Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách (Ủy ban TCNS) của Quốc hội cơ bản nhất trí với dự toán thu, chi cân đối ngân sách Nhà nước (NSNN) như Chính phủ trình. Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra lưu ý một số vấn đề.

Về thu NSNN, Chính phủ dự kiến tổng thu cân đối NSNN năm 2016 là 1.014.500 tỷ đồng, tăng 9,4% so với ước thực hiện năm 2015. Nếu không tính 30.000 tỷ đồng thu từ tiền bán bớt phần vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp thì tổng thu NSNN tăng 6,1%. Ủy ban TCNS cho rằng mức tăng như vậy là hợp lý.

Tuy nhiên, Ủy ban TCNS đề nghị rà soát lại các khoản thu NSNN, bảo đảm không bỏ sót nguồn thu và tăng cường các biện pháp chống thất thu NSNN. Đồng thời, cần tính toán lại chiến lược thu trong trung hạn và dài hạn, phấn đấu mức huy động từ thuế, phí và lệ phí không thấp hơn 20%GDP/năm trong những năm tới.

Về chi NSNN, đối với chi thường xuyên, tiếp tục thực hiện theo định mức giai đoạn 2011-2015, Ủy ban TCNS tán thành với một số biện pháp tiết giảm mạnh chi thường xuyên theo đề xuất của Chính phủ.

Đối với chi đầu tư phát triển, năm 2016 là năm đầu áp dụng định mức chi đầu tư phát triển trung hạn cho giai đoạn 2016 - 2020 theo quy định của Luật NSNN và Luật Đầu tư công, do vậy Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ có báo cáo chi tiết về mức phân bổ vốn đầu tư phát triển của trung ương và của các địa phương theo cách tính mới để có cơ sở xem xét quyết định dự toán NSNN.

Đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS cho rằng, Chính phủ cần triển khai áp dụng nhiều giải pháp để huy động nguồn lực ngoài NSNN, tăng cường huy động vốn đầu tư toàn xã hội, phát hành vốn Trái phiếu Chính phủ 60.000 tỷ đồng trong kế hoạch đã được Quốc hội cho phép, thu xổ số kiến thiết và tiền sử dụng đất, vốn ODA, các khoản vay ưu đãi nước ngoài, vốn từ nguồn cổ phần hóa DNNN đều dành cho đầu tư phát triển thì việc bố trí mức tăng cho vốn đầu tư phát triển như Chính phủ trình là hợp lý, bảo đảm nguồn lực cho đầu tư phát triển và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức 6,7%, cao hơn năm 2015.

Về cân đối NSNN, năm 2016 Chính phủ tính toán tốc độ tăng thu NSNN ở mức 9,4%, tốc độ tăng chi 11%, riêng chi đầu tư phát triển tăng 31,2%, chi thường xuyên tăng 5,8% cho thấy việc cân đối NSNN đã rất căng thẳng.

Trong khi đó, NSNN còn nợ nhiều khoản chi chưa có nguồn thanh toán: nợ xây dựng cơ bản còn lớn; nợ 2 Ngân hàng chính sách; nợ các chính sách đã ban hành…

Chính phủ dự kiến bội chi NSNN năm 2016 ở mức 4,95% GDP (254.000 tỷ đồng, tăng 28.000 tỷ đồng so với năm 2015), nợ công đến 31/12/2016 ước khoảng 63,2% GDP.

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội đưa ra tại phiên họp buổi sáng, tỷ lệ nợ công/GDP năm 2011 là 50,1%, năm 2012 là 50,8%, năm 2013 là 54,5%,  ước năm 2014 là 59,6%, dự kiến năm 2015 là 61,3%.


Ủy ban TCNS cho rằng, trước thực trạng nền kinh tế chưa phục hồi mạnh mẽ, đầu tư của nhà nước còn đóng vai trò quan trọng thì việc cắt giảm mạnh chi tiêu công sẽ dẫn đến giảm nguồn lực đầu tư trong toàn xã hội. Vì vậy, Ủy ban đồng ý với việc tiếp tục giữ bội chi NSNN theo cách tính cũ ở mức cao (4,95%GDP).

Tuy nhiên, báo cáo cho rằng, trong dài hạn, cần cơ cấu lại nguồn thu, đảm bảo huy động vào NSNN từ GDP trên 20%; chi NSNN đảm bảo tiết kiệm, các khoản chi phải được dự toán; đồng thời, kiên định điều hành lộ trình giảm bội chi NSNN và nợ công trong giai đoạn 2016-2020 theo Luật ngân sách nhà nước năm 2015, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Thục Anh