn đến sự kiện quỹ đầu tư của Mỹ Long-Term Capital Management gần như sụp đổ một tháng sua đó. Đồng yên đã tăng vọt 7% so với đồng đô la vào ngày 7 tháng 10/1998 và tăng 16% trong tuần đó, cả hai đều là những kỷ lục lịch sử.
Hiện tại, Nga một lần nữa lại đang trên bờ vực vỡ nợ khi các nghĩa vụ thanh toán trái phiếu nước ngoài đến hạn. Tuy nhiên, vai trò “nơi trú ẩn an toàn” của đồng yên lần này đã không được phát huy.
Những đợt thị trường hoặc địa chính trị căng thẳng trước đây thường liên quan đến chênh lệch lãi suất theo hướng có lợi cho đồng yên, do lợi suất của Mỹ giảm nhanh hơn của Nhật Bản. Nhưng lần này thì khác. Cuộc khủng hoảng hiện nay đã đẩy nhanh đà tăng gần đây của lợi tức trái phiếu Mỹ. Các thị trường dự đoán Fed sẽ hành động cứng rắn khi lạm phát của nước này đã lên tới mức cao nhất trong 40 năm, khoảng 8%, và có khả năng tăng hơn nữa trong năm nay và năm tới.