Châu Âu là khu vực thị trường lớn thứ 2 của Tổng công ty Cao su Đồng Nai (Donaruco), chiếm khoảng 16% xuất khẩu cao su của đơn vị, với các thị trường chính là Pháp, Đức, Hà Lan, Anh, Tây Ban Nha... Chính vì vậy, Donaruco là một trong những doanh nghiệp đi tiên phong về triển khai thực hiện các Quy định chống phá rừng của châu Âu (EUDR).
Đầu tháng 12/2024, Donaruco cùng với 2 công ty khác là Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng và Công ty Cổ phần Cao su Chư Sê Kampong Thom đã được Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) công bố là 3 đơn vị đầu tiên của Tập đoàn hoàn thành việc đáp ứng theo yêu cầu EUDR và được khách hàng chấp nhận.
Để đáp ứng các quy định EUDR, trong thời gian qua, Donaruco đã xây dựng thành công hệ thống truy xuất nguồn gốc nguyên liệu (DNRC-Traceability). Hệ thống này dựa trên nền tảng công nghệ webapp và mobile app, kết hợp với hệ thống bản đồ số DNRC.GIS.
Hệ thống bản đồ số DNRC.GIS và hệ thống DNRC-Traceability được coi là bộ công cụ mạnh mẽ giúp Donaruco quản lý diện tích vườn cây rộng lớn (khoảng 34 nghìn ha) một cách hiệu quả. Hệ thống này không chỉ giúp Donaruco theo dõi hiện trạng vườn cây mà còn xác định chính xác nguồn gốc nguyên liệu của từng lô sản phẩm mủ cao su, ngày chế biến, ngày thu hoạch, chất lượng sản phẩm và cả vị trí địa lý vườn cây. Qua đó, giúp cho Donaruco đảm bảo tuân thủ các quy định của EUDR.
Bên cạnh đó, do hằng năm vẫn phải thu mua thêm một lượng không nhỏ mủ cao su tiểu điền nhằm đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu cho hoạt động của 3 nhà máy chế biến mủ cao su, Donaruco đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giúp các hộ tiểu điền thu thập thông tin cần thiết, lập bản đồ và quản lý nguồn gốc nguyên liệu mủ cao su theo quy định EUDR. Donaruco hợp tác chặt chẽ về kỹ thuật và chia sẻ lợi ích khi các hộ tiểu điền tuân thủ quy định của EUDR.
Đồng thời, với các hộ tiểu điền, Donaruco thường xuyên tổ chức các hội thảo, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc vườn cây, bảo quản mủ nguyên liệu, cung cấp tài chính ưu đãi, hỗ trợ an sinh xã hội.

Một vườn cao su của Donaruco. Ảnh: Sơn Trang.

Một vườn cao su của Donaruco. Ảnh: Sơn Trang.
Với việc xây dựng thành công hệ thống truy xuất nguồn gốc nguyên liệu, Donaruco trở thành đơn vị đầu tiên của VRG và ngành cao su Việt Nam xây dựng thành công hệ thống truy xuất nguồn gốc tuân thủ EUDR.
Từ sau khi công bố đáp ứng quy định EUDR, Donaruco đã tiêu thụ được hàng nghìn tấn cao su đáp ứng quy định này. Ước tính đến cuối năm 2024, đã có khoảng 1.600 tấn mủ cao su đạt chuẩn EUDR của Donaruco xuất khẩu thành công sang châu Âu. Ông Đỗ Minh Tuấn - Tổng Giám đốc Donaruco - cho biết, việc tiêu thụ các sản phẩm cao su đáp ứng quy định EUDR đang diễn ra rất tốt từ đầu năm đến nay.
Việc đáp ứng quy định EUDR không chỉ giúp cho Donaruco sẵn sàng đẩy mạnh xuất khẩu cao su sang châu Âu sau khi EUDR chính thức có hiệu lực, mà còn giúp công ty nâng cao uy tín trên thị trường quốc tế, giúp cho sản phẩm cao su của công ty tạo được sự chú ý nhiều hơn từ các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...
Đến nay, Donaruco đã có 11.035 ha rừng cao su đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững VFCS/PEFC-FM, chiếm 34,8% tổng diện tích vườn cây của công ty. Bên cạnh đó, đã có 3 nhà máy chế biến mủ cao su của Donaruco đạt chứng chỉ PEFC-CoC (chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm), với tổng công suất 40.000 tấn/năm.
Xuất khẩu cao su trong nửa đầu năm nay đang tăng trưởng tốt về trị giá. Thông tin từ Hải quan Việt Nam cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu cao su đạt 550 nghìn tấn, trị giá 1,04 tỷ USD, giảm 4,1% về lượng, nhưng tăng 21,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024.

Nguồn: Thanh Sơn - Lê Bình/Báo Nông nghiệp và Môi trường