Kết thúc ngày 24/5, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ ở mức 77,72 USD/thùng; giá dầu Brent ở mức 82,12 USD/thùng và xăng RON92 ở mức 88,89 USD/thùng. Tính chung trong tháng 5/2024 giá dầu giảm khoảng 1-2%; giá xăng giảm khoảng 6%.
Nguồn cung
Theo báo cáo của OPEC, sản lượng dầu của 12 quốc gia OPEC trong tháng 4/2024 giảm 48 nghìn thùng/ngày so với tháng trước đó, đạt trung bình 26,58 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu tăng chủ yếu tại Iran, trong khi sản lượng giảm tại Nigeria, Iraq và Venezuela.
Trong năm 2023, nguồn cung dầu của OPEC đạt 27,009 triệu thùng/ngày, giảm 716 nghìn thùng/ngày so với năm 2022.
Nguồn cung của khu vực ngoài OPEC
Nguồn cung dầu năm 2024 của khu vực ngoài OPEC dự báo sẽ tăng 1,23 triệu thùng/ngày so với năm 2023, đạt 53 triệu thùng/ngày. Những nước tăng trưởng sản lượng dự kiến ở Canada, Mỹ, Brazil và Na Uy.
Mỹ: Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ dầu thô của Mỹ tăng 1,8 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 17/5, so với mức giảm dự kiến là 2,5 triệu thùng. Thông tin này đã gây áp lực lên thị trường dầu.
Ngày 21/5, Bộ Năng lượng Mỹ cho biết sẽ bán 1 triệu thùng xăng trong kho dự trữ chiến lược nhỏ ở khu vực Đông Bắc, mở đường cho việc đóng cửa kho này.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), việc bán 1 triệu thùng xăng từ Kho dự trữ xăng Đông Bắc (NGSR) này sẽ không có tác động đáng kể đến giá xăng do Mỹ tiêu thụ trung bình khoảng 9 triệu thùng xăng động cơ mỗi ngày - theo số liệu thống kê.
Hoạt động kinh doanh của Mỹ đã tăng tốc lên mức cao nhất trong hơn hai năm vào tháng 5/2024, cho thấy tăng trưởng kinh tế đang phục hồi. S&P Global ngày 23/5 cho biết chỉ số các nhà quản trị mua hàng (PMI) của Mỹ, theo dõi lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, đã tăng mạnh lên 54,4 trong tháng 5/2024. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 4/2022 và cao hơn mức 51,3 của tháng 4/2024. Chỉ số này trên 50 cho thấy sự mở rộng trong khu vực tư nhân. Trong cuộc khảo sát của hãng tin Reuters, các chuyên gia kinh tế dự báo chỉ số này sẽ không thay đổi và ổn định ở mức 51,1. Sự gia tăng này được thúc đẩy bởi lĩnh vực dịch vụ, với chỉ số PMI trong lĩnh vực này tăng từ 51,3 trong tháng 4/2024 lên 54,8. PMI trong lĩnh vực sản xuất tăng nhẹ từ 50 lên 50,9.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất cho biết giá một loạt các nguyên liệu đầu vào đang tăng vọt, cho thấy lạm phát hàng hóa có thể tăng lên trong những tháng tới. Đây là một dấu hiệu đáng lo ngại đối với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khi cơ quan này đang cần thêm niềm tin rằng lạm phát đã quay trở lại xu hướng giảm trước khi bắt đầu hạ lãi suất.
Nga: Nga vẫn là nhà cung cấp dầu hàng đầu của Ấn Độ trong tháng 4/2024. Các nhà máy lọc dầu ở Ấn Độ đã tận dụng cơ hội mua dầu của Nga kể từ khi xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine vào tháng 2/2022 khiến phương Tây và Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt.
Về xuất khẩu dầu của Nga, dữ liệu sơ bộ từ các cơ quan theo dõi thương mại Kpler và LSEG cho thấy trong tháng 4/2024, Ấn Độ đã nhập khẩu nhiều dầu của Nga, ở mức 1,75 triệu thùng/ngày.
Nga đã vận chuyển 14,5 triệu tấn dầu sang Belarus vào năm 2023 và khối lượng này có thể vẫn được duy trì trong năm nay. Nga cung cấp đủ số lượng mà các nhà máy lọc dầu của Belarus cần và không có hạn chế. Nga đang thảo luận với phía Belarus về khả năng hỗ trợ các nhà máy lọc dầu của Belarus trong trường hợp giá dầu toàn cầu tăng quá cao.
Nhu cầu
Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) dự báo nhu cầu sử dụng nhiên liệu sẽ tăng mạnh trong những tháng mùa Hè và giữ nguyên dự báo về mức tăng trưởng tương đối mạnh của nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm 2024.
Cụ thể, vào mùa Hè - thời điểm mọi người đi lại nhiều hơn, kéo theo nhu cầu sử dụng nhiên liệu tăng cao, OPEC cho rằng nhu cầu nhiên liệu máy bay, dầu hỏa toàn cầu sẽ tăng 600.000 thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái, xăng tăng 400.000 thùng/ngày và dầu diesel tăng 200.000 thùng/ngày.
Theo OPEC, tăng trưởng kinh tế có thể hỗ trợ thêm cho giá dầu vốn đã tăng lên trên 90 USD/thùng trong năm nay do nguồn cung hạn chế và xung đột leo thang tại Trung Đông.
OPEC và các nước đối tác, còn gọi là OPEC+, đã nhất trí duy trì cắt giảm sản lượng dầu mỏ cho đến cuối tháng 6/2024.
Dự kiến, OPEC+ trong tháng 6/2024 cũng sẽ nhóm họp để quyết định liệu có nên tiếp tục cắt giảm sản lượng nữa hay trả lại một lượng nguồn cung cho thị trường.
Báo cáo của OPEC nêu rõ triển vọng nhu cầu dầu mỏ tăng mạnh trong những tháng mùa Hè đòi hỏi phải theo dõi thị trường cẩn thận, trong bối cảnh những bất ổn đang diễn ra, để đảm bảo thị trường cân bằng, lành mạnh và bền vững.
OPEC dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng 2,8% trong năm 2024, không đổi so với tháng trước, và cho biết nền kinh tế Mỹ sẽ thúc đẩy nhu cầu nhiên liệu theo mùa Hè như thường lệ.
Theo OPEC, tăng trưởng nhu cầu dầu thô trên thế giới năm 2024 tăng thêm 2,25 triệu thùng/ngày so với năm 2023, lên trung bình 104,46 triệu thùng/ngày, với mức tăng trưởng của OECD khoảng 0,27 triệu thùng/ngày và các nước không thuộc OECD khoảng 1,98 triệu thùng/ngày.
Trung Quốc: Trung Quốc tăng cường bổ sung dầu thô vào kho dự trữ. Theo dữ liệu chính thức, tổng cộng 830.000 thùng/ngày (bpd) đã được bổ sung vào kho dự trữ của Trung Quốc trong tháng 4/2024, tăng từ mức 790.000 thùng/ngày trong tháng 3/2024.
Trong 4 tháng đầu năm, Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, đã bổ sung thêm 700.000 thùng/ngày vào kho dự trữ, một khối lượng đáng kể. Tổng lượng dầu thô có sẵn cho các nhà lọc dầu trong tháng 4/2024 là 15,13 triệu thùng/ngày, bao gồm nhập khẩu 10,88 triệu thùng/ngày và sản lượng trong nước là 4,25 triệu thùng/ngày.
Hoạt động lọc dầu giảm 3,3% trong tháng 4/2024 so với cùng tháng năm 2023, mức giảm hàng năm đầu tiên trong 20 tháng, do các công ty dầu lớn tiến hành bảo trì theo lịch trình, trong khi các nhà máy lọc dầu nhỏ hơn hạn chế sản lượng do biên lợi nhuận yếu.
Sản lượng lọc dầu sẽ phục hồi trong tháng 5/2024 khi các nhà máy tăng tốc cho mùa nhu cầu cao điểm mùa hè.
Theo dữ liệu hải quan, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc tăng 2% trong 4 tháng đầu năm 2024. Tuy nhiên, tính theo số thùng/ngày, con số này tương đương với mức tăng chỉ 100.000 thùng/ngày. Con số này thấp hơn nhiều so với mức tăng nhu cầu 710.000 thùng/ngày mà OPEC+ dự báo cho Trung Quốc trong năm 2024 trong báo cáo hàng tháng mới nhất được công bố vào ngày 14 tháng 5.
Ấn Độ: Tiêu thụ dầu của Ấn Độ tăng 3,7 triệu tấn (4,8%) trong 4 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023, theo dữ liệu từ Cơ quan Phân tích và Kế hoạch Dầu khí của chính phủ. Ấn Độ đang trở thành một trong những nước tiêu thụ lớn xăng dầu toàn cầu và dự kiến sẽ vượt qua Trung Quốc để trở thành nguồn tăng trưởng quan trọng nhất vào năm 2030.
OPEC dự đoán Ấn Độ sẽ chiếm 1/10 tăng trưởng toàn cầu trong năm nay, tỷ trọng cao thứ hai so với bất kỳ quốc gia nào, nhưng vẫn kém Trung Quốc. Hai phần ba lượng tiêu thụ xăng dầu của Ấn Độ đến từ ba sản phẩm - dầu diesel (39%), xăng (16%) và khí hóa lỏng (LPG) (13%). Thị phần nhỏ hơn nhiều là than cốc dầu mỏ (9%), naphtha (6%), bitum (4%), nhiên liệu máy bay (4%) và các sản phẩm khác.
