6 năm liên tiếp đạt kim ngạch “trăm tỷ đô”
Trong hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ mà Việt Nam có quan hệ thương mại, Trung Quốc là đối tác lớn nhất. Trong khi đó, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN. Từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác Chiến lược toàn diện vào năm 2008, thương mại song phương liên tục có bước phát triển mạnh mẽ.
Năm 2008, thương mại song phương Việt Nam – Trung Quốc mới đạt 20 tỷ USD. Đến năm 2018, kim ngạch thương mại với Trung Quốc lần đầu tiên cán mốc 100 tỷ USD (cả năm đạt khoảng 107 tỷ USD), là đối tác đầu tiên đạt quy mô kim ngạch này.

Theo Tổng cục Hải quan, hết tháng 10, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 138,92 tỷ USD.

Đáng chú ý, hoạt động xuất khẩu của nước ta vẫn duy trì được tăng trưởng dương trong khi kim ngạch nhập khẩu sụt giảm.
Cụ thể, hết tháng 10, xuất khẩu của nước ta đạt 49,58 tỷ USD, tăng 5,1% (tương đương tăng hơn 2,4 tỷ USD) so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhóm hàng xuất khẩu có tăng trưởng ấn tượng nhất là rau quả. 10 tháng qua, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt 3,18 tỷ USD, tăng 165% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương kim ngạch tăng thêm 1,8 tỷ USD).
Nhóm hàng chủ lực khác có tăng trưởng khá là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với kim ngạch đạt hơn 11 tỷ USD, tăng gần 11,8% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương kim ngạch tăng thêm 1,16 tỷ USD).
Chiều ngược lại, nhập khẩu từ Trung Quốc hết tháng 10 đạt 89,34 tỷ USD, giảm hơn 11 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Từ đó đến nay, 6 năm liên tiếp (2018-2023) quy mô kim ngạch song phương “trăm tỷ đô” liên tục được duy trì, tính cả năm 2023 tuy chưa khép lại, nhưng kim ngạch thương mại song phương đã vượt mốc 100 tỷ USD.
Trong lịch sử quan hệ thương mại giữa hai nước ghi nhận kim ngạch đạt con số kỷ lục hơn 175 tỷ USD vào năm 2022.
Trong năm 2022, có 12 nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó có 2 nhóm đạt từ 10 tỷ USD trở lên gồm: điện thoại các loại và linh kiện với 16,26 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 11,88 tỷ USD. Nhìn chung, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc khá phong phú, từ sản phẩm điện tử đến hàng nông sản. Đáng chú ý có 3 nhóm hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp có kim ngạch tỷ USD là gỗ và sản phẩm gỗ; thủy sản; rau quả.
Chiều ngược lại, hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cũng rất đa dạng. Đáng chú ý, năm 2022 có tới 19 nhóm hàng nhập khẩu từ thị trường này đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Trong đó cũng có 2 nhóm “chục tỷ đô” gồm: máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 24,29 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 24 tỷ USD.
Trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai cho biết: Hợp tác kinh tế, thương mại tiếp tục là điểm sáng trong quan hệ hai nước. Trong bối cảnh thương mại giữa Trung Quốc và các đối tác đều giảm, Việt Nam là một trong số ít các đối tác vẫn giữ ổn định thương mại với Trung Quốc.
Khởi sắc vùng biên
Hợp tác kinh tế, thương mại đã góp phần quan trọng vào cải thiện đời sống của nhân dân hai nước, đặc biệt là các tỉnh biên giới phía Bắc của nước ta.
Nhiều lần được đặt chân đến vùng biên giáp Trung Quốc thuộc các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, phóng viên Tạp chí Hải quan đã ghi nhận sự đổi thay mạnh mẽ về kinh tế xã hội các vùng biên giới.
Đặc biệt hệ thống đường sá, cơ sở hạ tầng khu vực biên giới, cửa khẩu như: Móng Cái, Hoành Mô, Bắc Phong Sinh… (Quảng Ninh); Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma… (Lạng Sơn); Tà Lùng, Trà Lĩnh, Sóc Giang… (Cao Bằng) hay Thanh Thủy (Hà Giang), cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai)… đã được đầu tư cơ bản để phục vụ hoạt động giao thương và giao lưu kinh tế, văn hóa, du lịch… của nhân dân hai nước.
Chia sẻ với Tạp chí Hải quan, nhiều cán bộ, công chức công tác lâu năm ở các đơn vị hải quan biên giới phía Bắc cho hay, sự phát triển kinh tế, thương mại đã và đang diễn ra mạnh mẽ.
Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với quy mô dân số khoảng 1,4 tỷ người, Trung Quốc cũng là thị trường quan trọng cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, nhất là hàng hóa nông sản, qua đó giải quyết được vấn đề quan trọng là đầu ra cho sản phẩm của hàng triệu hộ nông dân.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT), sự phát triển ấn tượng ở thị trường Trung Quốc giúp ngành hàng rau quả Việt Nam lập được kỷ lục hơn 5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2023. Bởi, riêng thị trường Trung Quốc luôn chiếm hơn 60% kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước và duy trì được tốc độ tăng trưởng cao 3 con số trong năm 2023.
Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam chia sẻ: Với những nỗ lực của cơ quan chức năng hai nước, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, kỳ vọng xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc trong năm 2024 và thời gian tới tiếp tục đạt được kết quả tích cực.
Theo ghi nhận của phóng viên Tạp chí Hải quan, những ngày cuối năm 2023, trên tuyến biên giới phía Bắc mỗi ngày đang có hàng nghìn xe chở hàng hóa xuất nhập khẩu được làm thủ tục thông quan, chưa kể hàng hóa vận chuyển qua đường biển, đường sắt và đường hàng không, điều này cho thấy sự đa dạng, phong phú về tiềm năng, lợi thế trong hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, là điều kiện để kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước thiết lập những kỷ lục mới.
 

Nguồn: Haiquanonline