Cơ hội để "bắt đáy" BĐS
Theo số liệu từ Google Trends, tại Việt Nam, trong tháng 2 và 3, lượng tìm kiếm với từ các khóa liên quan đến nhà ở như "bất động sản", "căn hộ chung cư", "dự án nhà ở" đều tăng. Như với từ khóa "chung cư", thời điểm cuối tháng 3/2020, lượng tìm kiếm thậm chí còn vượt mốc cao nhất của năm 2019.
Đây là điều rất bất ngờ, cho thấy mức độ quan tâm của người Việt Nam với vấn đề nhà ở vẫn rất lớn, bất chấp dịch bệnh Covid – 19 có diễn biến phức tạp,
Xu hướng tìm kiếm online tăng mạnh ở cụm "chung cư".
Mức độ quan tâm về "chung cư" của người Việt Nam tăng mạnh sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, đến cuối tháng 3/2020 lượng tìm kiếm đã vượt mốc cao nhất của năm 2019.
Theo lý giải của các chuyên gia, xu hướng tìm kiếm online tăng mạnh bởi hiện nay do tác động của dịch bệnh nên việc mua bán BĐS tiếp cận theo mô hình online nhiều hơn. Bên cạnh đó, căn hộ chung cư gắn với nhu cầu sinh sống thực của đông đảo người dân nên so với các phân khúc khác phân khúc chung cư vẫn có nhiều điểm sáng trong thời kỳ dịch bệnh.
Điều này cũng khá trùng khớp với nhận định của Công ty Chứng khóa SSI trong Báo cáo "Đánh giá tác động của dịch virus Corona tới các nhóm ngành". Theo đó, trong năm 2020, BĐS nhà ở sẽ "trung lập" - tức là chịu tác động không đáng kể của dịch bệnh.
"Nhu cầu đối với BĐS thương mại không bị ảnh hưởng bởi virus Corona vì hoạt động mua nhà chung cư dựa trên nhu cầu và kế hoạch để sinh sống trong dài hạn, không liên quan đến sự kiện như bệnh dịch", công ty chứng khoán hàng đầu Việt Nam nhận định.
Điều này cũng tương tự đánh giá trong báo cáo quý I/2020 của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, cho thấy "mặc dù thị trường trầm lắng song giá bán BĐS không hề có sự sụt giảm so với quý IV/2019 và chưa có bất cứ doanh nghiệp nào công bố chính sách giảm giá sản phẩm".
Phân tích thêm về tính ổn định của thị trường căn hộ chung cư, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, với lực lượng dân số đứng thứ 15 thế giới, nhu cầu nhà ở tại Việt Nam sẽ chỉ có tăng.
"Cầu BĐS ở quốc gia đang phát triển, dân số già hóa nhanh và tốc độ đô thị hóa cao như Việt Nam vẫn rất lớn và dự báo sẽ tiếp tục duy trì ít nhất 15-25 năm nữa", TS. Vũ Đình Ánh dự đoán.
Một "liều vắc xin" quan trọng khác giúp thị trường BĐS có thể duy trì "thể trạng" ổn định trong khi nhiều lĩnh vực tê liệt vì đại dịch, đó là tính an toàn, bền vững và khả năng sinh lời tốt của BĐS với tư cách là một kênh đầu tư an toàn trong mùa dịch.
"Nguồn cung BĐS ở Việt Nam hiện nay rất đa dạng. Dù được xem như ‘của để dành’ hay công cụ đầu tư, BĐS đều hứa hẹn lợi nhuận cao, nhất là gần như chắc chắn giá BĐS sẽ tiếp tục tăng sau khi dịch bệnh đi qua và kinh tế phục hồi", TS. Vũ Đình Ánh khẳng định.
Cũng theo ông Ánh, giai đoạn khó khăn hiện nay cũng là thời điểm để các nhà đầu tư BĐS có kinh nghiệm, tầm nhìn, có năng lực "lao" vào kiếm cơ hội từ việc "bắt đáy" thị trường và tận hưởng các ưu đãi kích cầu của chủ đầu tư.
Nguồn cung hạn chế, "lò xo" BĐS chắc chắn sẽ bung mạnh
Dự báo về thị trường địa ốc sau khi dịch Covid-19 đi qua và giai đoạn cuối năm 2020, các chuyên gia đều có chung cái nhìn lạc quan. Theo đó, ngay sau khi dịch bệnh bị đẩy lùi, BĐS sẽ là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhất khi làn sóng nhà đầu tư mới "đổ bộ" và thị trường bị nén lại đã lâu buộc phải bùng nổ.
Theo chuyên gia, thị trường BĐS hậu Covid-19 có thể sẽ chứng kiến sự khan hiếm về nguồn cung bởi hiện tại là "phép thử" khắc nghiệt với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có quỹ đất hạn chế, doanh nghiệp không có tiềm lực tài chính, phụ thuộc vào nguồn thu ngắn hạn.
"Trong quý II/2020, nguồn cung mới từ các dự án BĐS đủ điều kiện gia nhập thị trường chắc chắn không có nhiều. Ở mỗi địa phương có thể tổng số dự án mới chỉ đạt ở mức 1 con số", báo cáo thị trường quý I/2020 của Hội Môi giới BĐS Việt Nam nhận định.
Cũng từ thực tế này, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, dịch bệnh như một quá trình "thanh lọc tự nhiên" trên thị trường. Khách hàng có cơ hội nhìn rõ ai khỏe, ai yếu để quyết định xuống tiền.
"Sức mua sẽ tập trung vào các dự án của chủ đầu tư tên tuổi bởi thực tế đã chứng minh sản phẩm theo thời gian giá thường tăng lên. Khi dịch bệnh đi qua, chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng tranh hàng ở các dự án uy tín, chất lượng", TS. Ánh phân tích.
Ở một khía cạnh khác, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM, chỉ ra thực tế, Covid-19 có thể được xem là "bài kiểm tra" đối với nền kinh tế, môi trường sống và hệ thống y tế tại nước nhà. Điều này sẽ có tác động lớn đến các quyết định đầu tư.
"Với 5 triệu kiều bào trên khắp thế giới và lượng kiều hối gần 20 tỷ USD/năm, sau khi dịch bệnh kết thúc, dự kiến sẽ có làn sóng đầu tư BĐS mới từ kiều bào. Thị trường khi đó sẽ càng thêm cạnh tranh", ông Lê Hoàng Châu nhận định.
Đáng chú ý, thống kê từ một sàn BĐS lớn cho thấy, Covid đang khiến khách hàng có xu hướng quan tâm nhiều đến phân khúc nhà ở cao cấp, nơi có môi trường sống tiện nghi và an toàn hơn. Điều này bắt nguồn từ thực tế cuộc sống "cách ly xã hội" của cư dân các khu đô thị lớn có đầy đủ tiện ích như siêu thị, bệnh viện, trường học, sân thể thao, khu công viên, vui chơi giải trí…, giúp cư dân sống khá thoải mái và yên tâm khi thực hiện chế độ "không ra đường".
"Những dự án theo mô hình đô thị khép kín all-in-one (tất cả trong một) được quan tâm hơn cả bởi trong điều kiện dịch bệnh, cách ly, khách hàng dường như nhận ra tầm quan trọng của những tiện ích tại chỗ", đại diện sàn BĐS lý giải. Dự báo phân khúc BĐS này sẽ rất nóng trong thời gian tới, đặc biệt tại các đại đô thị theo mô hình "thành phố trong thành phố"
 

Nguồn: Cafef