Tín hiệu tích cực cho đàm phán thương mại Mỹ - Trung
Trung Quốc đang tăng cường mua các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ, qua đó mang lại một tín hiệu tích cực cho các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra giữa hai nước.
Theo đó bông và đậu nành là hai mặt hàng được mua với số lượng lớn. Cụ thể, theo số liệu thống kê chính thức mới được Washington công bố, đã có khoảng 178.000 kiện bông Mỹ (1 kiện bông Mỹ nặng 226,8 kg) được bán sang Trung Quốc trong tuần qua. Đây là mức bán theo tuần cao thứ hai trong vòng hai năm qua. Cũng vào cùng giai đoạn, Trung Quốc đã mua 1,7 triệu tấn đậu tương từ Mỹ. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã quay trở lại thị trường đậu nành Mỹ. Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Sonny Perdue hồi tháng 2/2019 cũng cho biết Trung Quốc đã cam kết mua thêm 10 tấn đậu tương từ nước này.
EU: WTO là nơi tốt nhất để giải quyết các tranh chấp thương mại
EU tin rằng WTO là nơi tốt nhất để giải quyết các tranh chấp thương mại, song cơ quan này cần được cải tổ để giải quyết những vấn đề liên quan tới Mỹ cũng như các mối quan tâm riêng của họ.
Một thông báo chung do các Bộ trưởng Tài chính thuộc Liên minh châu Âu (EU) công bố ngày 6/4 đã kêu gọi các nhà lãnh đạo tài chính từ 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới cùng hợp tác giải quyết “nguyên nhân gốc rễ” của căng thẳng thương mại toàn cầu vốn được cho là yếu tố đang đe dọa tăng trưởng kinh tế thế giới. Các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ gặp nhau tại Washington, Mỹ, vào ngày 11-12/4 tới đây để thảo luận về những thách thức chính đối với nền kinh tế thế giới.
8 tổ chức thương mại Mỹ hối thúc Chính phủ không áp thuế nhập khẩu ô tô
Tám tổ chức thương mại Mỹ đã gửi thư lên Tổng thống Donald Trump trong đó hối thúc ông không áp đặt các mức thuế nhập khẩu đối với ô tô và phụ tùng ô tô, vì lo ngại việc áp thuế này sẽ tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng cho kinh tế Mỹ cũng như ngành ô tô nước này. Trong thư, họ nhấn mạnh việc áp đặt các mức thuế lên đến 25% đối với ô tô và phụ tùng ô tô nhập khẩu “sẽ làm triệt tiêu đà tăng trưởng trong ngành chế tạo Mỹ cũng như trong lĩnh vực việc làm và đầu tư”.
Tám tổ chức thương mại ký vào lá thư trên bao gồm: Hiệp hội ô tô buýt Mỹ, Hiệp hội cho thuê Mỹ, Liên doanh các nhà phân phối thiết bị, Hiệp hội các nhà chế tạo thiết bị, Hiệp hội các nhà chế tạo hạng nặng, Hiệp hội các nhà chế tạo hàng hải quốc gia, Hội đồng các ngành tái chế tạo và Hiệp hội các nhà chế tạo xe tải và động cơ.
Siết quy định về thuốc lá tại nhiều bang ở Mỹ
Ngày 5/4, Thống đốc bang Washington, ông Jay Inslee, đã ký ban hành luật tăng độ tuổi được phép hút thuốc ở địa phương nay lên 21 tuổi. Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Theo quy định hiện hành của bang Washington, thanh niên dưới 18 tuổi không được phép hút thuốc lá.
Vòng đàm phán thương mại Mỹ - Trung kết thúc với nhiều tiến triển
Ngày 5/4, các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc đã kết thúc vòng đàm phán mới nhất sau 3 ngày làm việc tại thủ đô Washington.
Hai bên dự kiến sẽ tiếp tục đàm phán để giải quyết những vấn đề tồn đọng nhằm chấm dứt chiến tranh thương mại kéo dài suốt 9 tháng qua.
Trong tuyên bố đưa ra ngày 5/4, Nhà Trắng cho biết "vẫn còn những việc quan trọng" phải đàm phán và giới chức hữu quan cũng như các thành viên phái đoàn đàm phán hai bên sẽ tiếp tục liên hệ với nhau để giải quyết những vấn đề tồn đọng.
Mỹ áp đặt trừng phạt với 34 tàu vận tải dầu của Venezuela
Văn phòng Quản lý Tài sản Nước ngoài (OFAC) thuộc Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 34 tàu vận tải biển thuộc tập đoàn dầu khí quốc gia PDVSA của Venezuela.
Các biện pháp trừng phạt này bao gồm đóng băng các tài khoản ngân hàng nằm trong quyền hạn tư pháp Mỹ và cấm các cá nhân và tổ chức Mỹ giao dịch tài chính với các thực thể này.
Hội đồng châu Âu: Anh có thể rời khỏi EU vào 1/7
Đề xuất của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk về gia hạn Brexit 12 tháng có thể cho phép Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 1/7 trong trường hợp Quốc hội nước này thông qua thỏa thuận "ly hôn".
Dự kiến, các nhà lãnh đạo EU sẽ nhóm họp nhằm bàn về tiến trình Brexi vào ngày 10/4 tới.
Những nội dung nào sẽ được thảo luận tại Hội nghị G7?
Ngày 5/4, Ngoại trưởng Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Mỹ - sẽ khai mạc hội nghị 2 ngày tại khu nghỉ dưỡng Dinard của Pháp bên bờ Đại Tây Dương.
Dự kiến, hội nghị sẽ tập trung vào phi hạt nhân hóa Triều Tiên và các tham vọng toàn cầu của Trung Quốc, bên cạnh tình hình tại Venezuela, Iran cũng như sự phát triển của châu Phi và vai trò của phụ nữ trong các tiến trình hòa bình và giải quyết xung đột.
WB: Venezuela đang trải qua khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử
WB dự báo GDP của Venezuela sẽ tăng trưởng âm 25% trong năm 2019 sau khi giảm 17% vào năm ngoái và giảm 60% kể từ năm 2013.
Trong một thông báo gửi tới HĐBA LHQ, phái đoàn đại diện của Mỹ tại LHQ đề nghị hội đồng nhóm họp công khai để Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres hoặc đại diện của ông thông báo vắn tắt về tình hình Venezuela. Cuộc họp dự kiến diễn ra vào ngày 10/4 tới trong bối cảnh những tác động của cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế tại Venezuela đối với các gia đình và trẻ em đang gia tăng ở mức báo động.
Diễn đàn châu Á Bác Ngao thúc đẩy nhất thể hóa kinh tế khu vực
Với chủ đề “Chung vận mệnh, cùng hành động, cùng phát triển”, Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2019 diễn ra tại thị trấn Bác Ngao, tỉnh Hải Nam, miền Nam Trung Quốc từ 26-29/3 tập trung xoay quanh 5 nội dung chính gồm: Kinh tế thế giới mang tính mở; Chủ nghĩa đa phương, hợp tác khu vực và quản trị thế giới; Động lực của sáng tạo; Phát triển chất lượng cao và Tuyến đầu của điểm nóng. Xoay quanh các nội dung này có hơn 60 hoạt động như đối thoại, hội nghị bàn tròn, đối thoại với các giám đốc điều hành (CEO).
Tổng thống Trump tiết lộ câu nói quan trọng với Chủ tịch Kim tại Hà Nội
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa tiết lộ câu nói của ông với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un trước khi hai bên dừng đột ngột Hội nghị Thượng đỉnh hồi tháng 2 tại Hà Nội.
Theo hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap, tại sự kiện nhằm gây quỹ cho các ứng cử viên của đảng tại Hạ viện, ông Trump kể về Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2: “Chúng tôi đã đi dạo. Ông ấy chưa sẵn sàng cho một thỏa thuận. Điều đó không sao, bởi vì chúng tôi đã rất hòa hợp”. “Tôi nói với Chủ tịch Kim rằng 'ông chưa sẵn sàng cho một thỏa thuận nhưng chúng ta sẽ đi đến một thỏa thuận. Chúng ta có mối quan hệ tốt đẹp'. Đó là lần đầu tiên một người nói với ông ấy như vậy và bỏ đi. Chưa từng xảy ra với ông ấy trước đây”, Tổng thống Trump cho hay.
