Điều này hoàn toàn đúng khi nhìn nhận một cách tổng thể. Tuy nhiên, khi nhìn vào từng NHTW trong khối các nước lớn thì có thể nhận thấy nhiều sắc thái hơn - được thể hiện thông qua mức độ khó khăn của chính sách và rủi ro mắc lỗi khi thực hiện chính sách theo định hướng bình thường hóa.
Trong chặng đường trước mắt, Cục Dự trữ liên bang Mỹ - Fed vẫn là NHTW đi đầu trong quá trình bình thường hóa CSTT. Nước Mỹ đã chấm dứt chương trình mua tài sản, tăng lãi suất điều hành và lập kế hoạch giảm dần quy mô của bảng cân đối kế toán.
Và bước sang năm 2018, Fed tiếp tục thực hiện các đợt tăng lãi suất điều hành mới và sẽ có không gian rộng lớn hơn để thực hiện lộ trình chính sách này khi việc cắt giảm thuế chính thức được Quốc hội thông qua. Trong trường hợp đó, các thị trường tài sản sẽ có xu hướng được đánh giá lại trên cơ sở bám sát các hành động của Fed để đảm bảo tương thích hơn với kế hoạch cắt giảm lãi suất 2 - 3 lần trong năm tới.
Tuy nhiên, trong bối cảnh bình thường hóa tốt đẹp sẽ diễn ra trước mắt thì sẽ không nên để xuất hiện các biến động mạnh ảnh hưởng tới sự ổn định tài chính và tăng trưởng kinh tế. Sự phức tạp mà Fed đang phải đối mặt lại chính là lợi tức đối với trái phiếu có kỳ hạn dài và đường cong lợi tức trên thị trường.
Bên cạnh đó, NHTW Nhật Bản - BoJ sẽ phải đối mặt với áp lực ngày càng gia tăng trong việc phải có kế hoạch rút khỏi chương trình hỗ trợ kích thích tăng trưởng kinh tế. Thêm vào nữa, BoJ cũng buộc phải suy nghĩ cẩn thận về việc thực hiện các chương hỗ trợ mua tài sản ở mức vừa phải, đồng thời cũng cần tiến hành từng bước để xem lại mục tiêu lợi tức trái phiếu 10 năm hiện đang ở mức 0%.
Nước Nhật nên thực hiện điều này một cách liên tục và cẩn trọng trong lộ trình thực hiện giảm dần các chính sách phi truyền thống. Trong khi đó, NHTW châu Âu - ECB sẽ phải cố gắng nhiều nhất có thể để thực hiện kế hoạch cắt giảm quy mô mua lại tài sản xuống mức 30 tỷ EUR cho tới tận tháng 9/2018 - hành động mở đầu cho việc kết thúc chương trình mua lại tài sản ở quy mô lớn trước khi đưa lãi suất điều hành thoát khỏi mức âm như hiện nay.
Nhưng theo đánh giá trong biên bản họp gần nhất của ECB, các thành viên của hội đồng Thống đốc đã có nhiều ý kiến khác nhau và ngân hàng có thể phải khéo léo trong việc thực hiện các kế hoạch này thông qua các chỉ dẫn về việc loại bỏ dần các gói nới lỏng định lượng, đặc biệt khi lạm phát đang gia tăng nhanh.
Tương tự như ECB, điều hành CSTT hiện tại của Anh cũng cần phải có sự khéo léo, mặc dù ít phức tạp hơn. Với triển vọng tăng trưởng được đánh giá thấp hơn trong thời gian gần đây khi lạm phát tiếp tục gia tăng vượt mục tiêu kiểm soát, NHTW Anh - BOE cũng đang rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan.
Có thể nhận thấy điều này sau khi BOE buộc phải tăng lãi suất lần đầu tiên trong năm nay sau sự yên tĩnh kéo dài gần 10 năm, để phản ứng với sự gia tăng vượt đích của lạm phát, nhằm ngăn chặn rủi ro làm trầm trọng hơn đà tụt dốc của tăng trưởng kinh tế. Sự trì hoãn việc tăng lãi suất và kỳ vọng về lạm phát có thể dẫn đến những điều tệ hại nhất cho nước Anh, đặc biệt trong thời điểm cuộc đàm phán Brexit vẫn chưa có hồi kết.
Cuối cùng, NHTW của nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới - NHTW Trung Quốc - PBoC trong năm 2017 cũng đã có bước chuyển rõ rệt trong định hướng điều hành CSTT, từ xu hướng nới lỏng khi kinh tế trong năm 2011 sang điều hành CSTT thận trọng và trung lập khi kinh tế bắt đầu có tín hiệu hồi phục.
Theo đó, sự thận trọng được nhấn mạnh nhằm đảm bảo sự ổn định hệ thống trong điều kiện đòn bẩy tài chính còn ở mức cao, tỷ lệ nợ/GDP còn lớn; và xu hướng trung lập thể hiện tính thích ứng trong điều hành, không thiên về thắt chặt hay nới lỏng đảm bảo một môi trường hoạt động phù hợp, đảm bảo ổn định thanh khoản trong nền kinh tế.
Như vậy có thể thấy rằng, nếu xem xét tất cả cùng một lúc, thì việc Fed - một NHTW có quyền lực nhất đang có rất nhiều lợi thế trong quá trình bình thường hóa CSTT, sẽ là điều tốt đẹp cho kinh tế toàn cầu; tiếp đến BoE cũng được nhìn nhận là phải đối mặt với ít phức tạp hơn. Nhưng điều đó không có nghĩa là sẽ tạo ra được sự yên ổn khi rủi ro ập đến.
Chính vì vậy, điều mà thị trường quan tâm nhất cho đến lúc này vẫn là việc kinh tế toàn cầu sẽ phải đối mặt với bất ổn lớn nhất nào của CSTT, nếu tất cả NHTW các nước lớn thắt chặt CSTT cùng một lúc. Và điều mà thị trường lo ngại nhất là các rủi ro liên quan đến giá của tài sản và kinh tế toàn cầu - những vấn đề đòi hỏi cần phải có sự giám sát ở tần suất cao và sự phối hợp trao đổi tư vấn ở tầm quốc tế một cách chặt chẽ.
Nguồn: thoibaonganhang.vn