Cụ thể, tổng kim ngạch đối với nhóm hàng xuất khẩu là: điện tử - máy tính giảm 32,1%; máy móc thiết bị phụ tùng giảm 23,2%; dệt may giảm 17,6%; điện thoại và linh kiện giảm 27%... Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu trong Quý I/2020 đạt 5,832 tỷ USD, giảm 21,3% so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ tăng 1,3%).
Trong các nhóm hàng nhập khẩu phục vụ sản xuất, bị tác động mạnh và ảnh hưởng tới tổng kim ngạch nhập khẩu của thành phố gồm: Máy móc thiết bị, phụ tùng giảm 34,1%; phương tiện vận tải và phụ tùng giảm 30,1%; sắt thép giảm 19,5%; thức ăn gia súc giảm 43,7%…
Trong giai đoạn đầu của dịch Covid- 19, khi dịch bùng phát mạnh tại Trung Quốc và Hàn Quốc, khó khăn chủ yếu đối với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố do thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất nhập khẩu từ các nước này, dẫn đến sản xuất cầm chừng hoặc tạm ngừng sản xuất.
Tính từ giữa tháng 3/2020, khi dịch Covid- 19 lan rộng và ảnh hưởng nặng trên phạm vi toàn cầu, hoạt động xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn hơn. Do dịch Covid- 19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại Mỹ và EU, các hoạt động giao thương với các đối tác trong đó có Việt Nam cũng sẽ bị hạn chế. Nhu cầu mua sắm hàng hóa không quá thiết yếu như: hàng dệt may, da giày, đồ gỗ, điện thoại… sẽ suy giảm, trong khi đó, đây là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Hà Nội.
Trong tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Hà Nội, thị trường Mỹ chiếm 45%, EU chiếm 14,7% và Nhật Bản chiếm 7,7%. Như vậy, trong những tháng tới, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sẽ giảm mạnh ở mức trên 60%. Trong khi đó, ngành da giày tiếp tục bị ảnh hưởng do có 20% nguyên liệu sản xuất nhập khẩu từ Ý – quốc gia đang bị phong tỏa vì dịch. Cùng với giày dép, mặt hàng túi xách xuất khẩu sang Mỹ, EU đã suy giảm mạnh đơn hàng; các hợp đồng đàm phán của quý II, thậm chí quý III/2020 vẫn chưa ký được…
Trước những khó khăn này, mới đây UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai kế hoạch đẩy mạnh xuất nhập khẩu trong bối cảnh dịch Covid- 19. Theo đó, UBND thành phố Hà Nội giao Sở Công Thương đổi mới hình thức (trực tuyến, qua các phương tiện thông tin đại chúng, trực tiếp) để tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm, chương trình tập huấn cho các doanh nghiệp về thông tin thị trường nước ngoài, các hiệp định thương mại tự do, chính sách pháp luật mới liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh xuất nhập khẩu...
Theo Sở Công Thương Hà Nội, trong thời gian tới đơn vị này sẽ tích cực tháo gỡ về các thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất và thúc đẩy tăng trưởng sau khi dịch Covid- 19 kết thúc.
Phối hợp, thực hiện có hiệu quả các chính sách nhằm giảm lãi suất đối với các khoản vay mới thuộc các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng do Covid-19; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn/giảm lãi vay theo hợp đồng tín dụng đã ký kết và xem xét cho vay mới để khôi phục, duy trì sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, Sở tích cực triển khai chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp; ổn định mặt bằng lãi suất; phối hợp với các đơn vị của Bộ Công Thương, các thương vụ Việt Nam trên toàn thế giới tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp; tận dụng ưu đãi từ các Hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP, EVFTA. giúp thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu vào thời điểm giữa và cuối năm 2020.