Nga chi 540 triệu USD cho Dự án "Thành phố thông minh"
Nga có thể sẽ chi 35 tỷ ruble (khoảng 540 triệu USD) từ nguồn ngân sách liên bang cho dự án số hóa thuộc khuôn khổ Dự án quốc gia “Thành phố thông minh”. Khoản chi này tương đương gần 15% tổng kinh phí đầu tư 238,7 tỷ ruble của Dự án “Thành phố thông minh” được Nga khởi động từ năm 2018. Đối tượng của dự án này là các thành phố có trên 100.000 dân. Dự án nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các thành phố, xây dựng hệ thống quản lý hiệu quả, tạo điều kiện an toàn và thuận lợi cho đời sống người dân.
Dự án được thực hiện dựa trên 5 nguyên tắc then chốt: Định hướng tới con người; Tính chất thiết kế cho sản xuất của hạ tầng thành phố; Chất lượng quản lý tài nguyên cao; Môi trường thuận tiện và an toàn; Trọng tâm vào hiệu quả kinh tế.
Báo Singapore ca ngợi Việt Nam sử dụng lá chuối để gói rau
Trang mạng Straitstimes của Singapore ngày 3/4 đã đăng bài báo ca ngợi một số siêu thị Việt Nam tích cực bảo vệ môi trường thông qua việc sử dụng các sản phẩm không làm từ nhựa để bọc, gói rau.
Theo Straitstimes, 3 chuỗi siêu thị lớn nhất ở Việt Nam hiện nay gồm Lotte Mart, Saigon Co-op ở Thành phố Hồ Chí Minh và Big C ở Hà Nội đã bắt đầu sử dụng lá chuối thay cho túi nilông để bọc, gói rau bán cho khách hàng.
Straitstimes khẳng định đây là một phần trong nỗ lực mà các siêu thị này thực hiện nhằm bảo vệ môi trường, đặc biệt là hạn chế rác thải nhựa, theo đó, sẽ chuyển việc sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường không chỉ đối với rau củ mà còn với thịt tươi sống.
UBS: Kinh tế Trung Quốc năm 2019 sẽ tăng trưởng 6,1%
Trong nghiên cứu mới công bố, ngân hàng đầu tư đa quốc gia UBS AG của Thụy Sỹ nhận định tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang có dấu hiệu thoát đáy.
Theo UBS, chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) vượt dự báo trong tháng 3/2019 của Trung Quốc là đúng với nhận định của ngân hàng này về sự giảm tốc có kiểm soát của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, và điều này sẽ không khiến kinh tế toàn cầu và các thị trường đi chệch hướng. UBS cho rằng sự phục hồi của PMI không đơn thuần là sự khởi sắc thông thường mang tính mùa vụ sau Tết Nguyên đán, khi các chỉ số phụ cho thấy sự cải thiện chung. UBS nhận định kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 6,1% trong năm 2019, khi các biện pháp kích thích tài khóa và nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ cải thiện triển vọng kinh tế vĩ mô trong quý II/2019.
Goldman Sachs nâng dự báo tăng trưởng GDP quý I của Mỹ lên 1,2%
Kinh tế Mỹ không giảm tốc mạnh như đã lo ngại trước đó khi hoạt động chế tạo và đầu tư xây dựng tăng mạnh.
Doanh số bán lẻ tại Mỹ bất ngờ giảm trong tháng Hai, nhưng hoạt động chế tạo lại bứt lên trong tháng Ba và đầu tư xây dựng tăng mạnh trong tháng Hai đem đến hy vọng rằng nền kinh tế Mỹ không giảm tốc mạnh như đã lo ngại trước đó.
Doanh số bán lẻ tại Mỹ giảm 0,2% trong tháng Hai khi các gia đình cắt giảm các khoản chi cho việc mua sắm nội thất, quần áo, thực phẩm, thiết bị gia dụng và đồ điện tử, cũng như vật liệu xây dựng và dụng cụ làm vườn.
Nguồn: VITIC tổng hợp 

Nguồn: Vinanet