Khai mạc Diễn đàn hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” tại Trung Quốc
Sáng 26/4, Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ 2 đã chính thức khai mạc tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Tham dự Diễn đàn có 37 nguyên thủ hoặc người đứng đầu chính phủ các nước gồm: Australia, Azerbaijan, Belarus, Brunei, Campuchia, Chile, Cyprus, CH Séc, Djibouti, Ai Cập, Ethiopia, Hy Lạp, Hungary, Indonesia, Italy, Kazakhstan, Kenya, Kyrgyzstan, Lào, Malaysia, Mông Cổ, Mozambique, Myanmar, Nepal, Pakistan, Papua New Guinea, Philippines, Bồ Đào Nha, Nga, Serbia, Singapore, Thụy Sĩ, Tajikistan, Thái Lan, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Uzbekistan, Việt Nam; cùng khoảng 5.000 đại biểu đến từ hơn 150 quốc gia và 90 tổ chức quốc tế.
Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu với sự tham gia của lãnh đạo một số bộ, ngành.
Diễn đàn lần này với chủ đề “Hợp tác Vành đai và Con đường: Định hình tương lai chung tươi sáng hơn” và chủ yếu gồm 3 phần: Lễ khai mạc, Hội nghị bàn tròn của các Nhà lãnh đạo và Đối thoại cấp cao (dành cho các Bộ trưởng, doanh nghiệp và giới học giả). Diễn đàn lần này là hoạt động ngoại giao quan trọng nhất của Trung Quốc trong năm nay.
Thông tin về đàm phán thương mại Mỹ-Trung chi phối thị trường nông sản
Giá đậu tương giảm hơn 1% do thiếu các thông tin mới về cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT, Mỹ), giá nông sản bán theo các hợp đồng giao kỳ hạn đều sụt giảm trong tuần giao dịch kết thúc vào ngày 18/4, trong đó giá đậu tương giảm hơn 1% do thiếu các thông tin mới về cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Các thông tin thị trường “eo hẹp”, xuất khẩu chậm và các nhà giao dịch của các quỹ giảm đầu tư đều đã gây sức ép lên giá đậu tương trong tuần qua. Giá đậu tương giao ngay đã giảm xuống mức thấp của 5 tháng trước lúc nghỉ lễ cuối tuần.
Các nhà giao dịch đang chờ đợi những dấu hiệu rõ ràng hơn về việc cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang có tiến triển. Hai bên đã nhóm họp một vài lần trong vài tháng qua để cố gắng đi đến một thỏa thuận thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Hàn Quốc: Xuất khẩu ô tô giảm nhẹ trong tháng 3
Theo Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, 5 doanh nghiệp sản xuất ô tô của nước này do Hyundai Motor Co. dẫn đầu đã xuất khẩu 213.736 xe trong tháng 3/2019 với giá trị ước tính đạt 3,7 tỷ USD, giảm lần lượt 3,3% và 1,2% so với củng kỳ năm 2018. Dù vậy, xuất khẩu của 5 doanh nghiệp kể trên trong cả quý I/2019 đã tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2018 lên 587.690 xe, với tổng giá trị tăng 4,7% lên 10,2 tỷ USD. Đáng chú ý là xuất khẩu ô tô trong tháng 3/2019 của Renault Samsung Motors, vốn phải đối mặt với một loạt cuộc đình công của người lao động trong vài tuần qua, đã giảm 62,3% so với cùng kỳ năm 2018 xuống còn 7.256 xe.
Về các thị trường xuất khẩu ô tô của Hàn Quốc, kim ngạch xuất khẩu ô tô của nước này sang Mỹ trong tháng 3/2019 tăng 7,5% lên 1,6 tỷ USD, trong khi sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) giảm 15,2% xuống 753 triệu USD.
Phương pháp hạn chế lây lan dịch bệnh truyền nhiễm
Đầu năm nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã ghi nhận một đợt bùng phát của bệnh lở mồm long móng (LMLM). Đây là bệnh truyền nhiễm cao do virút gây ra, phát sinh mụn nước ở miệng và móng ở gia súc.
Bệnh có thể khiến gia súc chết, nhanh chóng sụt cân và giảm sản lượng sữa, đặc biệt bùng phát rất nhanh vì rất dễ lây lan. Cách duy nhất để ngăn chặn bệnh dịch này là hạn chế sự di chuyển của động vật và ngăn chặn động vật bị nhiễm bệnh tiếp xúc với các con khác.
Mỹ là quốc gia có nhiều công ty đầu tư vào R&D nhất thế giới
Theo số liệu của Standard & Poor's, Mỹ là quốc gia có nhiều công ty đầu tư vào R&D nhất thế giới với 196 công ty, và tổng mức chi cho hoạt động này lên tới 372 tỷ USD trong năm 2018. Trung Quốc xếp thứ ba trong danh sách trên với 33 công ty, có tổng mức đầu tư R&D là 49 tỷ USD. Các nước Đức, Pháp và Anh lần lượt giữ các vị trí tiếp theo, với 24, 22 và 20 công ty có hoạt động đầu tư R&D. Vùng lãnh thổ Đài Loan xếp thứ bảy với 15 công ty.
