Theo bà Nguyễn Hà, chuyên gia thị trường cá ngừ của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), ngày 15/3, Uỷ ban châu Âu (EC) đã áp thêm các biện pháp trừng phạt với Nga, trong đó bao gồm cả lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm sắt và thép. Sắc lệnh này cũng nhằm vào các nhà tài phiệt là cổ đông chính trong các công ty thép của Nga. Theo EC, điều này sẽ làm mất khoảng 3,3 tỷ euro (tương đương 3,6 tỷ USD) doanh số xuất khẩu của Nga. Danh sách các sản phẩm bị cấm nhập khẩu cũng bao gồm các sản phẩm của nhà máy thiếc. Các sản phẩm này bao gồm thép phủ thiếc hoặc crom hoặc thép không tráng. Thiếc tấm được sử dụng để đóng hộp thực phẩm và đồ uống như cá ngừ đóng hộp.
Bà Nguyễn Hà dẫn nguồn từ Hiệp hội Thép Thế giới (WSA) cho biết Nga là nhà sản xuất thép lớn thứ 5 trên thế giới và sản xuất 76 triệu tấn kim loại này vào năm 2021. Các lệnh trừng phạt được áp đặt cho nước này đã làm giảm nguồn cung thép của quốc gia này. Cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng đã làm tạm ngừng hoạt động sản xuất thép của Ukraine. Năm ngoái, sản lượng thép của Ukraine đạt 21,4 triệu tấn. Nguồn cung thép từ Nga và Ukraine cùng chiếm khoảng 1/3 lượng thép nhập khẩu của Liên minh châu Âu. EC cho biết sẽ tăng hạn ngạch nhập khẩu từ các nước thứ ba khác để bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn cung kim loại này.
Bà Nguyễn Hà nhận định nguồn cung thép không ổn định đã đẩy giá hàng hoá này lên cao hơn nữa. Khi cuộc chiến tranh bắt đầu, xuất khẩu thép từ Nga và Ukraine gần như ngay lập tức dừng lại, trong khi nhu cầu ở Bắc Mỹ sẽ tăng lên. Điều này được dự đoán sẽ là tăng giá thép lên 1.500 USD/tấn năm 2022.
Chuyên gia cá ngừ đến từ VASEP cho biết các nhà chế biến cá ngừ đóng hộp đã phải đối mặt với giá thép tăng trong năm ngoái và tình hình hiện tại có thể tiếp tục ảnh hưởng tới các công ty này. Theo các nhà sản xuất đồ hộp Bangkok, giá hộp thiếc rỗng sau khi tăng mạnh vào năm ngoái sẽ vẫn ổn định cho tới thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, mọi thay đổi trong chuỗi cung ứng đều khiến các nhà sản xuất lo lắng và thép là một trong số đó. Ngoài ra, nhiều yếu tố khác đang gây áp lực cho các nhà sản xuất đồ hộp là giá cước vận chuyển, giá dầu ăn và giá nguyên liệu thô tăng do giá dầu đóng thùng cho các tàu đánh bắt cá ngừ tăng cao.
Hiện tại, các nhà sản xuất đồ hộp tại Bangkok đang trả 1.750 USD/tấn cá ngừ vằn nguyên con đông lạnh. Nguyên nhân của sự tăng giá này là do chi phí nhiên liệu của các tàu đánh bắt tăng chóng mặt. Việc giá thép tăng đột biến có thể khiến các nhà chế biến gặp nhiều khó khăn hơn trong tương lai gần.

Nguồn: ndh.vn