Diesel chủ yếu được sử dụng bởi các hãng vận tải hàng hóa, nhà sản xuất và hầm mỏ, với số lượng nhỏ trong nông nghiệp và sản xuất điện, và mức tiêu thụ đã tăng với tốc độ trung bình hàng năm dưới 3% một chút trong thập kỷ qua.
Mức tăng trưởng nhanh nhất đến từ xăng dầu, tăng với tốc độ trung bình 8% mỗi năm do thu nhập hộ gia đình đã thúc đẩy tỷ lệ sở hữu xe máy và ô tô tăng nhanh. Tăng trưởng nhanh thứ hai từ LPG, tăng hơn 6% mỗi năm do ngày càng nhiều hộ gia đình chuyển sang sử dụng gas đóng bình để thay thế dầu hỏa.
Các hộ gia đình chiếm gần 90% lượng tiêu thụ LPG của cả nước và gần như đã thay thế hoàn toàn dầu hỏa trong 20 năm qua.
Dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA): Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2024, tiếp tục mở rộng khoảng cách giữa cơ quan này và nhóm sản xuất dầu OPEC về triển vọng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay.
Cơ quan giám sát năng lượng có trụ sở tại Paris đã hạ triển vọng tăng trưởng trong năm nay thêm 140.000 thùng/ngày xuống 1,1 triệu thùng/ngày, phần lớn là do nhu cầu yếu ở các quốc gia OECD phát triển.
Trong khi đó, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vẫn giữ dự đoán rằng nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng 2,25 triệu thùng/ngày (bpd) vào năm 2024.
Sự khác biệt lớn giữa hai dự báo một phần là do quan điểm khác nhau về tốc độ chuyển đổi toàn cầu sang nhiên liệu sạch hơn.
IEA trong báo cáo dầu hàng tháng cho biết dự báo nhu cầu dầu năm 2024 thấp hơn có liên quan đến hoạt động công nghiệp kém và mức tiêu thụ dầu diesel trong mùa đông, đặc biệt là ở châu Âu, nơi tỷ lệ xe sử dụng dầu diesel giảm đã làm giảm mức tiêu thụ.
IEA cho biết “kết hợp với nguồn cung dầu diesel yếu ở Mỹ vào đầu năm, điều này đủ để khiến nhu cầu dầu của OECD trong quý đầu tiên giảm trở lại”.
Dự báo tăng trưởng dầu năm 2025 của IEA là 1,2 triệu thùng/ngày - cao hơn một chút so với ước tính trước đó - hiện cao hơn một chút so với dự báo cho năm nay.
Dự báo của OPEC: Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã giữ nguyên các mức dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2024 và 2025.
Báo cáo mới nhất của OPEC dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu của thế giới trong năm 2024 và 2025 sẽ lần lượt ghi nhận 2,25 triệu thùng/ngày và 1,8 triệu thùng/ngày, không thay đổi so với các mức dự báo được đưa ra trong báo cáo tháng trước.
Theo đánh giá của OPEC, Mỹ, Ấn Độ và Brazil ở một chừng mực nhất định, đã có đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2023, trong khi các nền kinh tế Trung Quốc và Nga đều tăng trưởng ổn định vào khoảng thời gian cuối năm trước.
Ở thời điểm hiện tại, giá dầu đang chịu tác động từ những yếu tố:
Biên bản cuộc họp chính sách mới nhất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố ngày 22/5 cho thấy các nhà hoạch định chính sách vẫn còn lo ngại liệu lãi suất hiện tại có đủ cao để kiềm chế lạm phát hay không. Lãi suất cao làm tăng chi phí vay, có thể làm chậm hoạt động kinh tế và làm giảm nhu cầu dầu mỏ.
Các nhà đầu tư cũng đang hướng tới cuộc họp chính sách sản lượng dầu diễn ra ngày 1/6 của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (nhóm OPEC+).
Ông Andrew Lipow, Chủ tịch của công ty tư vấn dầu khí Lipow Oil Associates ở Houston, cho biết, sự sụt giảm giá dầu thô gần đây làm tăng khả năng OPEC + sẽ duy trì hạn ngạch sản lượng hiện nay ít nhất là cho đến cuối tháng 9/2024.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ dầu thô của Mỹ tăng. Thông tin này đã gây áp lực lên thị trường dầu.
 
 
 
 
 
 
 
 

Nguồn: Vinanet/Reuters