Tại phiên họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương diễn ra sáng 29/12, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam Lê Tiến Trường khẳng định, năm 2021, ngành đặt mục tiêu xuất khẩu đạt từ 38- 39 tỷ USD.
Báo cáo trước Chính phủ, ông Trường cho biết, dự báo của thế giới phải đến quý II/2022 và chậm nhất là quý IV/2023 thì thị trường dệt may mới có thể phục hồi nguồn cầu như năm 2019. Vì vậy, năm 2021 vẫn còn là năm thị trường tiếp tục khó khăn, bất định, phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh trên thế giới.
Theo đó, có nhiều điểm mới của chuỗi cung ứng được thiết lập như: xu thế giảm giá chi phối toàn thị trường; hàng hóa đơn giản thay thế hàng thời trang dẫn tới năng lực sản xuất dư thừa nhưng năng lực mới lại thiếu hụt; kinh doanh online, giảm trung gian, đòi hỏi quản trị và giao tiếp số với toàn bộ các thành phần của chuỗi cung ứng…
Xác định rõ các thách thức của năm 2021, ngành dệt may Việt Nam và Tập đoàn Dệt May đặt kế hoạch đạt kim ngạch xuất khẩu tương đương 2019; tốc độ nhanh hơn thị trường chung toàn cầu từ 9 tháng đến 2 năm.
Để đạt mục tiêu này, Tập đoàn kiến nghị được giảm lãi suất vay dài hạn. Theo ông Trường, năm 2021 bắt đầu vào chu kỳ đầu tư đáp ứng yêu cầu mới hậu dịch COVID cũng như đầu tư sản xuất nguyên liệu phục vụ đáp ứng quy tắc xuất xứ của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Trong khi đó, sau 1 năm khó khăn và hoạt động hiệu quả thấp, các dự án đầu tư của dệt may, nhất là đầu tư sản xuất sợi - vải không còn giữ được thứ tự ưu tiên cao. Điều này khiến doanh nghiệp tiếp cận vốn khó, lãi suất cao nên hệ thống ngân hàng thương mại cần linh hoạt trong đánh giá tín nhiệm giai đoạn mới tương ứng với tốc độ phục hồi của thị trường.
Doanh nghiệp cũng mong muốn, Chính phủ có chính sách cụ thể để phát triển công nghệ hỗ trợ dệt may, kể cả không gian và các điều kiện khuyến khích. Các địa phương cũng ủng hộ ngành dệt may phát triển trên nguyên tắc bền vững, sản xuất sạch và tuân thủ theo quy ước toàn cầu của chuỗi cung ứng.
Đặc biệt, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo tiết giảm được chi phí ngoài sản xuất, nhất là chi phí logistic thông qua quy hoạch mạng lưới logostics quốc gia, cùng các chi phí phi thuế quan khác. Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới thông việc sớm ban hành hướng dẫn về quy trình đáp ứng quy tắc xuất xứ và có cổng thông tin tra cứu lợi ích từ các hiệp định này.
Bởi trên thực tế, hiện Việt Nam đã có tới 17 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; trong đó, có quốc gia cũng lúc có tới 4 hiệp thương mại tự do thế hệ mới với Việt Nam như Nhật Bản nên doanh nghiệp muốn lựa chọn được lợi thế tối ưu nhất – ông Trường cho hay.
Năm 2020, Việt Nam là nước duy nhất trong top 5 các nước xuất khẩu dệt may trên thế giới không bị cách ly và dừng sản xuất. Xuất khẩu không bị suy giảm nhiều. Đây cũng là năm đầu tiên sau 25 năm, xuất khẩu dệt may tăng trưởng âm 10,5%, chỉ đạt 35 tỷ USD so với mức 39 tỷ USD của năm 2019.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tổng cầu toàn thế giới giảm chung trên 22% thì kết quả của ngành dệt may Việt Nam vẫn rất lạc quan.
Lợi nhuận ngành dệt may toàn cầu giảm tới 93%, nhiều thương hiệu thời trang lớn phá sản, nhiều lao động mất việc làm. Trong khi đó, nhờ phòng chống dịch tốt, không bị gián đoạn sản xuất nên thị phần của của hàng dệt may Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng, lần đầu đạt 20% tại thị trường Mỹ; trong đó, nhiều tháng đứng đầu về thị phần.
Các hiệp định thương mại, nhất là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) tuy không thể bù đắp được sự sụt giảm về kim ngạch nhưng cũng đã có tác dụng đáng kể trong việc giảm thiểu thiếu hụt đơn hàng.
Chủ tịch Tập đoàn Dệt May Việt Nam Lê Tiến Trường cũng cho hay, về nội tại, ngành dệt may đã chủ động từ đầu năm khi chuỗi cung ứng nguyên liệu bị gián đoạn bằng nhiều giải pháp tổng hợp, dịch chuyển nguồn cung. Đồng thời, tham gia ngay từ đầu tháng 2 sản xuất các sản phẩm PPE phục vụ phòng chống dịch trong nước, đảm bảo nhu cầu, bình ổn giá. Từ tháng 3 đến tháng 6 tập trung vào mặt hàng xuất khẩu chủ yếu; đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động.
Ngành dệt may cũng xác định ngay từ đầu hai tài sản quan trọng nhất phải quyết tâm là lực lượng lao động lành nghề và vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu với mục tiêu phải đủ năng lực phục hồi ngay khi thị trường trở lại.
Do đó, ngành dệt may và da giày đã cơ bản đảm bảo việc làm cho 1 lực lượng lớn lao động lên đến hơn 4 triệu người, dù việc ít đi, thu nhập thấp hơn nhưng vẫn trên mức tối thiểu và người lao động không mất việc.
Riêng với Tập đoàn Dệt may Việt Nam, năm 2020, tuy kim ngạch xuất khẩu giảm 10%, lợi nhuận giảm 15% nhưng tiền lương chỉ giảm 4,5%, đạt trung bình 8,05 triệu đồng/người/tháng, giữ đủ việc làm cho 150.000 lao động và giảm giờ làm trên 12%, tiền lương thực tế theo giờ tăng 8%; chưa phải nhận các khoản trợ cấp cho người lao động để giữ được vị thế doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng. 

Nguồn: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN