Do dịch bệnh, tất cả quán cà-phê và nhà hàng ở Pháp tiếp tục đóng cửa trong tháng năm. Ảnh: Le Parisien - Reuters.
Trong cuộc trả lời phóng vấn trên kênh truyền hình BFM, Bộ trưởng Muriel Pénicaud cho rằng số người thất nghiệp ở Pháp dù tạm thời nhưng đã ở mức quá cao. Cụ thể là 1/2 lực lượng lao động của khu vực tư nhân đang thất nghiệp còn đối với doanh nghiệp là 6/10, tương đương 820 nghìn doanh nghiệp. Chính phủ Pháp đã cam kết dành nhiều tỷ euro để giúp người thất nghiệp tạm thời hưởng 84% lương để tránh nguy cơ sa thải hàng loạt. Tuy nhiên, tình trạng bệnh dịch còn diễn biến phức tạp và hiện chưa thể xác định thời hạn có thể khôi phục hoạt động trên các lĩnh vực để việc làm trở lại với người lao động.
Bộ trưởng Muriel Pénicaud nhận định rằng ngân sách Nhà nước đang phải "hoạt động" hết công suất để ứng phó tình trạng thất nghiệp ngày càng nghiêm trọng. Tình hình sắp tới sẽ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng cũng như tốc độ hồi phục của nền kinh tế sau khi dỡ bỏ lệnh phong tỏa. Chính phủ Pháp đã tăng gói cứu trợ kinh tế lên tới 110 tỷ euro, đồng thời mở rộng chương trình thất nghiệp cho cả những người trông trẻ hoặc dọn dẹp nhà hiện không có việc.
Hiện nay thanh niên từ 18-25 tuổi ở Pháp cũng như nhiều nước châu Âu khác là những đối tượng bị ảnh hưởng đầu tiên do lệnh phong tỏa, rồi cả suy thoái kinh tế. Họ là nhóm lao động chiếm tỷ lệ lớn trong lĩnh vực dịch vụ như nhà hàng, khu thương mại, trung tâm vui chơi giải trí... tiếp tục đóng cửa trong nhiều tuần tới. Cuộc khủng hoảng năm 2008 tác động chủ yếu đến giới tài chính, còn lần này ảnh hưởng nặng nề đến những người lao động ở độ tuổi còn trẻ trong ngành dịch vụ.
Sinh viên sắp ra trường ở Pháp cũng sẽ chịu tác động tiêu cực vì khó có thể tìm được việc trong giai đoạn tồi tệ của nền kinh tế. Các doanh nghiệp sẽ phải thực hiện hàng loạt giải pháp để tồn tại trong đó có việc giảm bớt nhân lực, không gia hạn hợp đồng ngắn hạn.
Theo thống kê do Bộ Y tế Pháp công bố tối 22-4, có thêm 544 trường hợp tử vong ở bệnh viện cũng như nhà dưỡng lão và cơ sở y tế - xã hội, nâng tổng số lên 21.340. Số người nhập viện và bệnh nhân nặng tiếp tục đà giảm ở mức thấp. Số người nhập viện vẫn ở mức cao, hơn 1.600 người sau 24 giờ và tổng số người đã phải vào viện kể từ khi có dịch là gần 85 nghìn. Đây là mức độ vô cùng lớn đối với các bệnh viện ở Pháp chỉ trong một thời gian ngắn.
Cũng trong ngày 22-4, Viện Paul-Ehrlich, tổ chức nghiên cứu và là cơ quan quản lý y tế thuộc Bộ Y tế Đức cho biết việc tiến hành thử nghiệm lâm sàng lần đầu tiên với vaccine ngừa virus corona chủng mới đã được chấp thuận. Theo đó, tập đoàn BioNTech của Đức và hãng dược Pfizer của Mỹ sẽ được phép thử nghiệm một vaccine, do họ cùng phát triển, trên 200 người tình nguyện có sức khỏe tốt từ 18-55 tuổi.
Đại diện tập đoàn BioNTech cho biết, trong giai đoạn tiếp theo, họ sẽ thử nghiệm vaccine đối với các nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Hiện vẫn chưa rõ thời gian tiến hành thử nghiệm này. Có hàng chục dự án phát triển vắc-xin đang diễn ra nhưng đây là thử nghiệm thứ 4 được cấp phép trên thế giới.
Theo Chủ tịch Viện Paul-Ehrlich, sẽ có một số thử nghiệm lâm sàng vaccine khác ở Đức trong những tháng tới nhưng chưa thể biết được liệu có loại vaccine nào được cấp phép sản xuất đại trà kịp trong năm nay. Về biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm, tất cả các bang ở Đức cũng đã thông qua quy định đeo khẩu trang bắt buộc khi sử dụng phương tiện công cộng.