Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, giá trị XK cá ngừ trong tháng 8/2022 tăng 86% so với cùng kỳ năm 2021, đạt gần 92 triệu USD. Con số này cao gấp gần 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra đại dịch.
Tính luỹ kế 8 tháng năm 2022, kim ngạch XK cá ngừ của Việt Nam đạt gần 730 triệu USD, tăng 55% so với cùng kỳ năm 2021. So với những năm trước, tỷ trọng XK các sản phẩm cá ngừ tươi, đông lạnh và khô trong tổng kim ngạch XK cá ngừ đang ngày càng tăng, và nhiều hơn gấp 2 lần các sản phẩm cá ngừ chế biến.
Với gần 100 thị trường xuất khẩu, trong 8 tháng qua, XK cá ngừ sang các thị trường chính đều đang tăng so với cùng kỳ, trừ Israel.
Theo phân tích của bà Tạ Hà, chuyên gia thị trường cá ngừ của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tại 2 thị trường chính là Mỹ và EU, tình trạng lạm phát vẫn còn khá nóng. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng Mỹ (CPI) của tháng 8/2022 đã tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2021. Tương tự, tại châu Âu, ngày 31/8 cơ quan thống kê châu Âu Eurostat công bố CPI của lục địa này trong tháng 8 đã tăng tới 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tình trạng trên đang khiến cho người tiêu dùng tại Mỹ và EU ngày càng thắt chặt chi tiêu hơn. Nhu cầu đối với cá ngừ đóng hộp, một trong những loại protein giá rẻ được yêu thích tại 2 thị trường này đang ngày càng tăng. Điều này dự kiến sẽ thúc đẩy NK cá ngừ.
XK cá ngừ của Việt Nam sang Mỹ vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt so với cùng kỳ. Giá trị XK trong tháng 8/2022 đã tăng 65% so với cùng kỳ năm 2021, và cao gấp 2 lần sao với cùng kỳ năm 2019, thời điểm trước khi xẩy ra đại dịch.
Còn tại EU, sau khi tăng trưởng trở lại trong tháng 7, XK cá ngừ của Việt Nam sang khối thị trường này tiếp tục tăng tốc trong tháng 8 với mức tăng 70% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 106 triệu USD. Con số này đã góp phần nâng tổng kim ngạch XK cá ngừ sang EU trong 8 tháng đầu năm nay lên 106 triệu USD.
Đức, Bỉ và Tây Ban Nha là 3 thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn trong khối thị trường này. Đáng chú ý, XK cá ngừ của Việt Nam sang Đức sau khi sụt giảm liên tục trong 3 tháng qua, trong tháng 8 năm nay đã tăng với tốc độ cao, với 221% so với cùng kỳ. Cùng với Đức, XK cá ngừ sang Bỉ cũng tiếp tục tăng trưởng ở mức cao 116%. Trong khi đó, XK cá ngừ Tây Ban Nha giảm. Một trong những nguyên nhân của sự sụt giảm XK sang thị trường này là do hạn ngạch ưu đãi thuế quan đối với thịt, loin cá ngừ hấp đông lạnh XK sang EU theo thoả thuận trong Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và EU đã được sử dụng hết.
Cùng với Mỹ và EU, tại một số thị trường chính khác như Canada, Nhật Bản, Israel, Ảrập Xêut, Thái Lan và Nga cũng đang có tốc độ tăng trưởng ấn tượng ở mức 3 đến 4 con số trong tháng 8. Một trong những nguyên nhân của sự tăng trưởng này là do thời điểm này năm ngoái dịch Covid-19 tại Việt Nam bùng phát khiến làm cản trở hoạt động XK. Tuy nhiên, so với thời điểm trước dịch thì giá trị XK sang các thị trường cũng cao hơn. Điều này cho thấy các thị trường đang có sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch.
Theo VASEP, đầu năm nay, do giá dầu tăng nên 40-45% tàu cá cả nước phải nằm bờ. Điều này đã ảnh hưởng lớn tới nguồn cung cá ngừ nguyên liệu cho các nhà máy, đặc biệt là nguồn cung nguyên liệu có xuất xứ thuần túy (tức là nguyên liệu có xuất xứ trong nước).
Do đó, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá ngừ phải nhập từ các nước và vùng lãnh thổ chưa có Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam. Điều này đã khiến cho các lô hàng cá ngừ xuất khẩu của Việt Nam không thể tận dụng được các lợi thế từ FTA để tăng sức cạnh tranh so với các nước đối thủ khác khi xuất sang các nước có FTA với Việt Nam như các nước EU.
VASEP dự báo, xuất khẩu cá ngừ trong nửa cuối năm 2022 sẽ tiếp tăng trưởng tốt, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại. Kim ngạch xuất khẩu cá ngừ cả năm 2022 dự kiến sẽ đạt khoảng 1,1 tỷ USD, tăng 45% so với năm 2021.
 

Nguồn: Haiquanonline