Các quan chức của hai nước đang thảo luận về cách giải quyết chính sách tiền tệ trong “Biên bản ghi nhớ” nhằm tạo cơ sở cho một thỏa thuận mà cuối cùng sẽ phải được Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình chấp thuận.
Trong khi từ ngữ chính xác lời văn vẫn chưa được giải quyết, thì một cam kết ổn định đồng nhân dân tệ đã được thảo luận trong nhiều vòng đàm phán gần đây và cả hai bên đã nhất trí rằng đó sẽ là một phần của bất kỳ khuôn khổ thỏa thuận cuối cùng nào. Các cuộc đàm phán tiếp tục từ ngày 19/02 tại Washington và dự kiến sẽ diễn ra cho đến hạn chót ngày 1 tháng 3 như một cách tiếp cận đến khả năng thuế quan cao hơn của Mỹ. Đồng nhân dân tệ ở nước ngoài đã tăng lên mức cao nhất trong ngày 19/02 là 6,75 cho mỗi đôla. Đồng đôla Australia - nền kinh tế có liên kết chặt chẽ với Trung Quốc - đã tăng 0,6% so với đồng bạc xanh.

suc ep on dinh tien te tren ban dam phan my trung

Thứ nhất, một công cụ thực thi quan trọng sẽ là thuế quan của Mỹ. Chính quyền Trump đã nói rõ trong các cuộc đàm phán với Bắc Kinh rằng, mọi nỗ lực giảm giá đồng nhân dân tệ - một chiến lược nhằm bù đắp các mức thuế hiện tại của Mỹ đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc - sẽ được ứng phó với nhiều mức thuế hơn hoặc thuế quan cao hơn của Mỹ. Bế tắc song phương đã chứng kiến đồng nhân dân tệ giảm hơn 5% trong năm 2018, làm dấy lên suy đoán rằng Trung Quốc đang cố tình làm suy yếu đồng tiền của mình để bù đắp tác động của thuế quan. Đồng nhân dân tệ đã tăng trở lại gần 2% từ đầu năm đến nay, sau khi trượt xuống mức thấp hàng thập kỷ so với đồng đôla vào cuối tháng 10 năm ngoái. Yêu cầu của Mỹ đối với Bắc Kinh để giữ đồng nhân dân tệ không mất giá cũng có khả năng gây khó khăn cho Tổng thống Trump và chính quyền Mỹ trước đây kêu gọi Trung Quốc áp dụng nhiều cải cách dựa trên quy tắc thị trường và khiếu nại rằng Bắc Kinh thao túng tiền tệ để đạt được lợi thế thương mại.
Thứ hai, sự can thiệp ngoại hối của Trung Quốc từ lâu đã trở thành mục tiêu chính trị ở Mỹ và Tổng thống Trump tuyên bố Trung Quốc là một kẻ thao túng tiền tệ trong chiến dịch tranh cử năm 2016 của mình. Sau hai năm tại vị, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đã tìm thấy căn cứ để chứng tỏ điều đó nhưng vẫn tiếp tục theo dõi chặt chẽ đồng nhân dân tệ. Mỹ cũng ngày càng nhấn mạnh vào các điều khoản tiền tệ trong các hiệp định thương mại. Ví dụ, hiệp định thay thế NAFTA đã được đàm phán lại, hiện đang chờ phê duyệt từ Quốc hội, yêu cầu Mỹ, Canada và Mexico không tham gia phá giá tiền tệ để có lợi thế cạnh tranh. Chính quyền Obama trước đây đã thuyết phục Nhật Bản và các nước khác đưa ra một cam kết tương tự như một phần trong các cuộc đàm phán của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Một thỏa thuận về đồng nhân dân tệ với Trung Quốc có thể cũng rất quan trọng đối với chính trị trong nước của Tổng thống Trump. Lãnh đạo đại diện cho nhóm thiểu số của Thượng viện Mỹ là người ủng hộ lâu dài về việc sử dụng các biện pháp trừng phạt thương mại nhằm đáp trả các cáo buộc thao túng tiền tệ của Trung Quốc.
Thứ ba, thời hạn ngày 1/3 cho đàm phán thương mại không phải là một thời hạn “phép thuật”. Mặc dù nhận định cuộc đàm phán với Trung Quốc đang diễn ra tốt đẹp và Mỹ tiếp tục gây sức ép đối với Bắc Kinh, nhưng tại cuộc họp báo ở Phòng Bầu dục ngày 19/2, Tổng thống Donald Trump cũng nhấn mạnh, thời hạn 1/3 không phải là “phép thuật” nên Mỹ sẵn sàng lùi thời hạn này để hoàn tất đàm phán. Việc tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có lẽ là điều mà Mỹ cho rằng Trung Quốc không muốn xảy ra, bởi vậy, Tổng thống Trump tự tin rằng Bắc Kinh cũng đang cố gắng để thúc đẩy một thỏa thuận. Một phần trong thỏa thuận sẽ là vấn đề giải phóng hàng nông sản của Mỹ khi người nông dân Mỹ đã trở thành tâm điểm của cuộc chiến thuế quan sau khi Bắc Kinh áp thuế với một loạt sản phẩm nông nghiệp trong năm ngoái. Cho đến giai đoạn đình chiến gần đây, Trung Quốc đã quay lại thị trường đậu nành của Mỹ nhưng những người trồng ngũ cốc vẫn lo lắng về nhu cầu đối với các loại cây trồng khác.
Tại Washington lần này, ngày 19-20/2, cuộc thảo luận cấp kỹ thuật được tiến hành với phía Mỹ là Phó Đại diện Thương mại Mỹ Jeffrey Gerrish. Cuộc đàm phán cấp cao dự kiến bắt đầu ngày 21/2 do Đại diện Thương mại Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin dẫn đầu. Trong tuyên bố đưa ra cuối ngày 18/2, Nhà Trắng cho biết, cuộc đàm phán tuần này nhằm mục đích "đạt được những thay đổi cơ cấu cần thiết ở Trung Quốc ảnh hưởng đến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Hai bên cũng sẽ thảo luận về cam kết của Trung Quốc để mua một lượng lớn hàng hóa và dịch vụ từ Mỹ”.

Nguồn: Báo công thương điện tử