Campuchia nghiên cứu xây dựng sân bay mới giáp 4 tỉnh của Việt Nam
Campuchia sẽ hoàn tất nghiên cứu khả thi của dự án xây dựng sân bay mới tại Mondulkiri, tỉnh Đông Bắc Campuchia, giáp với các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Bình Phước của Việt Nam cuối năm 2019.
Tờ Phnomenh Post ngày 23/4 dẫn lời người phát ngôn Chuk Chumno cho biết kế hoạch này đã được Bộ Kinh tế-Tài chính và Bộ Du lịch Campuchia phê chuẩn.
Theo kế hoạch, việc nghiên cứu khả thi sẽ được thực hiện trong vòng sáu tháng.
Mục tiêu của dự án là thúc đẩy ngành du lịch tại tỉnh vùng Đông Bắc Campuchia, khu vực có tiềm năng trở thành điểm du lịch sinh thái và là một trong những điểm đến rất hấp dẫn du khách.
Nhật Bản đặt mục tiêu xuất khẩu thực phẩm vượt 1.000 tỷ yen
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga ngày 24/4 cho biết, nước này đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu thực phẩm vượt con số 1.000 tỷ yen (8,94 tỷ USD).
Theo thống kê của Chính phủ Nhật Bản, trong vòng một năm qua, kim ngạch xuất khẩu thực phẩm của nước này đạt 906,8 tỷ yen (8,1 tỷ USD), mức cao nhất từ trước đến nay, bất chấp việc Trung Quốc, Hàn Quốc đưa ra các lệnh cấm nhập khẩu một số mặt hàng thực phẩm của Nhật Bản, trong đó có hải sản, do lo ngại về những tác động của thảm họa rò rỉ phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1.
Hướng tới mục tiêu đưa kim ngạch xuất khẩu thực phẩm vượt 1.000 tỷ yen, Chính phủ Nhật Bản từ ngày 25/4 sẽ bắt đầu mở hội nghị những cơ quan liên quan để bàn về một số vấn đề mà Nhật Bản đang phải đối mặt, nảy sinh từ việc xuất khẩu thực phẩm Nhật Bản đang gia tăng nhanh chóng trên toàn cầu.
Thượng đỉnh Nga- Triều: Chủ tịch Kim Jong-un hy vọng đàm phán thành công
Ngày 24/4, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bày tỏ hy vọng hội nghị thượng đỉnh giữa ông và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ thành công.
Vào khoảng 18h (giờ địa phương, tức 15h giờ Hà Nội) ngày 24/4, đoàn tàu hỏa bọc thép chở nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tới Vladivostok - thành phố vùng Viễn Đông của Nga, sau hành trình kéo dài khoảng 20 giờ xuất phát từ Bình Nhưỡng. Dự kiến, ông Kim Jong-un sẽ mất 2 giờ để tới đảo Rusky, nơi ông sẽ có cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong ngày 25/4 nhằm thúc đẩy mối quan hệ truyền thống giữa hai nước trong bối cảnh đàm phán hạt nhân giữa Triều Tiên và Mỹ đang bế tắc.
Thượng đỉnh Nga-Triều: Hàng trăm nhà báo tham gia đưa tin
Khoảng 300 nhà báo, trong đó có các nhà báo từ các nước khu vực châu Á Thái Bình dương như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, tham gia đưa tin về cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un diễn ra ngày 25/4 tại trường Đại học Liên bang Viễn đông (FEFU), tỉnh Vladivostok của Nga.
Theo hãng tin Nga TASS, tại tòa nhà S của FEFU có 2 phòng được chuẩn bị, 1 cho các cuộc hội đàm và 1 cho cuộc gặp không chính thức.
Tất cả những người đi vào tòa nhà S đều phải đi qua khu vực máy dò tìm kim loại và được các nhân viên bảo vệ kiểm tra kĩ lưỡng.
Thượng đỉnh Nga - Triều: Tổng thống Nga tới Vladivostok chuẩn bị hội đàm
Theo phóng viên TTXVN tại Nga, ngày 24/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bay tới tỉnh Vladivostok để tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Có thông tin cuộc gặp sẽ diễn ra vào khoảng 13h - 14h ngày 25/4 (tức khoảng 10h sáng cùng ngày theo giờ Hà Nội).
Trước đó cùng ngày, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã tới Vladivostok và đi thăm những nơi trước kia cha ông, Chủ tịch Kim Jong-il, đã đặt chân tới trong chuyến thăm Nga. Sau đó, ông Kim Jong-un đã tới đảo Ruski, nơi sẽ diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa ông và Tổng thống Putin.
Italy thông qua Kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Chính phủ Italy đã thông qua kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vào sáng 24/4 tiếp sau một cuộc họp nội các đầy căng thẳng cho thấy sự chia rẽ sâu sắc trong liên minh cầm quyền ở nước này.
Kế hoạch này được Chính phủ Italy đưa ra nhằm mục đích thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế, vốn đang bị tụt hậu so với nhiều nền kinh tế lớn thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) khác trong 2 thập kỷ qua.
 Nguồn: VITIC tổng hợp, TTXVN, Internet

Nguồn: Vinanet