Tại miền Bắc giảm trở lại
Giá lợn hơi tại Thái Bình, Nam Định có nơi giảm 2.000 đ/kg xuống 82.000 đ/kg; các địa phương khác gồm Hà Nội, Ninh Bình giảm nhẹ 1.000 đ/kg xuống 81.000 - 82.000 đ/kg; tại Sơn La, Ứng Hoà 80.000 - 81.000 đ/kg; Tuyên Quang 80.000 - 82.000 đ/kg; tại Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Yên Bái, Lào Cai không đổi 80.000 - 83.000 đ/kg; tại Hà Nam, Hưng Yên 76.000 - 80.000 đ/kg.
Tại miền Trung, Tây Nguyên cũng giảm vài nơi
Giá lợn hơi tại Bình Định giảm 3.000 đ/kg xuống 82.000 đ/kg; Thanh Hoá, Nghệ An giảm 1.000 đ/kg xuống 82.000 đ/kg. Các tỉnh, thành khác giá ít biến động so với ngày hôm trước, trong đó, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế 81.000 - 82.000 đ/kg; Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận phổ biến 85.000 đ/kg; tại khu vực Tây Nguyên 75.000 - 81.000 đ/kg.
Tại miền Nam tăng trên diện rộng
Giá lợn hơi tại Hậu Giang, Đồng Tháp tăng 2.000 đ/kg lên 82.000 đ/kg; Cần Thơ tăng 3.000 đ/kg lên 80.000 đ/kg; tại An Giang, Kiên Giang tăng 1.000 đ/kg lên 81.000 đ/kg; tại Bến Tre, Trà Vinh, Long An và Tiền Giang 82.000 đ/kg; tại Đồng Nai có nơi xuống 78.000 đ/kg, nhưng vẫn phổ biến 81.000 - 83.000 đ/kg, các tỉnh còn lại, giá lợn dao động 80.000 - 81.000 đ/kg. Tại chợ đầu mối Hóc Môn, lượng lợn về chợ trong ngày 10/2/2020 đạt 3.780 con, nhưng tình hình buôn bán của thương lái không mấy thuận lợi.
Dịch tả lợn châu Phi đã được kiểm soát tốt
Vietnambiz.vn dẫn nguồn Bộ NN&PTNT, lũy kế từ đầu tháng 2/2019 đến ngày 31/1/2020, tổng số lợn tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi gần 6 triệu con, tương đương hơn 340.000 tấn. Đã có 8.031 xã (chiếm 93,7% tổng số xã có dịch) thuộc 609 huyện đã qua 30 ngày không phát sinh thêm ca bệnh mới; 22 tỉnh, thành phố có 100% số xã đã qua 30 ngày; 32 tỉnh, thành phố có 85% số xã đã qua 30 ngày. Hiện nay, cả nước chỉ còn 539 xã (chiếm 6,3% tổng số xã có dịch) chưa qua 30 ngày. Bộ NN&PTNT nhận định dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, nhiều địa phương tập trung tái đàn nhanh, hiệu quả. Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn đã tăng số lượng tổng đàn 5 - 15% so với cùng kì năm 2018.
Nhiều địa phương đã nuôi tái đàn thành công (như Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Thanh Hóa, Bình Định, Đồng Nai,...), việc nuôi tái đàn đã có kết quả, lượng thịt lợn đủ cung ứng cho nhu cầu của các địa phương, thậm chí có thể cung cấp cho các địa phương xung quanh. Lượng thịt lợn nuôi tái đàn để cung cấp ra thị trường tăng từ tháng 1/2020.
Theo báo cáo của các cơ quan quản lí chuyên ngành thú y của các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, tổng đàn lợn cả nước thời điểm hiện tại trên 24 triệu con, trong đó có khoảng 2,7 triệu con lợn nái.
Sau khi dịch qua đỉnh điểm vào tháng 5/2019, việc tái đàn đã được triển khai ngay tại các địa phương. Tuy nhiên, thời gian phục hồi đàn lợn cần khoảng 5 - 7 tháng. Do đó, theo báo cáo của các địa phương và các doanh nghiệp chăn nuôi, từ tháng 1/2020 đã bắt đầu có sản phẩm của lợn nuôi tái đàn và sẽ tăng cao từ tháng 2/2019.
Trang Danviet.vn dẫn nguồn Bộ NNPTNT dự báo, khả năng đảm bảo nguồn cung thịt lợn cho năm 2020 khoảng hơn 4 triệu tấn. Cụ thể, tháng 02/2020, dự báo lượng thịt lợn cung cấp ra thị trường đạt khoảng 330.000 tấn; tháng 03/2020 khoảng 350.000 tấn; tháng 04/2020 khoảng 360.000 tấn; tháng 05/2020 khoảng 360.000 tấn; tháng 06/2020 khoảng 365.000 tấn. Quý III/2020 khoảng 1,098 triệu tấn. Quý IV/2020 khoảng 1,145 triệu tấn.
Sản lượng thịt này cộng với thịt nhập khẩu có thể sẽ khiến giá lợn hơi hạ nhiệt sau một thời gian tăng cao kỷ lục, ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng. Hiện, giá lợn hơi cũng đã giảm so với trước Tết Nguyên đán sau khi nhiều doanh nghiệp lớn giảm giá bán ra.
Như vậy, việc nhập khẩu thịt động vật và thịt lợn là rất thông thoáng, theo đúng quy định của Việt Nam, của các nước và thông lệ quốc tế. Tổng sản lượng các loại thịt nhập khẩu trong năm 2019 tăng 17% và thịt lợn tăng 63% so với năm 2018.
Theo báo cáo của các Cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu thuộc Cục Thú y, tổng sản lượng thịt các loại nhập khẩu từ các nước trong năm 2019 là 280.474 tấn (tăng khoảng 17% so với năm 2018 là 239.000 tấn) và trong năm 2020 (tính đến ngày 31/01/2020) là 10.151 tấn. Riêng thịt lợn và sản phẩm thịt lợn năm 2019 lợn nhập khẩu 67.131 tấn (tăng 63% so với năm 2018); trong đó chủ yếu nhập khẩu từ các nước: Đức, Ba Lan, Brazil, Canada, Mỹ. Năm 2020 (tính đến ngày 31/01/2020) nhập khẩu hơn 4.535 tấn, sản lượng nhập có xu hướng tăng hơn so với cùng kỳ năm 2019.
Tuy nhiên, hiện nay có một số khó khăn như bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra ở nhiều quốc gia, ảnh hưởng lớn đến nguồn cung cấp thịt lợn cho các thị trường trên thế giới. Trung Quốc bị thiệt hại nặng nề do dịch tả lợn châu Phi nên cần rất nhiều thịt, giá thịt lợn ở nước này hiện rất cao nên các doanh nghiệp Trung Quốc sẵn sàng mua thịt lợn nhập khẩu với giá cao hơn (20 - 30%) so với các doanh nghiệp Việt Nam và họ thường mua với số lượng rất lớn. Dịch bệnh do 2019-nCoV gây ra cũng đã ảnh hưởng lớn đến các hoạt động thương mại, kể cả việc đi lại của các doanh nghiệp sang các nước để tìm kiếm, đàm phán nhập khẩu thịt lợn...

Nguồn: VITIC